Bệnh nhân sởi nhập viện tăng nhanh, bệnh viện lo thiếu thuốc

Số ca sởi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng cao hơn cùng kỳ năm 2023 và cao hơn so với trung bình 5 năm, đặc biệt trong tháng 8.

 

Số ca sởi trong tháng 8 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng thẳng đứng. Bệnh viện lo ngại tình trạng thiếu thuốc điều trị cấp cứu các trường hợp nặng. Thông tin được đưa ra tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi của Bộ Y tế tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM vào sáng 29/8.

Bệnh viện than thiếu thuốc

Số ca sởi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng cao hơn cùng kỳ năm 2023 và cao hơn so với trung bình 5 năm, đặc biệt trong tháng 8.

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận 368 ca sởi điều trị nội trú, chưa có ca tử vong, có 65,7% bệnh nhân đến từ các tỉnh thành khác ngoài TP.HCM. Độ tuổi nhập viện nhiều nhất là từ 12 - 60 tháng, chiếm 35,5%.

Trong số 368 ca nhập viện có 42 ca sởi biến chứng nặng, phải nằm phòng hồi sức tích cực, chiếm 11,4%. Đáng nói, trong số ca nặng này, không có trẻ nào tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi. Số trẻ tiêm 1 mũi chỉ có 15,4%, còn lại là chưa chích ngừa vaccine sởi. Số ca nặng phải thở máy chiếm 28,2%. Phần lớn các ca nặng đều là trẻ có bệnh nền (chiếm 61%).

Khu lưu bệnh cho bệnh nhân nghi mắc sởi tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM.

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện đã đưa ra các kịch bản ứng phó trong điều kiện số ca nhập viện gia tăng: “Hiện tại, bệnh viện thực hiện sàng lọc và phân luồng ca nghi sởi ngay tại cổng khoa khám bệnh để sớm cách ly, ngăn chặn lây nhiễm chéo. Bệnh viện cũng đã chủ động mua vaccine sởi để tiêm cho nhân viên y tế, đảm bảo các nhân viên y tế không lây nhiễm cho bệnh nhi”.

Hiện, Bệnh viện Nhi đồng 1 và hai bệnh viện nhi đồng của TP.HCM đang họp bàn, tập hợp các tài liệu, chứng cứ để bổ sung phác đồ điều trị sởi của Bộ Y tế.

TS. Quang Minh đề xuất Bộ Y tế đảm bảo nguồn cung ổn định về thuốc, vật tư chống dịch. Ví dụ như thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG), hiện vẫn đang đủ đáp ứng, nhưng cần phải dự trù khi dịch bệnh lan rộng hơn, hoặc có những bệnh dịch khác như tay chân miệng và dopamine điều trị cấp cứu.   

“Hiện tại Nhi đồng 1 đang khó khăn, không có một số thuốc rất quan trọng trong hồi sức cấp cứu trong điều trị sốt xuất huyết, kể cả sởi, tay chân miệng là thuốc dopamine. Chúng tôi phải tìm một thuốc thay thế, dĩ nhiên không thể nào hiệu quả 100% có tác dụng không mong muốn, dù không nhiều nhưng chắc chắn không thể như dopamine được”, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh trăn trở.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phân luồng từ cổng khoa khám bệmh có phòng cách ly nhằm ngăn lây nhiễm chéo. (Ảnh: Kim Dung)Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Dược - Bộ Y tế cho biết, về cơ bản, vaccine sởi hiện vẫn đảm bảo để cung ứng. Một số thuốc cho việc điều trị và dự phòng bệnh dịch cũng không thiếu, trong đó có thuốc IVIG, hiện Bệnh viện Việt Đức còn 50.000 lọ, Cục Dược sẽ điều phối cho các đơn vị khi cần thiết.  

Về nguồn cung dopamine, có 4 số đăng ký, trong đó 2 số vẫn còn hiệu lực, 2 số đang chuẩn bị gia hạn. Nguyên nhân là trước đó, nhu cầu các bệnh viện không nhiều, doanh nghiệp dược đã phải bỏ đi vì hết hạn.

“Trong đầu tháng 9, đơn vị nhập khẩu sẽ nhập tiếp 30.000 lọ để thay thế. Do vậy các bệnh viện chủ động liên hệ những doanh nghiệp nhập khẩu thuốc để dự phòng đáp ứng nhu cầu điều trị”, Phó Cục trưởng Cục Dược Lê Việt Dũng thông tin.

Chủ động ứng phó dịch

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về gia tăng đột biến ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát tại nhiều khu vực, đặc biệt là đối với nhóm người chưa được tiêm phòng đầy đủ. WHO mới chỉ cập nhật trong 3 tháng đầu năm 2024 của 45/53 quốc gia, đã có gần 57.000 ca mắc sởi. Trong đó một số quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch sởi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra phương án phân luồng cách ly tại Bệnh viện Nhi đồng 1. (Ảnh: Kim Dung)“Tình hình dịch sởi ngày càng gây ra những khó khăn, thách thức nhiều hơn cho cả nước, đặc biệt là TP.HCM, tại các cơ sở y tế trên địa bàn trong việc ứng phó với bệnh nhân cư trú ở thành phố và giải quyết cho những trường hợp đến từ các tỉnh, thành phố lân cận”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.

Vừa qua, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp cùng với WHO và UNICEF ban hành kế hoạch tiêm ngừa, tương tự chiến dịch tiêm chủng Covid-19. Cụ thể là tập trung nguồn lực tối đa và tiêm trong một thời gian ngắn cho tất cả trẻ em từ 1 đến 10 tuổi, trong đó ưu tiên trẻ từ 1-5 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cần đề xuất các phương án với Sở Y tế TP.HCM, để trong trường hợp cần thiết sẽ chủ động triển khai công tác thu dung, điều trị và giảm quá tải bệnh viện. Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện thường xuyên cung cấp thông tin về các trường hợp mắc bệnh sởi với trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố - nơi bệnh nhân sinh sống.

“Đã có trường hợp lây nhiễm từ TP.HCM về các tỉnh, nên rất cần thông tin từ bệnh viện. Tất cả các trường hợp trẻ em nhập viện mà có những triệu chứng nghi ngờ cần thông tin trao đổi với địa phương liên quan để phối hợp phòng, chống dịch. Có thể việc này tạo thêm gánh nặng cho bệnh viện nhưng rất cần thiết phải làm trong giai đoạn hiện nay, khi mà TP.HCM đã công bố dịch”, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị.

Kim Dung-CTV Như Ý-Thảo Nguyễn/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận