Có tẩy sạch được quảng cáo, rao vặt 'bẩn' ?

Quảng cáo, rao vặt bủa vây không gian sống, từ cột điện, cây xanh, trạm biến áp… cho tới tường nhà, cửa nhà người dân, khiến đường phố nhếch nhác...

 

Quảng cáo, rao vặt bủa vây không gian sống, từ cột điện, cây xanh, trạm biến áp… cho tới tường nhà, cửa nhà người dân, khiến đường phố nhếch nhác, bộ mặt đô thị trở nên xấu xí. Đây là vấn đề nhức nhối suốt thời gian qua.

Tại khắp các đô thị trên cả nước, đâu đâu cũng dễ bắt gặp những mẩu quảng cáo, rao vặt chằng chịt trên những trụ điện, cột đèn, bờ tường, cành cây… Không ít cây xanh trên đường phố cũng bị đóng đinh để gắn biển rao vặt. Tình trạng này đã làm mất mỹ quan đô thị, khiến các đô thị trở nên nhếch nhác, xấu xí.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Tạ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Emme Law cho biết, hành vi dán quảng cáo lên phố phường bị cấm theo quy định tại điều 8 của Luật Quảng cáo 2012. Những người có hành vi dán quảng cáo này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1, điều 34, Nghị định 38, năm 2021 trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo. Dẹp nạn quảng cáo rao vặt không khó, không thiếu giải pháp, chỉ cần lần theo số điện thoại của chủ thuê bao và có chế tài xử lý thật nặng sẽ giải quyết được vấn đề này.

Tuy nhiên, theo luật sư Tạ Anh Tuấn, chế tài xử phạt hành vi dán quảng cáo, rao vặt bôi bẩn phố phường như hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Các mẩu quảng cáo dán trên tường gây mất mỹ quan đô thị.

“Theo Nghị định 38, việc xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, có mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng với cá nhân và gấp đôi với các tổ chức vi phạm, trong khi tiền công đi dán, treo quảng cáo từ 4 - 5 triệu đồng thì người ta sẽ bất chấp, chấp nhận xử phạt để có lợi ích. Còn đối với người thuê quảng cáo, hiện nay số tiền phạt từ 10 - 20 triệu đồng/cá nhân hoặc gấp đôi với tổ chức, thì cao cũng chỉ 40 triệu đồng. Trong khi đó thông tin được quảng cáo này lan truyền, rõ ràng lợi hơn rất nhiều so với quảng cáo đa phương tiện. Để giải quyết vấn nạn này, cần phải thay đổi mức phạt, hình thức phạt”, luật sư Tuấn lý giải.

Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, trách nhiệm chính trong việc phát hiện, kiểm tra, xử phạt rác quảng cáo, rao vặt trước hết thuộc về cơ quan văn hóa, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường và lực lượng công an. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ quan, lực lượng nào được giao một nhiệm vụ cụ thể để giải quyết vấn nạn quảng cáo rao vặt, nên đôi khi chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các lực lượng chức năng.

“Phải xử phạt tiếp hành vi phá hoại của công hoặc tài sản cá nhân, phải khắc phục hậu quả, khôi phục lại nguyên trạng mỹ quan của hiện trường đã bị bôi bẩn bởi quảng cáo, rao vặt… Việc xử phạt nên giao cho công an bởi hiện nay tại các xã, phường đã có công an chuyên nghiệp và cũng chỉ lực lượng này mới có đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Nhìn nhận thẳng thắn thì không khó để ngăn chặn, xóa bỏ nạn quảng cáo, rao vặt sai quy định nếu như vấn đề này được chính quyền các địa phương quan tâm đúng mức cùng với các giải pháp được triển khai đồng bộ và quyết liệt, kèm theo những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe. Các địa phương cần tăng cường phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần đảm bảo môi trường văn minh, lịch sự. Cơ quan nhà nước phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm những người vi phạm.

Nên chăng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nên có những quy định, chế tài cụ thể hơn nhằm “tẩy” sạch quảng cáo, rao vặt “bẩn” trong không gian đô thị./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận