Giá trị của Chiến lược 'Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam'

  • 31/08/2024 12:54:58
  • Hương Giang
  • Xã hội
  • 0

Các hoạt động của Dự án AWEEV đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số.

 

Sau một thời gian triển khai tại Việt Nam, Dự án CARE đã việc giúp phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định giá trị bản thân, nâng cao quyền năng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số.

Giá trị to lớn từ khi các điểm trường được AWEEV hỗ trợ

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) là một dự án hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ. Dự án do chính phủ Canada hỗ trợ thông qua Tổ chức CARE tại Việt Nam, nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Dự án đã và đang hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sinh kế, nhằm thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ và đưa ra các giải pháp giảm bớt gánh nặng chăm sóc làm việc nhà không được trả lương.

Có tới những điểm trường thuộc xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, mới cảm nhận được niềm hạnh phúc của các vị phụ huynh nơi đây - Nơi có 11 điểm trường, trong đó có 4 điểm trường được AWEEV tài trợ cho việc bán trú.

Ông Phùng Vàn Châu và các phụ huynh tự nấu bữa cơm trưa bán trú cho các học.

Điểm trường mầm non Xuân Hoà áp dụng một hình thức bán trú rất độc đáo. Tại đây không có cô cấp dưỡng mà người nấu bếp chính là các vị phụ huynh.

Là một phụ huynh được cử đến nấu ăn cho các cháu độ tuổi từ 3 - 5 tuổi tại điểm trường ngày hôm đó - ông Phùng Vàn Châu cho biết: Chúng tôi phân công phụ huynh cắt cử nhau để nấu ăn cho các con. Cụ thể: Mỗi sáng đi học, mỗi nhà sẽ chuẩn bị sẵn cho các con 1 túi gạo nhỏ kèm mấy ngàn đồng để mua thức ăn cho con trong ngày hôm đó. Còn rau thì phụ huynh nào được phân công nấu ăn hôm đó sẽ tự mang rau của nhà mình tới tặng cho các suất cơm trưa mà mình phụ trách nấu ăn hôm đó.

Ông Châu chia sẻ, cứ 7h sáng, khi biết được sĩ số học sinh, cô giáo sẽ thông báo cho vị phụ huynh phụ trách nấu ăn hôm đó để đi chợ (cách đó 500 mét) mua thực phẩm về nấu cho 30 học sinh mầm non của điểm trường ăn.

“Trước đây, khi có hình thức nấu ăn trưa bán trú ở trường thì 6h45 sáng phụ huynh phải  đưa con đi học, rồi ngồi chờ đến 10h30 để đón về cho ăn bữa trưa. 13h chiều lại đưa con đi học và 16h đón con về. Nhẩm tính, ngoài việc mỗi ngày phụ huynh mất 4 lần đưa đón con thì chẳng còn thời gian làm được việc gì. Nhưng, giờ đây, từ khi có đồ nấu ăn trưa, mọi người cắt cử nhau nấu cho các con, chúng tôi có thời gian để làm nhiều việc, kiếm tiền cho gia đình, không mất thời gian vào việc đưa đón con như trước nữa”, ông Châu hồ hởi nói.

Khi hỏi về giá trị to lớn từ khi các điểm trường được AWEEV tài trợ cho việc bán trú, bà Bùi Hồng Hạnh, Hiệu trưởng trường mầm non Xuân Hoà phấn khởi cho biết, những năm trước do còn khó khăn hạn chế về cơ sở vật chất, nhà trường không thể tổ chức được nhà trẻ đầy đủ. Nhiều phụ huynh đã chọn cách cho con ở nhà thay vì phải mất công đưa đón một ngày 4 lần. Từ năm 2023 - 2024, dự án AWEEV đã tài trợ những dụng cụ nấu ăn, cung cấp cả tủ lưu mẫu thực phẩm, chăn đệm ngủ để nhà trường thực hiện mô hình bán trú. Do vậy, phụ huynh đã phấn khởi cho con đi học, vì thế số học sinh đến lớp ngày một đông lên.

“Cũng nhờ việc phụ huynh luân phiên nhau nấu ăn cho các con nên dành được nhiều thời gian làm việc nhà cũng như phát triển kinh tế nhiều hơn trước”, bà Bùi Hồng Hạnh vui mừng nói và cho biết thêm: “Nhà trường cũng mong muốn dự án của Tổ chức CARE tại Việt Nam tiếp tục tài trợ để mô hình bán trú được lan rộng đến nhiều điểm trường trong toàn xã. Điều này không chỉ giúp nhà trường chăm sóc tốt hơn cho các con mà còn giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây có thời gian để phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo”, bà Hạnh bày tỏ.

Là người quản lý các dự án phát triển của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành cho biết: Năm 2021 CARE đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu và khảo sát về thực trạng của công việc chăm sóc không được trả công tại các cộng đồng dân cư ít người. Từ đó, CARE đã tài trợ dụng cụ nấu ăn, đồ dùng để học sinh mầm non được học bán trú trưa ở trường.

Dự án hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ

Không chỉ hỗ trợ hệ thống các thầy trò và phụ huynh nhiều điểm trường, Tổ chức CARE còn giúp vốn cho bà con dưới các hình thức khác nhau. Mà gia đình chị Trương Thị Nhầu là một minh chứng điển hình.

Chị Nhầu (sinh năm 1995, người dân tộc Dao) sinh sống tại thôn Hồng Sơn, xã Tiên Nguyên  một xã đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Từ trung tâm xã Tiên Nguyên đi về thôn Hồng Sơn, nơi gia đình chị Nhầu sinh sống chỉ vài km nhưng đường đi cheo leo, dốc đứng, nhiều đoạn đường chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy đi qua.

Là hộ nghèo, gia sản cả nhà chỉ có 2 con trâu nhưng tháng 8/2022, cả 2 con đều bị lũ cuốn trôi. Nhờ được vay 5 triệu đồng để làm vốn nuôi dê, gia đình chị Trương Thị Nhầu đã thoát nghèo. “Thời điểm đó, vợ chồng em suy sụp lắm. Bố mẹ hai bên đã mất nên không có chỗ dựa, hai con thì còn nhỏ. Trong khi tiền vay mua trâu vợ chồng tôi vẫn chưa trả hết nợ”, chị Nhầu nhớ lại.

Từ khi chị Nhầu được giới thiệu tham gia nhóm sinh kế nuôi dê, nhóm nằm trong dự án AWEEV triển khai. Tháng 9/2023, chị Nhầu được hỗ trợ vay 5 triệu đồng không tính lãi để mua hai con dê giống về chăn nuôi, chưa đầy 9 tháng sau, từ hai con dê giống ban đầu đã sinh thêm được 5 dê con. Nhẩm tính với giá dê hiện tại khoảng 125.000 đồng/kg, gia đình chị Nhầu đã thu về một số tiền kha khá.

chị Nhầu được giới thiệu tham gia nhóm sinh kế nuôi dê, nhóm nằm trong dự án AWEEV triển khai.

Ngoài chị Nhầu, trong nhóm sinh kế dê thôn Hồng Sơn đã có nhiều thành viên khác được vay vốn. Dự án của tổ chức CARE hỗ trợ 40 triệu đồng, mỗi chị em được vay tối đa 5 triệu đồng, vay quay vòng. Các hộ được vay trong thời hạn 18 tháng, chia làm 2 lần trả gốc để dành cho các chị em khác vay. Số dê giống mua về đều sinh trưởng rất tốt và tăng đàn nhanh.

Chị em thôn Thượng Bình, xã Yên Thành, huyện Quang Bình phát triển trồng chè do tổ chức tài trợ.Ngoài nuôi dê, bà con ở nơi đây còn phát triển trồng chè. Chị Hủng Thị Dạng người dân tộc Pà Thẻn (thôn Thượng Bình, xã Yên Thành, huyện Quang Bình) là một ví dụ về sự nỗ lực vươn lên nắm bắt được địa thế cũng như đặc tính thổ nhưỡng vùng núi thôn Thượng Bình – đã tạo được thương hiệu chè nổi tiếng ở Quang Bình. Nhận thấy tiềm năng của thị trường chè và những cách có thể cải thiện thu nhập của người trồng chè, chị Dạng đã nghĩ ngay tới việc mở xưởng chế biến chè thành phẩm.

Nhớ lại hồi đầu năm 2023, CARE tổ chức cuộc thi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chị Dạng đã mạnh dạn tham gia và thuyết phục được ban tổ chức hỗ trợ một phần chi phí, máy móc thiết bị và đào tạo kỹ thuật chế biến trà. “Trước khi làm về trà, thu nhập của tôi chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ đây, trừ hết chi phí, mỗi tháng tôi cũng thu về được 7-8 triệu đồng” - chị Dạng cho hay.

Xã Yên Thành còn có nhóm tiết kiệm tự quản thôn Yên Lập, được thành lập vào tháng 6/2023 với 18 thành viên là phụ nữ dân tộc Tày trong thôn. Vào ngày 7 hàng tháng, các cuộc họp tiết kiệm và cho vay định kỳ được tổ chức. Dự án AWEEV cung cấp vốn sinh kế cho nhóm 30 triệu đồng, nhờ đó, đợt đầu tiên 10 hộ được vay vốn quay vòng không lãi suất trong 6 tháng để phát triển đàn vịt nuôi.

Khi hỏi về việc phát triển kinh tế nhờ vay vốn, giúp nhiều hộ kinh tế khởi sắc hơn, chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình (Hà Giang) không giấu được niềm vui sướng hạnh phúc. Chị cho biết, hiện nay huyện có 6/15 xã nằm trong vùng dự án của CARE. Đây đều là những xã khó khăn, có những thôn, bản còn chưa có điện lưới. Sau khi dự án của CARE triển khai đã tác động rất lớn đến việc phát triển phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nếu như năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15,08% thì đến cuối 2023 tỉ lệ này giảm còn 9,24%. Và tỉ lệ hộ cận nghèo năm 2022 là 11,32%, nay còn 7,83%”, chị Nguyễn Thị Quyên nêu dẫn chứng và cho biết thêm: Dự án của Tổ chức CARE không chỉ tác động đến mọi mặt của người phụ nữ, hỗ trợ chị em tư liệu sản xuất như máy thái chuối, bếp tiết kiệm củi, xây dựng các điểm trường để các bà mẹ bớt thời gian việc nhà, bớt thời gian chăm con để có thời gian làm kinh tế gia đình, mà còn có thời gian chăm lo cho bản thân.

Theo chị Nguyễn Thị Quyên, nhờ sự hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sinh kế, nhận thức của cộng đồng, của người đàn ông đối với người phụ nữ đã thay đổi rõ rệt. Những việc trước đây mặc định dành cho phụ nữ thì hiện nay đã khác, là có sự chia sẻ của các ông chồng.

“Hiện trong 6 xã có 32 nhóm sinh kế, tín dụng tiết kiệm tự quản với 732 thành viên, đã cho 147 chị vay, với số tiền tiết kiệm hàng năm lên gần 1 tỉ đồng. Chị em rất phấn khởi, vì tiền vẫn có để vay luân phiên, tiết kiệm vẫn có để cuối năm chia. Tác động từ dự án còn giúp chị em có những ý tưởng kinh doanh mới chỉ ấp ủ trong đầu thì CARE và các đối tác của CARE hình thành lên các kế hoạch xây dựng. Nhiều chị đã thành công từ ý tưởng khởi nghiệp này” - chị Quyên chia sẻ.

Phụ nữ Tày ở Lào Cai phát triển du lịch

Trước đây, phụ nữ xã Nghĩa Đô (tỉnh Lào Cai) làm nông nghiệp thuần túy, thu nhập chủ yếu lệ thuộc vào mùa vụ, không ổn định. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, mỗi tháng các hộ gia đình làm homestay có thêm nguồn thu nhập bình quân trên 10 triệu/tháng. Hiện xã Nghĩa Đô có gần 20 hộ gia đình làm mô hình du lịch homestay.

Bà Lương Thị Quyên (thôn Bản Hón, xã Nghĩa Đô, Lào Cai) - chủ một cơ sở homestay cho biết: Trước kia bà chỉ biết làm nông nghiệp, nhưng hơn chục năm gần đây, bà và gia đình đã chuyển sang làm dịch vụ homestay.

Bà Quyên chia sẻ: “Mới đầu làm du lịch tôi rất lạ lẫm nhưng vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, từ việc đón khách, nấu ăn, dọn phòng, hướng dẫn viên... Chúng tôi khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những nét đặc trưng trong phong tục tập quán lao động sản xuất để ứng dụng vào phát triển thành hệ sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm nét riêng của địa phương”.

Nhận thấy du khách thích những nét văn hóa truyền thống của dân tộc địa phương như: múa quạt, hát then, các trò chơi dân gian truyền thống (kéo co, ném còn...) nên các chị em chủ động tổ chức các hoạt động này cho du khách tham gia. Các món ăn truyền thống của dân tộc cũng được chú trọng cách làm như thế nào để hấp dẫn khách du lịch đến trải nghiệm.

Bên cạnh việc làm món ăn truyền thống phục vụ khách du lịch, nhụ nữ xã Nghĩa Đô còn rất thành thạo công nghệ. Họ sử dụng mạng xã hội, mở rộng tương tác với thị trường nhằm quảng bá hình ảnh quê hương và bản sắc văn hóa rộng khắp để thu hút khách đến tham quan du lịch. Nhờ đó xã Nghĩa Đô đã có gần 20 hộ gia đình làm mô hình du lịch homestay, tạo công ăn việc làm và thu nhập khá ổn định cho phụ nữ nơi đây.

Ngoài việc tham gia sản xuất chè, làm du lịch, trồng rau màu rau,..., nhiều chị em phụ nữ trong xã còn tham gia làm việc tại Nông trại Kale Farm ở thôn Pả Chư Tỷ (xã Lùng Phình). Nông trại có diện tích hơn 30.000m2 đất canh tác, chia thành các khu như: Xây dựng khu nhà sàn để trưng bày sản phẩm; khu vực cho khách đến thăm quan trải nghiệm hái rau, củ, quả và nấu ăn ngay tại nông trại; khu trồng các loại cây ăn quả như lê, mận...; khu trồng các loại rau cải cầu vồng, dâu tây, cà chua.

Hàng năm, cơ sở này không những thu hút nhiều nữ lao động là người dân tộc thiểu số, tạo ra việc làm và thu nhập cho họ, mà điều quan trọng hơn là giúp họ nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây hoa màu, từ đó áp dụng và sản xuất tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất của sản phẩm cho địa phương.

Ông Nguyễn Đức Thành - Quản lý các dự án phát triển của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, cho biết: giai đoạn 2021-2025, dự án hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở sáu xã của tỉnh Hà Giang và ba xã của tỉnh Lai Châu. Hiện nay, các hoạt động của dự án đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số./.

Dự án được thực hiện trong 4 năm, tại 3 xã của tỉnh Lai Châu và 6 xã của tỉnh Hà Giang, với nguồn kinh phí gần 4,6 triệu đô-la Canada, triển khai từ tháng 9/2021. Đây cũng là dự án hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi và DTTS giai đoạn 2021-2030; trực tiếp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận