Cập nhật: Hà Nội ban hành công điện hỏa tốc ứng phó với lũ lớn trên các sông

Đêm 9/9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có Công điện số 13 hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

 

10:23

Tình người trong lũ dữ

Nhóm phóng viên VOV - Tây Bắc phản ánh: Sau vụ sạt lở đất kinh hoàng làm 5 người chết, 9 người bị thương tại thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, toàn bộ người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đã được cấp ủy, chính quyền thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai di chuyển đến tránh trú tại các trường học ở địa phương.

Tại đây, những bữa cơm nghĩa tình, ấm áp tình yêu thương sẻ chia đã được các thầy cô giáo và nhà hảo tâm chuẩn bị với mong muốn cùng với các lực lượng chức năng và bà con vượt qua những ngày khó khăn, hoạn nạn.

 

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sử Pán là nơi tránh trú cho bà con bị ảnh hưởng mưa lũ.

 

Các thầy cô giáo, các nhà hảo tâm nấu cơm phục vụ bà con và lực lượng đang tham gia cứu nạn, cứu hộ tại xã.

09:33

Mực nước trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai bắt đầu rút

Nhóm phóng viên/VOV-Tây Bắc phản ánh, vào 20h tối qua (9/9), mực nước trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai là 86,91m. Ghi nhận tại khu vực cầu Phú Thịnh, cuối đường An Dương Vương vào lúc hơn 6h sáng nay (10/9), nước đã rút khoảng 1m.

Thời tiết tại thành phố Lào Cai sáng nay mưa giảm hơn đêm qua, nhiều khu dân cư ven sông Hồng nước cũng đang rút dần. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở đường Hồng Hà, phường Cốc Lếu cho biết, từ chiều hôm qua đến khoảng 22h đêm nước vẫn dâng, nhưng từ 11h đêm nước bắt đầu rút dần, đến sáng nay trong nhà nước rút xuống khoảng 40-50cm.

"Hiện tại khu dân cư của chúng tôi mọi người vẫn đang đi sơ tán hết, chỉ còn một vài hộ dân ở lại vì nước bên ngoài rất cao. Tài sản nhà tôi không chạy hết được, ngập trong nước. Vì cắt điện từ trưa hôm qua và cũng không có nước nên hiện tại gia đình đang dùng lại nước còn lại trong téc và dùng hết sức tiết kiệm. Hiện tại chủ yếu ăn mì tôm, bánh mì mua sẵn từ hôm qua".

 

Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong đêm tại huyện Bảo Yên.

Mưa lũ trong những ngày qua tại tỉnh Lào Cai đã làm hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn; 129 xã bị mất điện, trong đó các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà mất điện hoàn toàn.

Suốt đêm qua, các lực lượng công an, quân đội cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương tiếp tục huy động phương tiện khẩn trương rà soát, tìm kiếm người dân còn mắc kẹt trong các căn nhà bị ngập, đưa đến nơi an toàn. Đồng thời chủ động bố trí, cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ bị ngập úng, cô lập.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt người dân, lực lượng quân đội, biên phòng, công an… tập trung dồn hết sức để phòng chống và khắc phục trên toàn tỉnh. Tiếp tục lo cho đời sống nhân dân với các vùng bị ngập lụt. Tập trung khắc phục các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; hệ thống điện trên địa bàn huyện Bát Xát, Bảo Yên, đảm bảo thông tin liên lạc. Chúng tôi sẽ cố gắng có được những giải pháp đảm bảo hạ tầng, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân".

09:27

Công an Phú Thọ trắng đêm chống lũ cùng nhân dân

Phóng viên Vũ Khuyên/VOV thông tin: Trước tình hình mực nước trên sông Thao tại huyện Hạ Hoà tiếp tục dâng cao, đêm ngày 9/9, Công an tỉnh Phú Thọ do đồng chí Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh đã "trắng đêm" tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến vị trí an toàn và ứng trực tại các vùng đê xung yếu.

Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong đêm tại huyện Bảo Yên.

 

Đến 17h ngày 9/9, mực nước sông Thao tại Trạm Thủy văn Ấm Thượng đã lên trên 27,44m, vượt mức báo động số III trên 1,44m khiến thiệt hại trên 433ha diện tích cây nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhiều nhà cửa bị chìm trong nước. Tình trạng mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, nước sông Thao tiếp tục tăng cao, cảnh báo nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân tại các xã ven sông Thao. Đặc biệt là tại các xã vùng trũng như Đan Thượng, Hiền Lương, Thị trấn Hạ Hòa, Bằng Giã, với khoảng khoảng 430 hộ dân thuộc diện di dời do ngập, lụt, huyện Hạ Hòa đã khẩn trương đưa được 374 hộ dân tới vùng an toàn.

0 giờ 20 phút sáng, lực lượng công an tỉnh Phú Thọ vẫn đang khẩn trương đến từng nhà, động viên bà con nhân dân di chuyển đến nơi an toàn để tránh lũ, mặt khác vừa ứng trực ở những đoạn đê xung yếu của tỉnh...

Đến kiểm tra trực tiếp các địa bàn có nước lũ dâng cao tại xã Đan Thượng và Hiền Lương, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng công an huyện Hạ Hòa phối hợp với các lực lượng tại các xã tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến vị trí an toàn. Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của mưa, lũ, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu công an huyện Hạ Hòa tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão. Chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để cùng với chính quyền địa phương phòng chống mưa bão. Yêu cầu cán bộ chiến sĩ công an huyện tích cực tham gia công tác phòng chống thiên tai, song phải đảm bảo an toàn về lực lượng. Đồng thời yêu cầu, lực lượng công an huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường thuỷ, bố trí phân luồng, cảnh báo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

08:59

Thông tin từ phóng viên Phương Hà/VOV1 cho biết: Tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), lực lượng chức năng bố trí 4 trại dã chiến, túc trực phục vụ công tác cứu hộ. Hiện nay, trời vẫn mưa nặng hạt, nước sông Hồng lên cao, chảy xiết. Một số thành viên lực lượng cứu hộ cho biết, do tình hình thời tiết bất thuận, công tác cứu hộ vẫn chưa thể triển khai.

 

Lực lượng cứu hộ ứng trực đêm tại cầu Phong Châu.

 

08:54

Sạt lở đất trong đêm làm 6 người chết ở Yên Bái

Phóng viên Thu Thùy, Xuân Tuấn/VOV-Tây Bắc thông tin: Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: các vụ sạt lở đất xảy ra đêm qua 9/9 tại các phường Yên Ninh và Minh Tân, thành phố Yên Bái.

Trước đó, do ảnh hưởng của các trận mưa kéo dài sau hoàn lưu bão số 3 khiến nước trên sông Thao tại Yên Bái dâng cao, nước sông tràn vào các tuyến đường và các khu vực dân cư, khiến hàng nghìn nhà ở của người dân chìm sâu trong nước.

Trong đêm qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra sạt lở ở nhiều vị trí tại các mái ta luy, kể cả các bãi đồi tự nhiên cũng sạt. Sáng nay, Yên Bái vẫn có mưa to; mất điện, nước, giao thông gần như tê liệt, khiến công tác hỗ trợ, khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.

 

Nước dâng cao tại nhiều khu vực ở TP Yên Bái trong đêm 9/9.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn đang tìm mọi phương án để tiếp cận, hỗ trợ nhân dân. Ông Trần Huy Tuấn nói: "Hiện nay Yên Bái vẫn đang có mưa lớn. Bây giờ trời sáng di chuyển được rồi thì chúng tôi tổ chức cứu hộ dân có nhà bị ngập đến nóc để đưa mọi người đến nơi an toàn. Về lương thực, thực phẩm thì chúng tôi đang đảm bảo được các thực phẩm trước mắt như mì tôm, bánh mì.. Hiện nay điện, nước đều mất nên rất khó khăn, nhưng lương thực, thực phẩm thì thành phố hiện nay vẫn đảm bảo lo được cho dân trong 1 - 2 ngày tới".

08:48

Hà Nội ban hành công điện hỏa tốc ứng phó với lũ lớn trên các sông

Công điện nêu rõ, hiện nay mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái đang vượt trên báo động 3; mực nước sông Lô đang tiếp tục lên nhanh (hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt).

Trên lưu vực sông Đà, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình đang tăng nhanh, hồ đang đang mở 2 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm. Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang rất lên nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn.

Mực nước các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang ở mức cao: Sông Tích, sông Bùi: trên báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ: trên báo động 2; sông Đáy: trên báo động 1 và đang xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm ngày 10/9).

 

Mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang lên nhanh.

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND TP yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn;

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân, tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình;

Tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố, tình huống bất thường...

Chủ tịch UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán;

Chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn 1 người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân;

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông...; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định...

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận