Tích cực thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là giải pháp then chốt để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo… sẽ góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hành lang pháp lý thông suốt
Ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thanh Hóa chia sẻ: Để triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trong thực hiện Chương trình, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết như: Mức hỗ trợ cho một dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án (DA), kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập, nên Sở NN&PTNT đã tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hướng dẫn số 293/HD-UBND ngày 11/12/2024 về triển khai các quy định trong thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh thuộc các chương trình MTQG. Trong đó, cách thức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng đã trao quyền trực tiếp cho người dân thực hiện (người dân được cử đại diện cộng đồng - người có uy tín, làm ăn giỏi) đại diện cho mình để ký kết hợp đồng với chính quyền nhằm thực hiện các đề xuất của chính mình trong việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp cho các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Những con số biết nói
Cũng theo ông Lê Bá Lương, tổng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2024 là 1.328.489 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn dành cho nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất (DA 2 và Tiểu dự án 1 DA 3) chiếm tỷ trọng khá cao là 440.407 triệu đồng, chiếm 33,15%. Đến nay, kết quả giải ngân vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương lũy kế đến tháng 9/2024 giải ngân được khoảng 493.178 triệu đồng, đạt 42,75%, trong đó số vốn thuộc nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất là 171.891 triệu đồng, chiếm 34,85% số vốn sự nghiệp đã giải ngân.
Như vậy, có thể khẳng định tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm chỉ đạo thực hiện và coi hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất là giải pháp then chốt để giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn được giao, đến nay đã triển khai trên 600 DA hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó có 21 DA hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Các loại hình DA chủ yếu tập trung vào chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt...; có 12 DA trồng cây dược liệu và cây ăn quả, 06 DA nuôi cá lồng. Có khoảng 20.000 hộ gia đình được hưởng lợi từ DA.
Với sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra: năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47%, năm 2024 dự kiến giảm 1,5%, bình quân giai đoạn 2022-2024 dự kiến giảm 1,59% vượt kế hoạch đề ra bình quân là 1,5%/năm.
Tiếp tục vượt khó
Tuy đạt được một số kết quả bước đầu nêu trên, trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh Thanh Hóa còn gặp một số khăn khăn, như: Một số địa phương chưa tích cực chỉ đạo, rà soát nhu cầu của người dân; chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo cao thường ở những xã có địa hình đồi núi, chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; những hộ dân sinh sống tại các xã này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiêu số nghèo, một bộ phận người dân còn có tư tưởng ỷ lại, không tự vươn lên thoát nghèo; việc tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới còn hạn chế; tính bền vững của một số DA còn chưa cao, chưa tạo ra được DA sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo Chi cục PTNN&NT, trong năm 2024 và những năm tiếp theo để nâng cao hiệu quả khi triển khai DA hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu 100% các hộ tham gia nắm vững phương thức, tổ chức quản lý sản xuất, tiếp cận và áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; qua đó, biết tự tổ chức sản xuất tại gia đình khi kết thúc DA, rất cần các cấp, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông về chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các địa phương, hộ nông dân là đối tượng tham gia DA tại cơ sở; tuyên truyền giới thiệu các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến là các tập thể, cá nhân trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả DA hỗ trợ phát triển sản xuất.
Cùng với đó Ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả DA hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của các Chương trình MTQG. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá DA, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp kịp thời khắc phục, giải quyết những khó khăn, bất cập trong việc triển khai, thực hiện dự án tại cơ sở./.