Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định có con của 72,0% người lao động được khảo sát. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp. Đây là kết quả khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động VN) năm 2023 với khoảng 3.000 người lao động.
Vừa tan ca trở về, chị Nguyễn Thị Minh, làm ở Khu công nghiệp Vsip tỉnh Bắc Ninh tất tả cho con bú rồi tranh thủ chuẩn bị bữa cơm chiều. Sau khi sinh con được 3 tháng, chị quyết định đi làm trở lại, nhờ ông bà trông cháu giúp, bởi nếu không đi làm sớm, chỉ riêng tiền lương công nhân của chồng chị thật khó để xoay sở tiền chi tiêu trong gia đình.
“Tôi đi làm full ngày để có tiền mua sữa mua bỉm. Bây giờ chi phí đắt đỏ, đẻ ra rồi mà không nuôi được con thì áy náy với con nên phải cố để cho con được đầy đủ nhất”, chị Minh nói.
Sinh con ra mà không lo được cho con bằng bạn bằng bè thì áy náy, xấu hổ với con là tâm trạng của rất nhiều nữ công nhân tại Bắc Ninh. Với mức lương trung bình hơn 7 triệu đồng/tháng có làm thêm, tăng ca, thu nhập của 2 vợ chồng chị Minh trước đây còn tiết kiệm được chút ít. Từ khi sinh con, lo tiền bỉm sữa, các dịch vụ tiêm phòng, tiền thuê nhà điện nước khiến tiền số tiền tích luỹ ít ỏi chẳng còn được bao nhiêu. Chị đón mẹ lên chăm con giúp để xin đi làm sớm hơn 3 tháng so với chế độ nghỉ thai sản.
Dù con gái đã được 8 tuổi nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung, công ty Forster, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh ngại sinh tiếp bé thứ hai, dù ông bà nội ngoại đều sẵn sàng hỗ trợ vì lý do việc làm khó khăn, 2 vợ chồng liên tục nghỉ việc, giãn việc, thu nhập giảm sút. Con gái gửi về quê để giảm chi phí học hành, 2 vợ chồng thuê trọ, tằn tiện chi tiêu, mỗi tháng gửi về cho ông bà từ 2-3 triệu đồng.
“Không đẻ nữa, giờ kinh tế khó khăn lắm. Đẻ ra rồi không biết lấy gì nuôi con, mà để con cái gì cũng thiếu thốn, cũng khó, cũng khổ thì tội con ra”, chị Nhung nói.
Theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với 3.000 công nhân tại một số tỉnh thành đông công nhân, người lao động ngoại tỉnh cư trú cho thấy: Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định có con của 72% người lao động được khảo sát. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp. Đi làm miệt mài, hết ngày này sang tháng khác, nhiều công nhân lao động nữ bày tỏ mong có chút vốn “dắt lưng” để đón con lên sống cùng hoặc về quê tìm việc ở cùng con, nhưng rồi 5 năm, 10 năm, thậm chí có những người mẹ đã chờ đến 15 năm vẫn chưa thể thực hiện được mong ước của mình.
“Tôi đi làm suốt ngày, nói chung là không người mẹ nào muốn xa con cả. Vì hoàn cảnh bắt buộc, vì cuộc sống mưu sinh nên mình bắt buộc phải xa con để đi kiếm sống. Mình nhờ ông bà trông cho. Con cái không có bố mẹ bên cạnh thì cũng chịu thiệt thòi, vì có bố mẹ quan tâm bên cạnh con cái cũng sẽ trưởng thành tốt hơn nhưng hoàn cảnh thế này, biết làm sao được”.
“Đi xa con thì cũng vất vả, trước kia phải cho con về quê. Mình mải đi làm, con không trông được, chỉ mong thêm mấy năm con cái lớn hơn, mình cũng được ở gần con thì đỡ vất vả hơn”.
“Em có 2 cháu, cháu lớn ở quê, còn cháu này nhỏ quá nên ở với bố mẹ. Nhiều lúc nhớ con lắm nhưng không biết làm thế nào. Chỉ mong cho 2 anh em được ở với nhau nhưng kinh tế không có nên đành chịu”.
Kết quả khảo sát về thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, chế xuất do Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho thấy: lao động nữ di cư đã có gia đình chiếm tỷ lệ đông nhất (hơn 85%), lao động nữ chưa kết hôn chiếm 3,3% và lao động nữ ly hôn, ly thân chiếm khoảng 10%. Báo cáo chỉ rõ, có 53,7% lao động nữ di cư phải thuê nhà trọ để ở, chỉ có 19,1% có nhà riêng trong khi số lao động được doanh nghiệp bố trí nhà, ký túc xá tập thể rất thấp - chỉ chiếm 0,3%.
Bà Trần Thu Phương - Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: vì những điều kiện chưa thuận lợi nên phần đông lao động nữ di cư phải chấp nhận cuộc sống xa con: “Có 64,7% lao động cho biết, ở những khu chật chội tối tăm, thiếu sự riêng tư và thiếu tiện nghi sinh hoạt. Trang thiết bị trong nhà cũng rất nghèo nàn, ti vi, tủ lạnh, máy giặt tương đối xa xỉ đối với phần lớn lao động nữ di cư. Đa số chỉ có chỗ để ngủ và có một khu bếp nhỏ chật chội để nấu ăn. Còn các khu nhà ở có sân chơi, khu giải trí thì đến hơn 80% là không có vì các công trình chung còn rất hạn chế có các công trình phúc lợi như thế”.
Từ những khó khăn mà người lao động đang gặp phải, Công đoàn Việt Nam kiến nghị các Bộ ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động. Đồng thời có ngay các giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của người lao động.
Bích Ngọc/VOV1