Điểm chuẩn trường ĐH Thủ đô Hà Nội tăng vọt, tỷ lệ nhập học dự kiến đạt 95%

Năm 2024, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tăng gấp đôi năm 2023.

 

Năm 2024, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tăng gấp đôi năm 2023, tỷ lệ xác nhận nhập học dự kiến đạt 95% ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. Điểm chuẩn các ngành đều tăng mạnh, đặc biệt một số nhóm ngành “hot” điểm chuẩn tăng 1 - 3 điểm so với năm trước.

Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, từ ngày 19/8/2024 đến 17 giờ ngày 27/8/2024, thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống. Thí sinh làm thủ tục nhập học trực tiếp tại cơ sơ đào tạo theo hướng dẫn và quy định của cơ sở đào tạo. Tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, năm nay số lượng thí sinh đăng ký vào trường tăng gấp đôi năm ngoái, đạt 40.000 nguyện vọng, dự kiến, tỷ lệ xác nhận nhập học đạt khoảng 95% ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội có chia sẻ với VOV.VN về công tác tuyển sinh năm 2024.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, mùa tuyển sinh năm 2024 chứng kiến điểm chuẩn tăng mạnh ở nhiều nhóm ngành khoa học xã hội, đặc biệt là nhóm ngành sư phạm. Là trường đại học trực thuộc TP Hà Nội với đa ngành đào tạo, trong đó ngành sư phạm đã có truyền thống và thế mạnh đào tạo, công tác tuyển sinh của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội năm nay có những điểm gì mới, thưa ông?

Năm 2024, bức tranh tuyển sinh của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội có rất nhiều khởi sắc. Năm nay, các khoa, ngành đã xây dựng đề án tuyển sinh kỹ lưỡng dựa trên những tồn tại, hạn chế của năm 2023 và tìm hướng khắc phục. Năm 2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tuyển sinh 28 ngành đào tạo với 2.078 chỉ tiêu cho hệ đại học chính quy, thông qua 4 phương thức, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển theo chứng chỉ ngoại ngữ; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT.

Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường năm nay tặng gấp đôi so với năm ngoái, đạt 40.000 nguyện vọng, trải đều ở các ngành đào tạo. Nhìn chung mức điểm chuẩn vào các ngành năm nay đều có xu hướng tăng so với năm trước.

Theo đó, các ngành đào tạo sư phạm tăng từ 0,5-1 điểm, một số ngành có điểm chuẩn tăng mạnh từ 1-3 điểm so với năm 2023 như ngôn ngữ Tiếng Anh, Trung Quốc, luật, tâm lý học….

Điểm chuẩn Trường ĐH Thủ đô Hà Nội năm 2024.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến điểm chuẩn các ngành vào Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tăng mạnh trong năm nay, thưa ông?

Trước hết phải nói đến nhóm ngành đào tạo truyền thống của trường là sư phạm, thực tế điểm chuẩn ngành sư phạm đã tăng trong vài năm trở lại đây. Điều này bắt nguồn từ những chính sách của Đảng và Nhà nước với ngành sư phạm. Trong đó rõ nhất là Nghị định 116 về hỗ trợ học phí, cho phí sinh hoạt cho sinh viên theo học ngành sư phạm. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội trực thuộc UBND TP Hà Nội, trong những năm qua, trường được thành phố rất quan tâm trong việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên theo tinh thần của Nghị định 116, giúp các em sinh viên có điều kiện tốt hơn, yên tâm học tập.

Năm 2024, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội được TP Hà Nội đặt hàng 1.013 chỉ tiêu đào tạo giáo viên. Đây cũng là số lượng đặt hàng lớn nhất trong các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh này vẫn còn rất ít so với số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, do đó, tỷ lệ “chọi” lớn cũng khiến điểm chuẩn khối ngành sư phạm tăng cao.

Thí sinh đến trường làm thủ tục nhập học năm 2024.

Ngoài các chính sách liên quan đến cơ chế đặt hàng, thì cơ hội việc làm với ngành sư phạm những năm gần đây rất tốt. Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên có trình độ cao là thực tế chung của hầu hết các địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, điểm chuẩn các ngành sư phạm vốn đã cao, bởi vậy ngay từ khi xác định mục tiêu nghề nghiệp, những thí sinh đăng ký ngành này đã phải có ý thức học tập tốt, điều này cũng khiến kết quả thi và điểm chuẩn ngành sư phạm năm sau cao hơn năm trước.

Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là trường đa ngành, ngoài nhóm ngành đào tạo giáo viên, trường cũng phát triển các ngành về kinh tế, luật, du lịch, ngôn ngữ. Nhìn chung, điểm chuẩn của các ngành ngoài sư phạm tại trường năm nay đều tăng đáng kể. Một số ngành thu hút lượng lớn thí sinh và có mức điểm chuẩn tăng mạnh như: quản lý chuỗi cung ứng và logistic, quản trị nhà hàng khách sạn, du lịch, luật, ngôn ngữ Tiếng Anh, Tiếng Trung, công tác xã hội. Ngoài ra, năm nay Trường mới mở thêm ngành Văn hóa học, điểm chuẩn cũng rất cao, đáp ứng nhu cầu về công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Mức điểm này xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Sinh viên tốt nghiệp các ngành này ra trường có mức lương rất tốt, cơ hội việc làm rộng mở. Nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp nhận vào làm khi chưa tốt nghiệp.

Thí sinh đến làm thủ tục nhập học được sinh viên tình nguyện hướng dẫn tận tình.

Ngoài ra, điểm chuẩn những năm gần đây có xu hướng cao hơn do các trường đa dạng phương thức tuyển sinh. Bởi vậy số lượng chỉ tiêu của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cũng phải chia sẻ với các phương thức khác, khiến tỷ lệ chọi lớn hơn, điểm chuẩn cũng sẽ tăng cao hơn.

Như ông vừa chia sẻ, có thể thấy sức hấp dẫn từ các ngành xuất phát từ chính cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Song theo đánh giá của Bộ GD-ĐT và các trường đại học, có không ít ngành dù nhu cầu xã hội rất cao nhưng thí sinh vẫn chưa mấy mặn mà. Tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, có gặp phải tình trạng này không, thưa ông?

Hầu hết các ngành của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đều tuyển sinh rất tốt, bên cạnh đó vẫn có 1 - 2 ngành dù nhu cầu xã hội lớn, nhưng công tác tuyển sinh còn gặp khó khăn, thí sinh chưa mấy “mặn mà”.

Qua các mùa tư vấn tuyển sinh có thể thấy có không ít thí sinh thường chọn các ngành “hot” mà chưa nghiên cứu kỹ lưỡng rằng học ngành đó ra làm việc ở đâu, cơ hội thế nào, mức lương ra sao. Bên cạnh đó, một số ngành khó tuyển còn do thí sinh chưa tìm hiểu kỹ, nghĩ rằng công việc vất vả…

Ngoài ra, việc lựa chọn nghề nghiệp của các em cũng bị ảnh hưởng bởi định hướng của gia đình, khiến một số ngành mới, ngành chuyên sâu chưa được thí sinh lựa chọn.

Chính những nhận thức chưa đầy đủ về ngành nghề là một trong những rào cản khiến thí sinh e ngại khi đăng ký nguyện vọng, mặc dù cơ hội việc làm, thu nhập và khả năng phát triển của ngành rất tốt. Để cải thiện tình trạng này, năm 2025 nhà trường sẽ tăng cường truyền thông để thí sinh có nhận thức đầy đủ về các ngành này.

 

Để nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua các trường đại học thực hiện nhiều chương trình kết nối với doanh nghiệp, để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, quá trình này được thực hiện ra sao và đem lại những kết quả thế nào, thưa ông?

Hằng năm, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đều triển khai khảo sát việc làm của sinh viên, tỷ lệ sinh viên có việc làm và làm đúng ngành nghề đạt từ 93 - 95%. Điều này góp phần khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường và cho thấy hiệu quả của quá trình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp vào giảng đường, đưa giảng đường đến doanh nghiệp.

Trường ĐH Thủ đô Hà Nội luôn xác định việc phối hợp cùng doanh nghiệp là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Hàng năm, nhà trường tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm. Thông qua những chương trình này, trường cũng đã ký kết với hơn 100 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đang đàng tạo.

Với định hướng đào tạo ứng dụng, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội thường xuyên mời doanh nghiệp tham gia rất sâu vào các lĩnh vực đào tạo từ khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp với các ngành nghề, cho đến việc mời doanh nghiệp tham gia thẩm định, đánh giá chương trình, doanh nghiệp tham gia vào quá trình giảng dạy một số học phần mang tính thực hành thực tiễn lớn. Hàng năm, Trường đều đưa sinh viên vào các doanh nghiệp thực tập từ sớm và ưu tiên thời lượng thực tập dài để các em có cơ hội làm quen, học hỏi từ thực tế.

Với những khóa sinh viên năm cuối, chúng tôi tổ chức cho các em ngày hội việc làm, hội chợ việc làm để gắn kết sinh viên với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Ngoài ra, Nhà trường cũng giao cho các khoa đào tạo bám sát doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo không ngừng tiếp nhận thông tin, yêu cầu về tuyển dụng để qua đó thông tin cho sinh viên và có hướng đào tạo phù hợp.

Thông qua những hoạt động này, không ít sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp đã được “đặt hàng” ngay khi chưa tốt nghiệp.

Để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, sau khi sinh viên đi làm, Trường vẫn tiếp tục tăng cường đánh giá sinh viên sau khi tốt nghiệp, xem đây như nhiệm vụ trọng yếu trong đào tạo. Theo đó, chúng tôi tiến hành khảo sát bằng điện thoại tại chính các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về sinh viên của mình để biết đâu là những ưu, nhược điểm, từ đó biết được chương trình đào tạo đó có phù hợp với yêu cầu của đơn vị tuyển dụng hay không.

Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên sẽ được tổ chức theo chương trình GDPT 2018, vậy phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ có những thay đổi thế nào, thưa ông?

Trường ĐH Thủ đô Hà Nôị cần bám sát theo những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về công tác tuyển sinh. Theo đánh giá, những năm qua các phương thức tuyển sinh trường đã thực hiện tương đối phù hợp với công tác đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu vào cao. Năm 2025 về cơ bản Trường vẫn giữ ổn định như những năm trước và dự kiến có thể có thêm một số phương thức mới như kết hợp với các trường đại học lớn cùng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển. Bên cạnh đó, một số tổ hợp xét tuyển cũng sẽ cần điều chỉnh cho phù hợp với chương trình GDPT 2018.

Xin cảm ơn ông!

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận