Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các Hội đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; Nổi bật là đưa vốn ưu đãi về vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần đưa vốn dòng vốn Agribank vào phục vụ phát triển "tam nông" thúc đẩy phát triển KTXH địa phương.
Chị Coor Đới, ở thôn Pà Tôi, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang là điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế gia đình ở vùng cao tỉnh Quảng Nam. Ở đây, đất đai bạc màu, quỹ đất canh tác eo hẹp, rừng núi dốc đứng nên gia đình chị cũng như người dân loay hoay không biết nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp. Được cán bộ Agribank- Chi nhánh huyện Nam Giang tư vấn, chị Coor Đới mạnh dạn vay 200 triệu đồng nuôi heo đen, trồng chuối, cây bòn bon, rồi mở rộng diện tích keo lá tràm. Lấy ngắn nuôi dài, tích lũy từ năm này qua năm khác, nay gia đình chị đã có của ăn của để, trả vốn cho ngân hàng đều đặn.
Chị Coor Đới cho biết, năm ngoái chị thu về 100 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt:“Gia đình mình được vay vốn đầu tư của Ngân hàng. Mình lấy nguồn đó để phát triển kinh tế, nhất là phát triển kinh tế vườn. Hàng năm, chăm sóc cây bòn bon, mình trồng và chăm sóc; Thứ hai là phát triển trồng keo rồi dần dần mình làm kinh tế chăn nuôi heo đen. Từ đó tôi phát triển dần dần kinh tế gia đình lên”.
Để người dân sử dụng vốn vay có hiệu quả, hàng quý, hàng tháng, Chi nhánh Agribank huyện Nam Giang phối hợp với các hội đoàn thể như: Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh tuyên truyền đến hộ dân cách làm ăn phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng miền núi. Các tổ vay vốn, cán bộ tín dụng tích cực giúp đỡ người dân xây dựng phương án làm ăn, thủ tục hồ sơ vay vốn. Việc giám sát hiệu quả vay vốn của hộ nông dân cũng được duy trì thường xuyên. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện sử dụng vốn sai mục đích.
Ông Blinh Ai, Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Vinh, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang cho biết, người dân trong thôn vay 1 tỷ đồng nguồn vay ưu đãi từ Agribank: “Khi mình làm tổ trưởng tổ vay vốn thì mình hướng dẫn thủ tục cho bà con. Ví dụ hộ nào không biết viết thì mình giúp đỡ. Mình là người trực tiếp viết hộ cho bà con. Sau đó mình hướng dẫn chi tiết các thủ tục giấy tờ, xong rồi thì mình chuyển hồ sơ lên huyện để Ngân hàng giải quyết cho bà con. Trong 1 tháng sau khi giải ngân xong là tổ đi kiểm tra có sử dụng đúng mục đích không. Ví dụ vay trồng keo thì có đúng là đã trồng keo hay không. Bà con vay làm gì thì mình đi kiểm tra việc đó”.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank- Chi nhánh Nam Giang đạt hơn 164 tỷ đồng với hơn 440 lượt khách hàng. Các khoản vay này dùng cho mở rộng sản xuất, kinh doanh nông lâm sản. Dòng vốn này giúp bà con mạnh dạn phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo và rất nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Agribank- Chi nhánh Nam Giang cho biết, Chi nhánh cử cán bộ đến từng địa phương tiếp cận với Trưởng thôn, các hội đoàn thể của xã để hướng dẫn người dân sử dụng vốn có hiệu quả. Cán bộ tín dụng lên chương trình phối hợp với chính quyền địa phương đến từng cơ sở nơi hộ dân canh tác, chăn nuôi để trao đổi kinh nghiệm, kiểm tra tình hình sử dụng vốn; Đồng thời nhân rộng mô hình canh tác làm ăn hiệu quả. Nhờ đó, nợ xấu chỉ ở mức 0,14%, dưới mức khống chế 0,3 % mà Ngân hàng cấp trên giao.
Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, cán bộ tín dụng phải thường xuyên bám cơ sở để giúp người dân tiếp cận với nguồn tín dụng của Agribank: “Phải hướng dẫn cho người dân lập phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Cán bộ tín dụng cũng phải tới từng hộ để hướng dẫn chi tiết. Sau đó phải kiểm tra vốn vay, kiểm tra tài sản xem sử dụng vốn có đảm bảo hay không, thực hiện phương án đó có đúng hay không, đúng mục đích hay không. Để đảm bảo nguồn vốn phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát vấn đề vay vốn”.
Được biết, đối với vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Agribank dành 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 3,5%/năm. Agribank - Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đang triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất thấp hơn từ 1% - 1,5% so với sàn lãi suất cho vay thông thường.
Các đơn vị trực thuộc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cho vay thông qua tổ nông dân vay vốn, qua đó đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách nhanh chóng, có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình và cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen; hạn chế tình trạng "bán non" hàng hóa, nông sản ở khu vực nông thôn; đồng thời giúp cho các hộ nông dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank- Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đạt hơn 12.500 tỷ đồng, chiếm 74% tổng dư nợ. Ông Phạm Đình Dũng, Phó Giám đốc Agribank- Chi nhánh tỉnh Quảng Nam cho biết, Agribank xác định tập trung ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn: “Agribank nghiêm chỉnh chấp hành chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như Agribank Trung ương. Để bà con dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, Agribank có nhiều cách làm, cán bộ tín dụng trực tiếp hướng dẫn cho bà con. Cán bộ tín dụng thường xuyên bám thôn bản xã để triển khai các chính sách để bà con nắm được và dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn”.
Theo VOV.VN