Nhiều ý kiến đề nghị có lộ trình phù hợp để các hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh chuyển đổi nơi ở hoặc ngăn cách khu vực kinh doanh với khu vực để ở.
Các đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách chỉ rõ tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình, xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm.
Nơi xảy ra cháy thường là khu dân cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy, nhà ở ngõ hẻm, ngách, nơi chứa chất dễ cháy, nơi chữa cháy rất khó khăn.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn Hoà Bình đề nghị phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy: "Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy nổ cần quy định khắt khe về PCCC. Còn đối với các sơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định về phòng cháy an toàn dễ hơn sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đối với cơ sở dễ cháy nếu không có đủ điều kiện phòng cháy thì cơ sở có thể chuyển hình thức sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực khác. Như vậy sẽ phù hợp với mọi loại hình sản xuất kinh doanh trong phòng cháy, chữa cháy. Việc quy định chung 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng chung cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là chưa hợp lý".
Đánh giá cao dự thảo Luật đã quy định về nhà ở kết hợp kinh doanh phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần tính lộ trình để triển khai quy định này cho phù hợp.
Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắc Nông phân tích: "Thực tiễn hiện nay còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện về kinh tế của các hộ kinh doanh. Trường hợp chủ hộ kinh doanh không có nhà ở khác khác để lưu trú và diện tích quá nhỏ, không thể ngăn cách giữa các khu vực kinh doanh với khu vực để ở thì phải có phương pháp như thế nào để tháo gỡ cái này? Chúng tôi đề nghị quy định nhưng có lộ trình, phải tính đến tính thực tiễn hiện nay thì đa số các hộ kinh doanh là kinh doanh ở phía trước".
Đại biểu Phạm Văn Hoà, đoàn Đồng Tháp cũng lưu ý dự thảo luật còn quy định chung chung về phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn. Theo đại biểu, ngoài việc gia đình mua phương tiện, dụng cụ của cơ sở dịch vụ phòng cháy, chữa cháy thì các gia đình còn nhiều phương tiện khác để chữa cháy.
"Có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với điều kiện thực tế thì cần quy định cho rõ ràng để các gia đình dễ thực hiện để tránh việc không khéo có việc địa phương quy định: các gia đình phải mua phương tiện phòng cháy, chữa cháy do các cơ sở dịch vụ công cấp, như vậy là lãng phí. Cho nên cần quy định cụ thể", ông Hòa nêu ý kiến.
Các đại biểu chỉ rõ thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong. Mặt khác phương tiện thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy cứu nạn, cứu hộ được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy chữa cháy đến các huyện với các loại thiết bị phòng cháy, chữa cháy thiết yếu.
Đồng thời đề nghị bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó quan tâm đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; ưu tiên thoả đáng nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang thiết bị, những phương tiện tiên tiến hiện đại, kể cả trang thiết bị là máy bay nhằm phục vụ tốt cho việc đảm bảo hiệu quả công việc phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn cứu hộ.
Cũng trong sáng nay, thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân, các đại biểu đề nghị quy định vùng cấm bay, hạn chế bay; đặc biệt quy định cụ thể về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay. Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị: "Đặt ra một quy định đó là kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay thì chúng ta có cấp phép, nhưng đối với trang bị, thiết bị thì chúng ta không có phép. Như vậy đặt ra là phải có phép. Như vậy đây nó có sự mâu thuẫn. Tôi đề nghị nghiên cứu chỗ này để đảm bảo tính thống nhất".Dẫn: Trong hôm nay, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)./.
Lại Hoa/VOV1