Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân tăng cao, trong khi các bệnh viện đang thiếu nhân lực điều dưỡng chuyên nghiệp thì việc tuyển người lại không dễ.
Những áp lực của điều dưỡng viên
Phòng điều trị tích cực của Bệnh viện Lão khoa Trung ương lúc nào bệnh nhân (BN) cũng kín giường, trong đó toàn BN cao tuổi với nhiều bệnh nặng. Dù luôn có mặt bên giường bệnh nhưng chị Đ.T.L (con ông N.Đ L, 75 tuổi, ở Thái Bình) cho biết, cũng chỉ chăm bố được 1 phần rất nhỏ, còn lại là nhờ cậy vào đội ngũ điều dưỡng. Chị L chia sẻ, sau khi phẫu thuật điều trị đột quỵ ở BV Bạch Mai thì gia đình chị xin cho bố sang đây để chăm sóc, phục hồi chức năng. Dù nằm viện gần 1 tháng, nhưng bệnh mới đỡ được 50%.
“Do ông vẫn có nhiều đờm và chưa đi lại được nên chúng tôi không dám đưa bố về nhà hoặc chuyển xuống BV tuyến dưới. Hiện nay, việc ăn uống của bố tôi hoàn toàn qua đường xông. Do bệnh của ông vẫn nặng nên việc chăm sóc phục hồi từ tắm xát khuẩn, ăn uống, vệ sinh răng miệng… vẫn phải nhờ đội ngũ điều dưỡng”, chị L chia sẻ thêm, gia đình chị may mắn vì bệnh của bố tuy nặng nhưng vẫn nhẹ hơn những BN khác rất nhiều. Vì những BN nặng, phải nằm một chỗ với nhằng nhịt các ống thở, dây chuyền ăn xông, dẫn nước tiểu, lọc máu… thì người nhà sẽ không được vào chăm.
Một BN nam 69 tuổi, ở Thái Bình nhập Khoa Hồi sức tích cực, BV Lão khoa T.Ư trong tình trạng nặng suy hô hấp, xung quanh chằng chịt các loại dây và máy móc. Là người trực tiếp chăm sóc cho BN này, điều dưỡng Đồng Văn Hạnh cho biết: “BN này nhập viện được 2 ngày. Do bị bệnh phổi mãn tính nhưng bỏ thuốc dẫn đến khó thở, rối loạn điện tim, tăng kali máu… phải đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục… để theo dõi huyết áp, duy trì vận mạch và theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh... Do BN không ăn uống được, bị trào ngược dạ dày nên chúng tôi đặt một ống xông xuống hỗng tràng để dẫn thức ăn nhỏ giọt theo y lệnh của bác sĩ điều trị. Ngoài ra, BN phải nằm một chỗ nên nguy cơ viêm loét rất cao. Vì vậy, việc thường xuyên vệ sinh, chăm sóc dự phòng cho đỡ loét cũng rất cẩn trọng”.
Là người có thâm niên 16 năm ở Khoa Hồi sức tích cực, điều dưỡng Đồng Văn Hạnh lúc nào cũng luôn tay luôn chân, mọi cử chỉ hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận và tập trung cao độ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì ngoài BN này, anh Đồng Văn Hạnh còn chăm sóc tại chỗ cho 7 BN khác.
Khoa Hồi sức tích cực là đơn vị điều trị đặc thù với rất nhiều loại bệnh, trong đó đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Ngoài việc thực hiện theo y lệnh của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, tập phục hồi chức năng, người điều dưỡng phải thuần thục nhiều kỹ thuật y khoa khác như mở ống khí quản, tiểu phối hợp cấp cứu BN, làm các thủ thuật lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi BN nặng để kịp thời báo cho bác sĩ cấp cứu điều trị. Đồng thời điều dưỡng còn chăm sóc tâm lý, giải thích và hướng dẫn cho người nhà trong quá trình điều trị, ra viện. Công việc thể lực và tinh thần đều căng thẳng.
Anh Đồng Văn Hạnh chia sẻ: “Khoa Hồi sức tích cực có 54 giường bệnh, nhưng lúc nào cũng kín BN, thậm chí có thời điểm lên đến 60 BN, do vậy số lượng BN mà mỗi điều dưỡng phụ trách cũng sẽ tăng lên. Nếu không có sức khỏe, không có tình yêu nghề thì khó đáp ứng được công việc. Việc ăn cơm muộn, quá giờ, hay đang ăn cơm phải dừng lại vì có BN cấp cứu là chuyện bình thường. Còn với BN nặng phải lọc máu chúng tôi còn phải trông xuyên đêm”.
Thiếu điều dưỡng do tự chủ tài chính
TS.BS Trần Viết Lực, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, điều dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị cũng như tiến triển của người bệnh không phải chỉ khi họ nằm viện mà ngay cả khi người bệnh về nhà. “Điều dưỡng, ngoài việc áp dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản, cùng kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác thực hiện các y lệnh, họ còn phụ trách việc hướng dẫn cách chăm sóc dinh dưỡng, vận động cho BN khi được về nhà sao cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Vì họ là người sâu sát nhất từ khâu thực hiện y lệnh đến chăm sóc người bệnh”, TS Trần Viết Lực nhấn mạnh và chia sẻ thêm: Tại BV Lão khoa T.Ư, có những thời điểm đông BN điều trị nội trú thì các điều dưỡng còn phải chịu sự luân chuyển từ phòng khoa này sang phòng khoa khác để làm sao phục vụ cho BN tốt nhất. Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân tăng cao, trong khi các bệnh viện đang thiếu nhân lực điều dưỡng chuyên nghiệp, một phần do công tác tự chủ tài chính.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác điều dưỡng, TS.BS Trần Viết Lực cho biết: Đặc thù của BV Lão khoa TƯ, BN là người cao tuổi có đa bệnh lý, thường vào viện với những đợt cấp của mãn tính, bệnh thoái hóa, bệnh nặng và khó chữa nên điều dưỡng làm việc thì thể lực và tinh thần đều căng thẳng. Đối với BN nặng thì cần 2 điều dưỡng cho 1 BN như ở các khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa thần kinh. Hiện BV Lão khoa cần khoảng 1,5 điều dưỡng/bệnh nhân, nhưng Bệnh viện chỉ có khoảng 230 điều dưỡng. Công việc của một điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong công tác điều trị cho BN. Hiện nay tỷ lệ điều dưỡng/bệnh nhân ở BV Lão khoa T.Ư cao hơn nhiều bệnh viện khác. Để đáp ứng đủ nhu cầu thì phải cần thêm 500 điều dưỡng nữa.
“Hiện nay, các bệnh viện phải tự chủ ngân sách thì ngoài việc tạo mọi điều kiện để anh em được đi học nâng cao nghiệp vụ, chúng tôi cũng tính toán chi trả với mức lương phù hợp để ít nhất anh em cũng đủ trang trải cuộc sống. Nếu chúng tôi ồ ạt tuyển điều dưỡng viên mà không có ngân sách chi trả thì khó giữ chân anh em ở lại làm việc”, TS.BS Trần Viết Lực bày tỏ.
Tại Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ 11 tổ chức mới đây với chủ đề "Xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng", GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, điều dưỡng là một nghề cao quý, đóng vai trò thiết yếu trong việc chăm sóc, điều trị và hỗ trợ BN, đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải có tình yêu thương, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao cả.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, ngành điều dưỡng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao do sự gia tăng dân số và tuổi thọ trung bình. Vấn đề thiếu hụt nhân lực điều dưỡng ở một số khu vực và sự phân bổ không đồng đều cũng đặt ra nhiều khó khăn.
Năm 2020, báo cáo về tình trạng điều dưỡng toàn cầu của WHO đưa ra nhận định: Điều dưỡng là một bộ phận sống còn của hệ thống y tế. Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2020, tỷ lệ điều dưỡng chiếm gần 40% nhân lực toàn ngành. Nếu tính cán bộ y tế chăm sóc trực tiếp cho người bệnh thì điều dưỡng chiếm gần 60% thời gian BN nằm viện, điều dưỡng có mặt ở khắp nơi của hệ thống y tế. Hiện nay, các bệnh viện đang thiếu nhân lực điều dưỡng chuyên nghiệp.
|
Việt Nam đối diện với già hóa dân số trong vòng 12-20 năm tới. Với số lượng điều dưỡng đang hoạt động như bây giờ thì nguồn nhân lực đáp ứng là không đủ. Để đáp ứng những thách thức, xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không chỉ về y thuật mà còn cả y đức với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm là mục tiêu xuyên suốt của nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân./.
Lưu Hường