Nhân sự cần những kỹ năng gì để giữ công việc và phát triển trong kỷ nguyên số?

Đến năm 2030, trên toàn cầu, ước tính khoảng 375 triệu lao động (nhân sự) trên toàn cầu có thể cần chuyển đổi hạng mục nghề nghiệp đang làm hiện tại.

 

Với bước tiến vượt bậc của công nghệ hiện đại, đến năm 2030, trên toàn cầu, ước tính khoảng 375 triệu lao động (nhân sự) trên toàn cầu có thể cần chuyển đổi hạng mục nghề nghiệp đang làm hiện tại.

Với chủ đề “Nhân sự trong kỷ nguyên số: Thích ứng, đổi mới và phát triển”, hội nghị nhân sự và công nghệ nhân sự (TalentX 2024) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội, thu hút hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Toàn cảnh hội nghị.

Đây là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự và công nghệ cập nhật thông tin, xu hướng mới trong việc quản trị và phát triển nguồn nhân lực; ảnh hưởng của các xu hướng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo với công việc; cách thức tuyển dụng nhân lực phù hợp, quản lý, quản trị nguồn nhân lực hiệu quả hơn với các giải pháp công nghệ (HR-Tech)...

Tuyển dụng và quản trị nhân sự bằng công nghệ

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến quý 2/2024, Việt Nam có 52,5 triệu người trong độ tuổi từ 15 trở lên, trong đó 51,4 triệu người có việc làm.

Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam thuộc top quốc gia đứng đầu trong nhu cầu tuyển dụng cao với 71,42% doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm, 19,2% là nhu cầu tuyển các cấp quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, 76% doanh nghiệp cho rằng công nghệ nhân sự (HR-Tech) là cần thiết và 8,8% cho rằng HR-Tech là rất cần thiết. Hơn 33% số doanh nghiệp có xu hướng áp dụng cho toàn bộ quy trình quản trị nhân sự khi quyết định ứng dụng HR-Tech. Có thể khẳng định công nghệ nhân sự đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tương lai gần, việc tuyển dụng và quản trị nhân sự bằng công nghệ sẽ là xu hướng tất yếu.

“Trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) đã và đang làm thay đổi lĩnh vực tuyển dụng một cách mạnh mẽ. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của AI và các ứng dụng AI tác động rõ nét đến công việc, quy trình, đòi hỏi nguồn nhân lực cần có các kỹ năng khác biệt so với trước đây”, ông Khoa chia sẻ.

Các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ phục vụ cho mọi mặt của cuộc sống, công việc đều được tích hợp và ứng dụng AI khiến cho nhu cầu nguồn nhân lực, chuyên gia cấp cao về AI đang gia tăng mạnh mẽ. Tác động và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang đặt ra những yêu cầu mới với nguồn nhân lực công nghệ số.

(Ảnh minh họa: Internet)

Biến trí tuệ nhân tạo thành công cụ “giúp việc” cho mình

Còn ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng, với bước tiến vượt bậc của công nghệ hiện đại, đến năm 2030, trên toàn cầu, ước tính khoảng 375 triệu lao động trên toàn cầu có thể cần chuyển đổi hạng mục nghề nghiệp đang làm hiện tại. Đáng nói, do sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trước những tác động của công nghệ có đến 85% các công việc sẽ tồn tại danh mục “việc cần người” vào năm 2030 hiện chưa được phát minh.

Những công nghệ hiện đại, đặc biệt là AI sẽ thay thế lao động con người và dẫn đến giảm số lượng nhân sự trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Nam Tiến khẳng định, công nghệ AI không thể thay thế con người. Nhưng để giữ được công việc, có cơ hội tiến thân trong sự nghiệp, biết cách sử dụng AI, biến AI thành “con sen” của bản thân là yêu cầu quan trọng của người lao động.

“Người lao động cần liên tục làm mới mình, cập nhật công nghệ và biến công nghệ, đặc biệt là AI thành công cụ phục vụ mình trước khi bị đào thải vì thiếu kỹ năng công nghệ”, ông Tiến nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến công nghệ nhân sự và đánh giá cao tầm quan trọng của việc quản trị nhân sự thông qua các hoạt động đầu tư ngày càng nhiều vào các giải pháp công nghệ. Nếu không nhanh chóng ứng dụng HR-Tech vào quản trị nhân sự, doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều thách thức trong tuyển dụng và quản lý nguồn nhân sự.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận