Việt Nam không nên là người dùng cuối của trí tuệ nhân tạo

Bên cạnh những lợi ích, hiện cả Việt Nam và thế giới vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để có thể kiểm soát tốt những rủi ro nảy sinh từ trí tuệ nhân tạo.

 

Trí tuệ nhân tạo đang tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội. Năm 2023, thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu đạt 196 tỷ USD; tăng trưởng hàng năm 37,3%. Dự báo tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2023-2030 khoảng 20 lần. Với dự báo tăng trưởng theo cấp số nhân như vậy, trí tuệ nhân tạo đã tác động đến mọi mặt của xã hội.

(Ảnh minh họa)

Những lợi ích không thể phủ nhận từ công nghệ trí tuệ nhân tạo

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mong muốn đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.

Theo đánh giá của Chính phủ, sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới. Việt Nam luôn khẳng định, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội và người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (ở giữa) và Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy (ngoài cùng bên phải) đang thăm các gian hàng tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024.

Chia sẻ tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương, Google bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng to lớn của Việt Nam. Trong một thập kỷ, Google nhận thấy trí tuệ nhân tạo mang lại cho nhiều cơ hội chuyển đổi số, và Việt Nam nắm bắt rất tốt điều này.

“Trí tuệ nhân tạo giúp con người dễ dàng khám phá sản phẩm, giúp trải nghiệm này thoải mái hơn thông qua các đề xuất cụ thể. Trí tuệ nhân tạo tác động đến sự hiện đại hóa các quy trình vận hành doanh nghiệp. Trí tuệ nhân tạo đã giúp khai phá đổi mới sự sáng tạo và đẩy mạnh tiềm năng tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực”, ông Marc Woo đánh giá.

Những ví dụ cụ thể được nêu ra về việc “trí tuệ nhân tạo đã vượt ra ngoài màn hình máy tính”. Đơn cử, thiết bị cho người khiếm thị, giúp họ có thể “nhìn thấy”. Nhờ thiết bị trí tuệ nhân tạo có thể giúp người khiếm thị cảm nhận không gian ảo giúp họ thực hiện được các kế hoạch hàng ngày như nấu ăn, tìm đồ một cách dễ dàng...

Việt Nam cần tự chủ và bứt phá từ trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Theo Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trở thành xu hướng tất yếu. Nhìn nhận được tiềm năng vượt trội của trí tuệ nhân tạo tạo sinh, các doanh nghiệp đã rất mạnh tay đầu tư để phát triển và ứng dụng công nghệ này.

Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata.

“Chỉ tính riêng năm 2023, tổng số tiền các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh lên tới 25,23 tỷ USD, tăng gần 9 lần so với trước đó một năm. Khi được ứng dụng đúng cách, trí tuệ nhân tạo tạo sinh có thể mang đến nhiều lợi ích trong đa lĩnh vực cho cả thế giới và Việt Nam”, Giáo sư Vũ Hà Văn nhận định.

Để đón đầu làn sóng trí tuệ nhân tạo tạo sinh, theo Giáo sư Vũ Hà Văn, Việt Nam cần chú trọng phát triển 3 trụ cột trí tuệ nhân tạo, đó là con người, tài nguyên và công cụ, từ đó phát triển các giải pháp do người Việt làm chủ.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn, không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài mà nên tự tạo công nghệ cho chúng ta, công nghệ Việt cho người Việt”, Giáo sư Vũ Hà Văn nói.

Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, Thành viên Tập đoàn FPT cũng cho rằng, Việt Nam có cơ hội bắt kịp trí tuệ nhân tạo toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp trí tuệ nhân tạo mới.

“Các doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh bằng hai thứ: thứ nhất là nhân công giá rẻ và thứ hai là năng suất lao động. Tuy nhiên, trong tương lai, chỉ hai điều đó là không đủ, chúng ta còn cần phải cạnh tranh bằng con người, tự động hóa, công nghệ... để tạo ra năng suất cao hơn nữa. Chúng ta cần năng lực trí tuệ nhân tạo nội tại dành riêng cho Việt Nam. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh trong cùng một quốc gia mà còn bảo vệ sự cạnh tranh, khác biệt cho Việt Nam”, ông Việt nhấn mạnh.

Ông Lê Hồng Việt cũng gợi ý 5 điều cần làm, trong đó đầu tiên là đủ năng lực để tạo ra ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà người Việt có thể sử dụng. Hai là phải tập hợp được dữ liệu từ chính phủ, người dân Việt Nam để làm chủ dữ liệu của chính mình. Ba là hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng để trí tuệ nhân tạo đi vào doanh nghiệp trơn tru hơn. Bốn là tạo ra nguồn lực dồi dào, thu hút những người nghiên cứu và phát triển công nghệ trên toàn cầu. Cuối cùng là khơi thông thị trường trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu được trí tuệ nhân tạo đem lại những giá trị gì, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất, tối ưu chi phí ra sao.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Chia sẻ tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới.

“Việt Nam luôn khẳng định, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận