Hướng đi nào cho Làng trẻ em SOS Việt Nam: Làng trẻ em SOS Việt Nam cũng đang cần SOS

'SOS', viết tắt của cụm từ tiếng anh 'Save Our Ship' có nghĩa là cần sự trợ giúp khẩn cấp, mang tính cầu cứu.

 

Trong bối cảnh hiện tại khi nguồn viện trợ của tổ chức SOS quốc tế ngày càng giảm đi, các làng trẻ em SOS tại Việt Nam đang trong tình trạng “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Một số đơn vị cắt giảm nhân sự, các hoạt động…để tiết kiệm chi phí.

Tổ chức SOS quốc tế cắt dần viện trợ vào SOS Việt Nam

Làng trẻ em SOS Việt Nam là một phần của Làng trẻ em SOS Quốc tế - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ về phát triển trẻ em.

Làng trẻ em SOS Việt Nam được thành lập năm 1988, dựa trên nguyên tắc hoạt động gồm có gia đình, anh chị em, cộng đồng, có cha mẹ. Việt Nam hiện có 17 làng trẻ em SOS đang hoạt động trải đều từ Bắc vào Nam.

Khác với các trung tâm xã hội khác như việc các cháu nhỏ sống tập thể, hoặc nam sống với nam, nữ sống với nữ. Tại Làng, bởi đây là mô hình gia đình thay thế, các cháu được sống trong cùng một gia đình, có một bà mẹ chăm sóc trực tiếp. Hiện nay Làng trẻ em SOS Việt Nam có khoảng trên dưới 2000 cháu, gồm các cháu nuôi ở gia đình, các cháu đang đi học chuyên nghiệp.

Thời gian qua, Làng trẻ SOS Việt Nam phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên từ năm 2023, tổ chức quốc tế đánh giá SOS Việt Nam đang phát triển thành một tổ chức bền vững, nên rút dần sự viện trợ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hảo, Giám đốc Giáo dục và phụ trách hành chính của Văn phòng Làng trẻ em SOS cho biết: “Trước đây tổ chức quốc tế tài trợ cho làng trẻ SOS Việt Nam bởi Việt Nam là một đất nước khó khăn. Hiện nước ta đang là quốc gia có mức thu nhập trung bình, sự giúp đỡ của quốc tế sẽ chuyển sang các khu vực khác khó khăn hơn trên thế giới như Châu Phi hay những nơi xảy ra xung đột, chiến tranh. Do đó Việt Nam sẽ phải tự chủ tài chính như các làng trẻ SOS ở các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia”.

Hiện có 3 quỹ hỗ trợ cho 17 Làng trẻ em SOS Việt Nam. Trong đó tổ chức SOS Na Uy hỗ trợ 2 làng, tổ chức SOS Pháp hỗ trợ 6 làng, 9 làng còn lại do quỹ Hermann Gmeiner Đức tài trợ.

Mặc dù định hướng đến năm 2030 mới ngừng tài trợ, nhưng các nhà tài trợ chính cho SOS Việt Nam đã rút dần. Từ tháng 10/2023, tổ chức SOS Na Uy ngừng tài trợ tại Việt Nam, trong năm 2024 SOS Pháp rút dần sự hỗ trợ. Trong năm nay, quỹ Hermann Gmeiner Đức vẫn hỗ trợ 9 làng nhưng đã rút bớt 20%, năm 2025 sẽ rút thêm 30% sự hỗ trợ và đến năm 2026 rút 50% sự hỗ trợ còn lại. Và cho đến năm 2026 sẽ không còn quỹ quốc tế nào hỗ trợ cho SOS Việt Nam.

Hiện tại chỉ duy nhất quỹ Hermann Gmeiner Đức đang chia nhỏ cho 17 làng SOS Việt Nam, chính vì thế các làng thiếu kinh phí hoạt động, việc nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào làng cũng phải cầm chừng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Làng trẻ em SOS Hà Nội.Làng trẻ em SOS Việt Nam loay hoay tìm cách “cầm cự”

Làng trẻ em SOS Hà Nội là 1 trong 17 làng trẻ em SOS tại Việt Nam. Thời gian qua, để lấp đầy khoản thiếu hụt do sự cắt giảm hỗ trợ của quốc tế, lãnh đạo làng phải liên tục kêu gọi các công ty, tổ chức, cá nhân để có thể bù vào kinh phí duy trì hoạt động của làng.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Làng trẻ em SOS Hà Nội, để chủ động, đơn vị đang tiến hành xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp trực tiếp cho làng.

“Hiện nay theo văn bản 246 dự toán hoạt động năm 2024, Làng trẻ em SOS Hà Nội đang được thông báo thiếu 1 tỷ 622 triệu đồng. Làng cũng đã cắt giảm một số hoạt động như hoạt động đảm bảo chăm sóc trong bộ phận nghiệp vụ giáo dục. Hoạt động này thường tổ chức các chương trình như hướng nghiệp, giáo dục thể chất”, ông Sinh cho biết.

Ngoài ra, Làng trẻ SOS Hà Nội cũng tiến hành không chi các khoản tiền như mua dụng cụ học tập, sách giáo khoa mới cho các cháu, tiền học thêm cho trẻ học yếu ôn thi dịp hè, tiền dành cho các cháu ôn thi vào lớp 9, lớp 12.

“Thay vào đó, chúng tôi sẽ đi xin. Hiện nay sách giáo khoa cho các cháu ở làng, chúng tôi đã xin được 100%. Chúng tôi luôn cố gắng để cuộc sống của các con không bị ảnh hưởng”, ông Sinh cho biết.

Tính đến thời điểm này, làng trẻ em SOS Hà Nội cũng đã tiến hành cắt giảm nhân sự. Thời gian qua, làng đã cho thôi việc 5 nhân viên. Trong bối cảnh hiện nay sẽ có khoảng 10 người nữa phải nghỉ việc.

Theo ông Sinh, hơn 1 năm nay, làng trẻ em SOS tại Hà Nội không tiếp nhận trẻ. Cháu nào đủ điều kiện thì làng sẽ hướng dẫn sang trung tâm khác. Ngoài ra, để có thể tồn tại, làng cũng đẩy mạnh tái hòa nhập trẻ để các gia đình có thể đón về chăm sóc nếu đủ điều kiện.

“Trung bình 1 năm, làng sẽ đón 38-40 cháu, nhưng hơn 1 năm nay dừng hẳn. Đã có rất nhiều gia đình, nhiều tổ chức có thương hiệu mong muốn gửi con, cháu có hoàn cảnh đặc biệt vào làng để được chăm sóc. Nhưng trong năm 2023 và 2024, đơn vị dừng tiếp nhận trẻ, nên số trẻ được giúp đỡ cũng sẽ giảm đi. Đây là phần nhẽ ra mình được giúp đỡ xã hội tốt hơn, nhưng đành phải tạm dừng để cơ cấu lại và điều chỉnh”, ông Sinh nói.

Trong bối cảnh khó khăn, rất may, có một số tổ chức, cá nhân có mong muốn chia sẻ với Làng trẻ em SOS Hà Nội. Họ là những tổ chức có thương hiệu rất muốn tìm và giúp đỡ các cháu. Hiện nay Làng SOS Hà Nội có khoảng 1500 người đỡ đầu trong nước. Các tổ chức, cá nhân có thể tham gia đỡ đầu cho nhà gia đình, đỡ đầu cho trẻ hay đỡ đầu cho làng. Đỡ đầu trong nước tối thiểu 300.000 đồng/tháng. Họ có thể chuyển tiền theo quỹ, theo tháng hoặc theo năm.

Ngoài ra cũng có một số tổ chức là các nhóm thanh niên thường tổ chức các hoạt động thiện nguyện và đóng góp kinh phí hỗ trợ cho làng. Tuy nhiên đây cũng là nguồn kinh phí tạm thời để làng có thể duy trì các hoạt động. Do đó hướng đi nào bền vững, ổn định cho Làng trẻ SOS Việt Nam nói chung, Làng trẻ em SOS Hà Nội nói riêng cũng đang là bài toán phải tìm lời giải.

Nguyễn Hà/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận