Thanh toán điện tử trong giao thông: Người dân hưởng lợi gì?

Từ 1/10, Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực.

 

Từ 1/10, Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Vậy, người dân sẽ được hưởng lợi gì từ việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ?

Để được sử dụng hệ thống thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ, người dân cần làm gì? Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) xung quanh nội dung này.

Thưa ông, khi triển khai hệ thống thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ, người dân, người tham gia giao thông sẽ được hưởng lợi gì?

Trước đây từ tài khoản thu phí chỉ chi trả cho một mục đích duy nhất là thu phí sử dụng đường bộ, thì từ khi chuyển đổi sang tài khoản giao thông, kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thì người dân sẽ được sử dụng tài khoản giao thông để chi trả cho đa mục đích, ví dụ như là thu phí đường bộ, rồi thu phí bãi đỗ sân bay, thu phí bãi đỗ ở các khu đô thị. Trong tương lai thì cũng có thể là có thể thanh toán luôn lệ phí đăng kiểm…

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam.

Và trước đây khi mà sử dụng tài khoản thu phí thì chỉ có nạp vào thôi, không thể rút ra được, không thể sử dụng đa mục đích trên tài khoản này, thì bây giờ người dân trong phương tiện kết nối không dùng tiền mặt, thì có thể nạp vào, rút ra và được chi trả cho đa mục đích. Đấy là mục tiêu trong việc chuyển đổi tài khoản để chuyển đổi số trong thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng.

Để được hưởng chính sách, hưởng lợi như ông vừa nêu thì người dân cần phải thực hiện những công đoạn, thao tác ra sao?

Để triển khai thực hiện được thì người dân cần phải phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục chuyển đổi tài khoản thu phí hiện nay sang tài khoản giao thông kết nối với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay thì các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã từng bước triển khai, ví dụ như nhà cung cấp VETC thì đã có phương tiện không dùng tiền mặt là ví VETC. Hoặc là nhà cung cấp dịch vụ VDTC thì cũng đã có ví Viettel Pay. Các chủ phương tiện chỉ cần đăng ký sử dụng thêm các ví này thì sẽ thực hiện được ngay những thủ tục chuyển đổi từ tài khoản giao thông sang kết nối với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo quan điểm của ông thì sẽ có những khó khăn nào có thể nảy sinh khi triển khai thanh toán điện tử trong giao thông?

Khi Nghị định quy định về thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ có hiệu lực, từ mùng 1/10/2024, để triển khai thì có một số việc cần phải triển khai gấp. Thứ nhất là các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ cần nâng cấp, chuyển đổi hệ thống để thực hiện chuyển đổi từ tài khoản thu phí theo Quyết định 19 mà các chủ phương tiện đang sử dụng hiện nay thành tài khoản giao thông kết nối các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Nghị định mới.

Vấn đề thứ hai là các chủ phương tiện thì cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để thực hiện thủ tục chuyển đổi tài khoản thu phí đang sử dụng, thành tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ ba, để đảm bảo nghị định có hiệu lực, thì Bộ GTVT cũng cần phải triển khai xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Theo tôi, đây là ba vấn đề cần phải triển khai ngay để đảm bảo cho nghị định sớm có hiệu lực thi hành.

Ảnh minh họa - Báo Giao thông.

Để hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như người tham gia giao thông thực hiện tốt việc thanh toán điện tử trong giao thông thì Cục Đường bộ Việt Nam dự kiến sẽ triển khai những biện pháp nào để có thể hỗ trợ tích cực hơn?

Trước tiên, để triển khai Nghị định này thì Cục Đường bộ sẽ phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ tổ chức tuyên truyền sâu, rộng cho các chủ phương tiện, từ người dân đến các doanh nghiệp, đến các cơ quan, đơn vị cần thực hiện các thủ tục để chuyển đổi từ tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông, kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai là để đảm bảo cho các nhà cung cấp dịch vụ nâng cấp, chuyển đổi hệ thống thì Cục Đường bộ cũng sẽ hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để nâng cấp chuyển đổi hệ thống hiện nay sang hệ thống quản lý mới về tài khoản giao thông cũng như kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Xin cảm ơn ông!

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận