Những năm qua, huyện Yên Định đã đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động nông thôn được học nghề, góp phần thúc đẩy tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm được Yên Định xác định là chìa khóa để thoát nghèo bền vững.
Yên Định là huyện thuộc vùng bán sơn địa của tỉnh Thanh Hóa. Cách thành phố Thanh Hóa 26km, huyện Yên Định có 26 xã và 1 thị trấn, dân số hơn 170 nghìn người; tổng lao động tham gia trong các ngành kinh tế 103.516 người.
Xác định công tác dạy nghề, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Yên Định đã tập trung các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền của huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện như: Tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn. “Các chính sách của Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ việc làm được triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả bằng nhiều hình thức. Thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động nông thôn được học nghề, góp phân thúc đẩy tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo”, ông Lê Xuân Thành nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2011 - 2023, Yên Định đã tổ chức 1.872 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài huyện tổ chức 6 chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 2.000 lao động, trong đó ưu tiên đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện tuyên truyền, tuyển lao động trên địa bàn để đưa đi học nghề và bố trí làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; thông báo chương trình tuyển sinh đào tạo tiếng Hàn của Trung tâm Dịch vụ Việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa; tuyên truyền tuyển dụng lao động làm việc tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn.
Với hàng loạt các giải pháp trên, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại huyện Yên Định đạt tỷ lệ 80,88%, tăng 36,88% so với năm 2011 và tăng 27,88% so thời điểm huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ toàn huyện đạt 32,86%, tăng 11,3% năm 2015 và tăng 15,21% so với năm 2011, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Giai đoạn 2021 - 2023, giải quyết việc làm mới cho 12.132 lao động. Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,75% (đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao).
Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Định cho hay, để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục là chìa khóa, tạo cú hích cho thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện Yên Định tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trang bị các kỹ năng, kiến thức nghề cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua việc trang bị các kiến thức, kỹ năng tối thiểu về nghề nghiệp từ các khóa đào tạo ngắn hạn, người lao động nông thôn, nông dân có khả năng nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, thoát được nghèo một cách bền vững.
“Thời gian tới, huyện Yên Định đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và gắn với nhu cầu thực tiễn nhằm tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường...” - ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định khẳng định.