Có một sự lãng phí rất lớn đã được chỉ ra khi hàng năm, trong số hàng chục đầu sách phụ huynh mua cho con có những cuốn sách không hề sử dụng đến. Lý do nào mà nhiều năm qua không ngăn được sự lãng phí này, ngay cả khi Bộ GDĐT đã có những chỉ thị, hướng dẫn liên quan?
Chị Nguyễn Hoài Linh, có con đang học lớp 2 ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, trong bộ sách giáo khoa lớp 1 của năm học trước, có một số cuốn sách các con rất ít sử dụng.Vì sách vẫn còn mới nguyên nên chị Linh bỏ đi thì tiếc, nhưng không biết cho ai vì mỗi trường có thể học những bộ sách giáo khoa khác nhau.
"Năm ngoái có sách bài tập mỹ thuật và bài tập âm nhạc không dùng đến. Hỏi con cô có giao về nhà làm những cái này không, cháu bảo không, bài tập âm nhạc và bài tập mỹ thuật không dùng đến, thỉnh thoảng vẽ ra giấy A4", chị Linh cho biết.
Trong bộ sách giáo khoa tiểu học của một số trường trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng có một số đầu sách mà học sinh rất ít sử dụng, như sách giáo dục thể chất, sách “Nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội”…
Chị Thúy Lan, phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện cho biết, năm nào, chị cũng thấy những đầu sách con chỉ đề trên giá sách, ít khi dùng đến: "Bộ sách từ lớp 1 đến lớp 4 của trường con tôi đang học, có một số quyển sách mỏng, liên quan đến giáo dục công dân, không biết ở lớp con có dậy hay không nhưng về nhà nhiều khi con không mang đi học, con cũng không học tại nhà. Bây giờ không nên học tràn lan, quá nhiều về kiến thức, học vừa phải còn trau dồi thêm cho các con những hoạt động thiết thức, nên tập trung vào đạo đức, cách cư xử".
Trước ý kiến băn khoăn của một số phụ huynh học sinh có nhất thiết phải mua toàn bộ các đầu sách trong Danh sách sách giáo khoa mà các trường đưa ra, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tình với việc, học sinh không nhất thiết phải mua tất cả các cuốn ở trong bộ sách giáo khoa nếu không sử dụng trong quá trình học:
"Đúng là chưa có văn bản. Hoàn toàn chưa có văn bản nào bắt buộc phụ huynh mua tất cả sách giáo khoa theo chương trình học do nhà trường giới thiệu. Vì vậy, bên cạnh tiếp thu ý kiến của phụ huynh, cộng đồng, người đứng đầu nhà trường cần có thông tin rõ ràng đối với phụ huynh, để đảm bảo quyền học tập của các con cũng như tránh sự lãng phí thì những cuốn sách nào cần bắt buộc, cần mua, còn có những cuốn sách nào có trong thư viện, nội bộ… Có những văn bản như thế sẽ phù hợp hơn vì kế hoạch giáo dục của mỗi trường khác nhau".
Ông Nam cho biết thêm, để tránh lãng phí, các nhà trường cần nghĩ đến những giải pháp tối ưu hóa, khai thác hiệu quả của sách giáo khoa. Hiện nay, tất cả các bộ sách giáo khoa điện tử đã được các nhà xuất bản cung cấp lên các cổng thông tin điện tử. Trong hệ thống thư viện của nhà trường cũng có những bản sách nhất định cho các học phần thuộc nội dung nhà trường đào tạo.
Do vậy, ông Nam đề xuất, đối với những môn học học sinh ít dùng, Nhà trường nên cân nhắc cho sử dụng bản điện tử hoặc in những bài học, chủ đề nhất định phù hợp với những hoạt động mà giáo viên có thể tổ chức trên lớp trong giờ sinh hoạt.
Theo PGS.TS Trịnh Văn Minh, Nguyên Chủ nhiệm khoa quản lý giáo dục, ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, những quyển sách không dùng hoặc ít dùng đến nhưng vẫn phải mua, không chỉ làm gia tăng chi phí cho gia đình mà còn gây áp lực lớn đến môi trường và gia tăng chi phí xử lý sau đó. Bởi vậy, các nhà trường có thể nghiên cứu các phương án tái sử dụng những đầu sách đó hoặc xây dựng Trung tâm học liệu riêng của trường:
"Đúng là việc sử dụng sách giáo khoa và học liệu đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề tái sử dụng những cuốn sách đó. Các đầu sách đó có thể số hóa hoặc thông qua hệ thống học liệu. Hoặc các trường hoặc các địa phương xây dựng Trung tâm học liệu vừa bản cứng cũng như bản mềm liên quan đến các môn nhà trường đang triển khai thực hiện".
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi một cuốn sách đều có tác dụng và có người sử dụng, vì đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, học sinh có thể sử dụng sách giáo khoa nhiều lần. Nhà trường, địa phương và các bậc phụ huynh có thể cùng bàn bạc đưa ra một phương án sử dụng sách giáo khoa sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất:
"Nhà trường có thể đề xuất phụ huynh mua những năm đầu hoặc tìm nguồn quỹ xã hội nào đó hoặc đầu tư của Sở GTVT nếu có mua những đầu sách ít sử dụng hoặc ít hư hỏng, thì có thể mua để dùng chung, sẽ đỡ tốn kém đi. Sách học được dùng đi dùng lại sẽ tiết kiệm chi phí xã hội và chi phí cho học trò, nhưng phải tìm được nguồn quỹ nào đó".
Ông Hồng dẫn chứng, thực tế một số trường ở đồng bằng Sông Cửu Long đã tự chi trả 50% để mua sách giáo khoa cho học sinh. Cuối năm học, toàn bộ sách giáo khoa đã được thu lại để trong thư viện và chuyển cho các em học sinh lớp sau. Nhờ vậy mà các bộ sách giáo khoa được tái sử dụng nhiều lần, các gia đình cũng không còn quá áp lực tìm mua sách giáo khoa mỗi khi vào năm học mới.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, với sự phát triển của khoa học công nghệ, giáo viên và và phụ huynh có thể giới thiệu và hướng dẫn các con tìm kiếm những nguồn học liệu mới cho các con, trên thư viện, cổng thông tin điện tử, ngoài sách giáo khoa. Điều này vừa giúp các em chủ động trong học tập và làm phong phú thêm sự hiểu biết về các nội dung được giảng dạy trên nhà trường.
Những quyển sách không dùng hoặc ít dùng đến nhưng vẫn phải mua, không chỉ làm gia tăng chi phí cho gia đình mà còn gây áp lực lớn đến môi trường và gia tăng chi phí xử lý sau đó. (Ảnh: Quân đội nhân dân)
Những cuốn sách giáo khoa mua nhưng ít sử dụng hoặc không sử dụng đến không chỉ làm tăng chi phí của mỗi gia đình mà còn gây lãng phí cho xã hội. Bởi vậy, lựa chọn những đầu mục sách giáo khoa phù hợp, tái sử dụng những đầu sách ít dùng đến có thể góp phần giảm lãng phí.
Theo VOV.VN