Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình, nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu; sông Đáy tại Ninh Bình đang lên. Mực nước lúc 7h ngày 11/9/2024 tại Bến Đế là 4,47 m (trên báo động 3: 0,47m), tại Gián Khẩu 4,10 m (trên báo động 3: 0,40 m); sông Đáy tại Ninh Bình 3,70 m (trên báo động 3: 0,20 m).
Dự báo, trong 12-24h tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên, sau biến đổi chậm; sáng 11/9 đỉnh lũ tại Bến Đế có khả năng lên mức 4,60-4,80 m (trên báo động 3 từ: 0,60-0,80 m); tại Gián Khẩu lên mức 4,30-4,50 m (trên báo động 3 từ: 0,60-0,80 m).
Trên sông Đáy tại Ninh Bình, mực nước tiếp tục lên; khả năng đạt đỉnh vào chiều 11/9/2024, ở mức 4,00-4,20 m (trên báo động 3 từ: 0,50-0,70 m).
Đến nay, theo thống kê, số nhà bị ngập nước do lũ trên sông Hoàng Long là 1.005 nhà, tập trung ở khu vực ngoài đê. Trong đó, huyện Gia Viễn có 444 nhà dân bị ngập và cô lập (402 nhà bị ngập và 42 nhà tại xã Gia Hòa bị cô lập) tại các xã: Gia Thịnh, Gia Tiến, Gia Phong, Gia Hòa; 2 điểm trường tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh bị ảnh hưởng ngập nước. Tại huyện Nho Quan có 561 nhà bị ngập tại các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong.
Trong những ngày tới, cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh Ninh Bình nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện. Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút. Nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Ninh Bình chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công dở dang theo phương châm "bốn tại chỗ" để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có lũ.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009.
Kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu đô thị, khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình đang thi công ảnh hưởng đến tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Văn Ngân/VOV.VN