Đáng chú ý, tại dự thảo nghị định này này, Bộ Công an đề xuất quy định người trúng đấu giá biển số xe, nếu không nộp tiền trúng đấu giá đúng thời hạn sẽ bị cấm tham gia đấu giá trong vòng 12 tháng.
Dự thảo nghị định về đấu giá biển số xe do Bộ Công an soạn thảo, có 4 chương, 30 Điều, gồm: những quy định chung; Trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe; Thu, nộp, hoàn tiền trúng đấu giá và Điều khoản thi hành.
Cụ thể, về nguyên tắc đấu giá, dự thảo nghị định về đấu giá biển số xe quy định: đấu giá biển số xe được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên môi trường mạng; phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; bảo mật về tài khoản truy cập, thông tin về người tham gia đấu giá và các thông tin khác theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng biển số xe đưa ra đấu giá tại mỗi phiên đấu giá và bổ sung số lượng biển số xe cho Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp hết biển số xe để đăng ký khi chưa đến phiên đấu giá tiếp theo.
Về giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá, Bộ Công an đề xuất, giá khởi điểm của một biển số xe ô tô là 40 triệu đồng; Giá khởi điểm của một biển số xe mô tô, xe gắn máy là 5 triệu đồng. Tiền đặt trước đối với một biển số xe ô tô là 40 triệu đồng; đối với xe mô tô, xe gắn máy là 5 triệu đồng. Bước giá đối với biển số xe ô tô là 5 triệu đồng; đối với biển số xe mô tô, xe gắn máy là 500 nghìn đồng.
Về thù lao dịch vụ đấu giá, dự thảo nghị định quy định, đối với mỗi biển số xe đấu giá thành công, thù lao dịch vụ đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản được tính bằng 8% giá khởi điểm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá. Tiền hồ sơ tham gia đấu giá là 100 nghìn đồng/một biển số xe ô tô và 50 nghìn đồng/ một biển số xe mô tô, xe gắn máy đối một người tham gia đấu giá. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm thu, quản lý, xuất hóa đơn và sử dụng toàn bộ số tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá.
Đặc biệt, về việc nộp tiền trúng đấu giá, dự thảo nghị định về đấu giá biển số xe quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ số tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe.
Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại, hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đặt trước, số tiền đã nộp, không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá.
Dự thảo nghị định về đấu giá biển số xe đang được Bộ Công an lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương, và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Dự thảo nghị định sẽ tiếp tục được Bộ Công an hoàn thiện, để gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành vào cuối năm nay.
Sẽ được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe
Vì sao Bộ Công an đề xuất cấm người trúng đấu giá bỏ cọn, không nộp tiền trúng đấu giá? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an) – đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định:
PV: Thưa bà, theo dự thảo nghị định hướng dẫn công tác đấu giá biển số xe, trong thời gian bao lâu, người trúng đấu giá phải nộp tiền? Nếu không nộp đúng hạn, sẽ bị xử lý ra sao?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Khi trúng đấu giá, người trúng đấu giá sẽ phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn một tháng kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá và thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp quyết định xác nhận biển số trúng đấu giá.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi biển số trúng đấu giá.
PV: Người chậm nộp tiền sẽ bị cấm đấu giá trong bao lâu?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Người bỏ cọc sẽ không được tham gia đấu giá trong thời hạn 12 tháng
PV: Người trúng đấu giá có được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn với biển số xe trúng đấu giá?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Người trúng đấu giá sẽ được chuyển nhượng, được cho tặng, được thừa kế biển số theo xe.
PV: Nếu những quy định này trở thành hiện thực sẽ có những tác động xã hội như thế nào?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Đấu giá biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy để đáp ứng nhu cầu của người dân và cũng tạo được sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu khai thác tài sản công có hiệu quả. Và cũng tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; không phát sinh thêm chi phí, nhân lực, bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ - là luật chuyên ngành, quy định đầy đủ, cụ thể nội dung về đấu giá biển số, tạo nên sự thống nhất với quy định cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, cũng như đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Xin cảm ơn Thượng tá!
Cấm đấu giá trong 12 tháng nếu bỏ cọc
Việc cấm người trúng đấu giá biển số xe bỏ cọc tham gia đấu giá trong vòng 12 tháng, nếu trở thành hiện thực sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh nội dung này:
PV: Thưa ông, tại dự thảo nghị định quy định về đấu giá biển số xe, Bộ Công an đã đưa ra quy định, những người trúng đấu giá nhưng không nộp tiền đúng thời hạn sẽ bị cấm đấu giá trong vòng 12 tháng. Theo ông, quy định này liệu có ngăn ngừa được tình trạng người trúng đấu giá không nộp tiền đấu giá hay không?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Có những trường hợp xảy ra rồi, người trúng đấu giá biển số xe, mặc dù đã đặt tiền cọc, nhưng trúng đấu giá họ lại không mua. Họ không đến nhận biển số và không nộp tiền theo cái giá mình trúng đấu giá.
Đây là việc làm gây dư luận bức xúc. Cái hành xử của những người trúng đấu giá biển số xe mà lại không nhận, cho nên Luật Trật tự an toàn giao thông đã quy định rất rạch ròi, cụ thể.
Trước đây, khi góp ý dự thảo Luật, tôi cũng đã có ý kiến rồi, tôi còn đề xuất, những người trúng đấu giá lại bỏ, không nhận biển số, không nộp vào ngân sách nhà nước thì không cho tiếp tục đấu giá thời gian dài về sau nữa.
2 năm hoặc 3 năm, cấm anh, không cho anh tham gia đấu giá nữa, chứ không phải chỉ 12 tháng như quy định hiện hành đâu.
Nhưng bây giờ đã quy định 12 tháng thì tôi nghĩ rằng đây cũng là một trong những biện pháp tốt nhất, cao nhất để ngăn ngừa, phòng ngừa những người không nộp tiền khi trúng đấu giá biển số xe.
Tại tiền đặt cọc thì đâu có nhiều tiền, cho nên họ sẵn sàng bỏ ra để đấu giá, để khuếch trương hình thức, khuếch trương tên tuổi như trong thời gian qua.
PV: Bên cạnh quy định cấm tham gia đấu giá 12 tháng, theo ông, cần có thêm những biện pháp như thế nào để có thể ngăn ngừa, giảm thiểu những trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền và đến nhận biển số trúng đấu giá?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Chúng ta cần làm rõ thêm, quy định thêm, ngoài chuyện cấm anh tham gia đấu giá trong 12 tháng, bị thu tiền cọc xong, phải phạt vi phạm hành chính với họ. Tôi nghĩ rằng biện pháp đó nó sẽ tăng hiệu quả răn đe, nó sẽ có hiệu quả tốt hơn. Cái quan trọng, cái cốt lõi là anh tham gia đấu giá, trúng rồi thì anh phải mua.
PV: Theo ông, cùng với những quy định cấm đấu giá trong 12 tháng, xử phạt hành chính như ông vừa đề xuất, nếu được ban hành, có thể ngăn ngừa được tình trạng người trúng đấu giá họ bỏ, không nộp tiền?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi nghĩ rằng sẽ góp phần ngăn ngừa, ngăn ngừa được thôi chứ cũng có khả năng họ cũng chịu phạt, bỏ cọc và chấp nhận không tham gia đấu giá. Nhưng đó cũng là biện pháp ngăn ngừa tốt nhất, hữu hiệu nhất, thay vì bây giờ anh không có một biện pháp nào hết, họ bỏ là bỏ, chúng ta không có biện pháp nào, cho nên khi chuyện tham gia đấu giá rồi thì quy định phạt như thế, hình thức xử lý như thế rất hữu hiệu để nhà nước không thất thu. Chắc chắn một điều, nếu đấu giá lại lần thứ 2, giá nó sẽ không cao bằng đấu giá lần đầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ Công an, kể từ phiên đấu giá biển số xe đầu tiên diễn ra vào 22/8/2023 đến nay, đã có hơn 200 phiên đấu giá được tổ chức với tổng số biển đưa ra đấu giá là gần 1,3 triệu biển; số biển đấu giá thành là hơn 35.500 biển và tổng giá trị tài sản đấu giá thành công là hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó có những biển số được đấu giá thành công với số tiền rất cao, như biển: 51K 88888, trúng đấu giá 15,2 tỷ đồng, biển 30K 55555 giá gần 14,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ phiên đấu giá biển số xe đầu tiên được tổ chức, biển số ô tô siêu VIP 51K 88888 đã dược đấu giá 32,3 tỷ đồng, cùng nhiều biển số siêu đẹp cũng được đấu giá thành công, nhưng nhiều người trúng đấu giá đã bỏ cọc, không nộp tiền trúng đấu giá. Bởi vậy, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo nghị định về đấu giá biển số xe đã đề xuất việc cấm tham gia đấu giá trong vòng 12 tháng đối với người trúng đấu giá nhưng không nộp tiền đấu giá để ngăn chặn tình trạng này.
Quách Đồng/vovgiaothong.vn