Là một đất nước có bờ biển dài, chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, và là điểm đến thường xuyên của những cơn bão, thì việc cảnh báo sớm đến người dân những tín hiệu mất an toàn là điều vô cùng cần thiết ở Việt Nam. Cùng tham khảo góc nhìn của tác giả Phạm Quang Vinh về sự thiếu hụt này từ câu chuyện thương tâm sau những vụ sạt lở gần đây.
Mới đây, theo thông tin từ các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tìm thấy thi thể của một nạn nhân bị đất đá đè tử vong sau vụ sạt lở đất ở huyện Bắc Quang, Hà Giang.
Trước đó vào hôm 29/9, người đàn ông này không may bị đất vùi lấp khi đang dùng điện thoại livestream để cảnh báo mọi người về vụ sạt lở trên quốc lộ 2.
Còn vào ngày 9/9, đã xảy ra một vụ sạt lở ta luy dương nghiêm trọng tại quốc lộ 34 thuộc địa phận xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đây có lẽ là 1 trong 2 vụ sạt lở để lại hậu quả rất đau thương trong thời gian ngắn vừa qua (cùng với vụ việc ở làng Nủ, Lào Cai).
Với vụ việc sạt lở ta luy dương ở xã Ca Thành làm hơn 30 người thiệt mạng, đó đều là những người đang ở trên các phương tiện tham gia giao thông khác nhau (như xe khách, xe cá nhân, xe ô tô, xe máy…) khi họ đang chờ được thông đường để tiếp tục di chuyển.
Trước đó, họ đã vượt qua được một điểm sạt lở và khi đến điểm sạt lở thứ hai, họ phải dừng lại vì chiếc máy xúc hỗ trợ đào đất, thông đường bị hỏng. Họ bị kẹt lại từ tối đêm ngày 8/9 trong điều kiện thời tiết có mưa lớn và vụ sạt lở xảy ra vào sáng ngày 9/9.
Trong hai vụ việc tôi vừa nêu, có một vấn đề tôi nghĩ chúng ta chắc chắn cần phải thảo luận, cần phải có giải pháp khi ứng phó với những rủi ro từ thiên tai.
Hàng chục người ở vụ sạt lở tại xã Ca Thành đã không thiệt mạng nếu lúc đó chúng ta có một quy trình phù hợp để cảnh báo, buộc mọi người phải rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Tôi nói như vậy bởi thời điểm trước khi xảy ra vụ sạt lở, ở xã Ca Thành vẫn có sóng điện thoại và đã có một số người chủ động ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhờ được người nhà gọi về.
Có người khi vợ gọi, đã bỏ cả xe để đi bộ về. Để rồi sáng hôm sau, người đàn ông đó tuy bị mất xe, nhưng vẫn còn mạng sống. Có người còn rủ thêm một số người cùng đi về, nhưng lại bị họ từ chối. Tức là mọi người vẫn có cơ hội thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm…
Địa điểm xảy ra sạt lở ở xã Ca Thành và ở huyện Bắc Quang đều là những khu vực có sóng điện thoại. Và chính quyền cũng đã có những giải pháp đầu tiên, cho máy xúc đến để giải quyết tình trạng sạt lở… Và chắc hẳn, chính quyền địa phương cũng đã lường trước được việc, những nguy hiểm tiếp theo có thể xảy ra tại những khu vực có nguy cơ sạt lở.
Nếu như chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có những giải pháp dứt khoát hơn, rõ ràng hơn, như yêu cầu những người bị kẹt lại trên đường ở xã Ca Thành phải rời khỏi khu vực nguy hiểm; yêu cầu những người đang livestream điểm sạt lở ở huyện Bắc Quang phải di chuyển nhanh chóng khỏi hiện trường… Ở những tình huống như vậy, lẽ ra phải có vai trò của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng.
Chính quyền địa phương hoàn toàn có thể (và nên) có sự cảnh báo, hạn chế, thậm chí là lệnh cấm… Và chắc chắn sẽ không có ai phản đối một lệnh cấm đường để đảm bảo an toàn, nhất là an toàn về tính mạng cho mình.
Đã đến lúc, trong những vụ việc tương tự, những tình huống tương tự, hoặc trong những rủi ro thiên tai, chúng ta cần phải có một khuôn khổ pháp lý, một hướng dẫn, quy trình… cho các cơ quan ứng phó thiên tai, cơ quan cứu hộ cứu nạn, để triển khai các biện pháp dứt khoát. Qua đó, hạn chế những vụ việc thương tâm như đã từng xảy ra.
Theo VOV.VN