Quảng Bình xảy ra sạt lở, di dời 1.000 người dân vùng nguy hiểm

Ứng phó với bão số 4, trưa nay (19/9), tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 238 hộ dân với gần 1.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 

Trưa 19/9, xảy ra một vụ sạt lở đất, ảnh hưởng đến nhà dân tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ứng phó với bão số 4, trưa nay, tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 238 hộ dân với gần 1.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Khoảng 11 giờ ngày 19/9, một khối lượng đất lớn bị sạt, đổ tràn vào nhà 1 hộ dân tại thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa làm rạn nứt nhà bếp, may mắn không thiệt hại về người. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã đến hiện trường đưa cả gia đình này đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra hiện trường, huy động lực lượng khắc phục thiệt hại.

Sạt lở ảnh hưởng đến 1 hộ dân ở huyện Minh Hóa.

Ứng phó với bão số 4, trưa nay tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 238 hộ dân với gần 1.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình ghi nhận 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển. Tỉnh Quảng Bình phân công lực lượng kiểm tra, rà soát 74 điểm sạt lở núi khu dân cư, trong đó 8 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.

Sẵn sàng các phương tiện cứu hộ trong tình huống khẩn cấp.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã điều động 26 xuồng các loại, 12 xe vận tải, xe cứu kéo, 17 xe chỉ huy, 3 máy phát điện, nhiều nhà bạt, áo phao, phao cứu sinh pin, đèn, nước uống đóng chai, lương thực, thực phẩm, thuốc đến cơ sở.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình điều động lực lượng hỗ trợ cứu hộ cứu nạn trong mưa bão.

Ngoài lực lượng nòng cốt là Quân đội, Biên phòng và Công an, tỉnh Quảng Bình đã huy động đội xung kích phòng chống thiên tai với hơn 12.000 người tại 151 xã, phường, thị trấn ứng trực, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, di dời người dân.

Người dân ở các khu vực nguy hiểm được di dời.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đối với các huyện có nguy cơ sạt lở thì phải xây dựng phương án, khi có tình huống thì tổ chức di dời sớm. Có tổ công tác đặc biệt để xử lý tình huống, nếu không chịu di dời thì phải cưỡng chế. Sạt lở mà người dân còn ở lại là nguy hiểm tính mạng cho nên phải di dời, tài sản di dời không kịp thì để lại, bố trí lực lượng bảo vệ từ xa đảm bảo an toàn tài sản cho bà con”.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận