Bộ GTVT đề xuất quy định mới về giới hạn tốc độ tối đa cho phép của xe cơ giới

Bộ GT-VT đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng

 

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo đó Bộ đề xuất tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Sau khi Dự thảo được ban hành sẽ thay thế Thông tư 31/2019 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ. Đồng thời sẽ có những hướng dẫn phù hợp với Luật Đường bộ 2024 và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Theo đề xuất của Dự thảo Thông tư này, “Tốc độ tối đa cho phép” có trị số cao hơn hoặc thấp hơn so với trị số tốc độ quy định khi không có biển sẽ phụ thuộc vào điều kiện từng tuyến đường. Dự thảo cũng đề xuất tốc độ tối đa cho phép cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc, đường bộ trên cao không có nút giao bằng với đường bộ khác như sau:

Tốc độ tối đa trên các tuyến đường qua khu vực đông dân cư.

Đối với tốc độ tối đa ngoài khu vực đông dân cư, Dự thảo thông tư đã đề xuất cho phép xe cơ giới tham gia giao thông (trừ đường cao tốc) như sau:

Tốc độ tối đa trên các tuyến đường ngoài khu vực đông dân cư.

Mức đề xuất về tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư hoặc ngoài khu vực đông dân cư không có sự thay đổi so với quy định hiện hành tại Thông tư 31/2019.

Tuy nhiên, Dự thảo bổ sung quy định về trường hợp đường trong khu vực đông dân cư có điều kiện thuận lợi để bảo đảm an toàn giao thông (như đường trên cao không có nút giao bằng với đường bộ khác, đường trong đô thị được phân cách với đường bên bằng dải phân cách cứng), người quản lý sử dụng đường bộ sau khi tổ chức đánh giá, nếu bảo đảm an toàn được báo cáo cơ quan quản lý đường bộ quyết định tốc độ tối đa lớn hơn giới hạn tốc độ tối đa nêu trên.

Tương tự với đề xuất về tốc độ giới hạn trong khu dân cư thì đối với khu vực ngoài dân cư cũng đã đề xuất thêm quy định: Trường hợp đường bộ đang khai thác nằm ngoài khu vực đông dân cư và thuộc các đoạn đường cấp V, cấp VI theo cấp thiết kế, hoặc các tuyến đường, đoạn đường có điều kiện bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất ATGT (tổng bề rộng mặt đường phần xe chạy theo mỗi chiều đường từ 3,5m trở xuống, bán kính đường cong nhỏ, các đường cong liên tiếp, độ dốc dọc lớn, tầm nhìn hạn chế, hoặc các trường hợp bất lợi khác), người quản lý, sử dụng đường bộ tổ chức đánh giá, báo cáo cơ quan quản lý đường bộ quyết định tốc độ tối đa cho phép nhỏ hơn giới hạn cho phép và thực hiện đặt báo hiệu tốc độ tối đa cho phép.

Mức đề xuất về tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư hoặc ngoài khu vực đông dân cư không có sự thay đổi so với quy định hiện hành tại Thông tư 31/2019. (Ảnh minh họa: KT)

Thực tế cho thấy trong những năm thực hiện các quy định tại thông tư 31/ 2019, cũng đã phát sinh một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm quy định rõ hơn, phù hợp với thực tiễn, như quy định về rà soát hiện trường, để đặt biển “Tốc độ tối đa cho phép” có trị số cao hơn hoặc thấp hơn so với trị số tốc độ quy định khi không có biển, nếu điều kiện hạ tầng kỹ thuật thuận lợi hơn hoặc bất lợi.

Hiện nay đối với loại hình đường trên cao đi qua khu vực đông dân cư không có nút giao hay đường được phân cách với đường bên bằng dải phân cách cứng đang phổ biến ở một số đô thị. Các loại đường này thuận lợi trong bảo đảm ATGT có thể khai thác tốc độ cao hơn so với các loại đường khác trong khu vực đông dân cư.Việc nâng tốc độ tối đa cao hơn giới hạn quy định đối với các phương tiện lưu thông trong khu vực đông dân cư tại các tuyến đường trên nhằm nâng cao khả năng và công năng sử dụng trên tuyến đường, rút ngắn thời gian lưu thông, nâng cao năng lực thông hành, giảm chi phí vận tải, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngược lại, ngoài khu vực đông dân cư, có một số tuyến đường, đoạn đường cần thiết phải giảm tốc độ để bảo đảm ATGT như đường cấp V, cấp VI, hoặc các tuyến đường có điều kiện bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất ATGT. Việc giảm tốc độ di chuyển thấp hơn giới hạn quy định các phương tiện lưu thông ngoài khu vực đông dân cư đối với tuyến đường nêu trên nhằm bảo đảm ATGT, hạn chế rủi ro cho người và phương tiện khi lưu thông, giảm tai nạn giao thông qua các đoạn đường có điều kiện bất lợi.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận