Cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi: Sao phải cấp tập?

Theo Luật Căn cước 2023, từ 1/7/2024, trẻ em dưới 14 tuổi được cấp căn cước theo nhu cầu, thay cho việc phải mang theo giấy khai sinh...

 

Đã có một số địa phương làm thí điểm tổ chức khá tốt, nhanh gọn, hiệu quả. Tuy vậy, cũng có nơi, việc triển khai cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi được thực hiện một cách cấp tập, ồ ạt, dẫn đến tình trạng đông đúc, chờ đợi, gây phiền phức, mệt mỏi cho cả trẻ em và phụ huynh.

Đã hoàn thành các thủ tục cấp căn cước cho con đang học lớp 7 và đang chờ được nhận qua đường bưu điện, chị Bùi Thị Nguyệt (ở Hà Đông, Hà Nội) nhận thấy, việc phân chia thời gian cho từng lớp học khiến thời gian làm căn cước của con khá nhanh chóng. Trường đã thông báo thời gian làm căn cước cho từng lớp, nên mẹ con chị Nguyệt không phải chờ đợi quá lâu:

"Bên trường cùng với công an kết hợp với nhau phân các con theo khối, tuy nhiên thời gian chờ con lên làm, lấy vân tay, mống mắt và chụp ảnh thời gian cũng hơi lâu, mất hơn 1 tiếng. Hiện em đang chờ để phát căn cước về cho con", chị Nguyệt cho biết.

Được chọn làm thí điểm cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, nên từ đầu tháng 7/2024, công an quận Hà Đông đã gửi thông báo đến các trường THCS trên địa bàn, để phối hợp, thực hiện. Thầy Dương Quang Huy, giáo viên một trường THCS trên địa bàn chia sẻ, do được thông báo sớm, trường đã phân chia lớp theo từng thời điểm cụ thể, nên chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, hơn 2.000 học sinh của trường đã hoàn thành việc cấp căn cước:

"Chúng tôi trích luôn trên phần mềm cơ sở dữ liệu của trường là có mã định danh của trẻ con rồi, ra cái là chỉ việc khai thông tin. Để nhanh hơn nữa, chúng tôi còn lấy tờ khai thông tin của công an quận gửi phụ huynh khai trước, khi ra công an là nhập lại thông tin là xong. Như vậy sẽ rất nhanh, chỉ hơn một phút đã xong một em", thầy Huy cho biết.

Tuy vậy, cũng có địa phương tổ chức việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi chưa thật sự khoa học, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí cấp tập, vội vàng. Theo tìm hiểu của phóng viên VOVGT, một số địa bàn đang cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi có dấu hiệu áp tiến độ, có những trường hợp 2 tổ dân phố với dân số hàng vạn người được hẹn thực hiện trong một buổi, khiến khu vực cấp căn cước luôn quá tải, đông đúc; phụ huynh và trẻ em đều mệt mỏi.

Thậm chí một số phụ huynh còn nhận được thông báo nhà trường sẽ tạm dừng cấp thẻ học sinh, do công an đã cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, khiến phụ huynh lo lắng.

Một phụ huynh sinh sống trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Tôi thấy đông lắm, đông, mọi người cũng xếp hàng nhưng nhốn nháo. Chưa làm được. Anh em trong tầng cũng có người chở con ra rồi lại chở con về vì đông quá. Có một ngày nghỉ để đi làm thì ai cũng chạy ra để xếp hàng thì đông là đúng thôi".

PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi hoàn toàn mang tính tự nguyện, cấp theo nhu cầu, nên việc áp đặt của các trường là không cần thiết. Đặc biệt, việc một số trường học thông báo tạm dừng cấp thẻ học sinh để cấp căn cước cho trẻ em là không phù hợp, tạo tâm lý lo lắng cho trẻ:

"Môi trường sẽ có những thẻ riêng của trường người ta và có hệ thống thông tin quản lý học sinh riêng. Chẳng hạn của Bộ có mã định danh của học sinh riêng và mã đó Bộ phân loại theo các tiêu chí của họ để họ đưa ra các mã số đó. Khi về trường lại có mã số của trường theo phân loại của trường, ví dụ như học sinh khối mấy, hệ nào, chương trình nào để từ đó có mã riêng. Còn mã định danh của công an lại là mã khác".

Cán bộ Công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho công dân. Ảnh: CANDTheo TS. Luật sư Lê Văn Thiệp, Giám đốc Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Hà Nội), việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi để xác định mã định danh cho công dân, không mang tính bắt buộc. Thêm vào đó, những thông tin cơ bản của công dân đã được cập nhật từ khi làm thủ tục khai sinh cho trẻ, chứ không phụ thuộc vào việc cấp căn cước.

Ngoài ra, Luật Căn cước 2023 cũng không yêu cầu thời hạn hoàn thành việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, nên việc một số địa phương cấp tập thực hiện là không cần thiết và không đúng với tinh thần Luật Căn cước:

"Cơ quan công an cần đưa ra lộ trình, ví dụ các cháu trong các trường thì có thể làm luân phiên ở mỗi trường, mỗi lớp, làm thế nào để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho các cháu, không bị gây sức ép, không bị ảnh hưởng tâm lý, chứ không các cháu rất lo sơ, không biết cái đó để làm gì, nhưng lại tạo cho các cháu tâm lý hoảng loạn hoặc phải chờ đợi", TS. Luật sư Thiệp nêu ý kiến.

Theo Luật Căn cước 2023, trẻ dưới 14 tuổi được cấp căn cước theo nhu cầu của công dân. Phụ huynh, người giám hộ sẽ căn cứ nhu cầu thực tế để thực hiện.

Bởi vậy, việc cấp một cách ồ ạt, cấp tập, ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, đến công việc của cha mẹ hoặc người giám hộ là không cần thiết, nhất là khi sự chuẩn bị chưa được chu đáo, khoa học.

"Đừng bắt trẻ con phải có nhu cầu".

Việc triển khai luật Căn cước 2023 ngay khi luật vừa có hiệu lực thi hành, trong đó có nội dung liên quan đến cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, cho thấy sự vào cuộc tích cực của công an các địa phương, để đảm bảo quyền lợi của công dân và thúc đẩy tiến trình số hóa dữ liệu quản lý dân cư quốc gia, theo tinh thần của Chính phủ.

Tuy nhiên, nếu triển khai không khéo, có thể dẫn đến những hiểu nhầm của người dân về tinh thần của luật và chủ trương của Nhà nước.

Điều 19 Luật Căn cước 2023, có hiệu lực từ 1/7/2024 quy định: “Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”. Không hề có chữ “phải” ở đây. Như vậy, đây hoàn toàn là quyền lợi, và cơ quan công an chỉ giải quyết, đáp ứng trong trường hợp công dân có nhu cầu, có đề nghị. Quy định rất rõ ràng, không thể có cách hiểu thứ hai.

Nhu cầu xuất phát từ lợi ích. Luật Căn cước đã tiếp cận đúng hướng, khi chỉ ra lợi ích làm thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, viện dẫn tại các Điều 20, Điều 22 của luật này. Tựu trung: giao dịch hành chính sẽ thuận lợi hơn, 1 chiếc thẻ căn cước trước mắt sẽ thay cho giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, và có thể - đến một lúc nào đó, sẽ thay được cả hộ chiếu.

Lợi ích nếu thiết thực, cha mẹ trẻ em không bao giờ từ chối. Thậm chí, họ sẵn sàng bỏ công bỏ việc, thu xếp thời gian để đưa con đi làm căn cước sớm nhất.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, lợi ích mới chỉ là triển vọng, là khả năng. Một khả năng còn phụ thuộc vào rất nhiều biến số. Bởi với người lớn, căn cước công dân gắn chip dù đã làm từ mấy năm nay, mà các lợi ích so với chứng minh thư trước kia vẫn chưa có gì thật sự nổi bật. Quá trình tích hợp giấy tờ vẫn chậm và khó. Dữ liệu chưa thể đồng bộ được ngay. Người dân vẫn phải kê đi kê lại rất nhiều thông tin cá nhân mỗi khi giao dịch hành chính trong nước, ngay trong cùng một địa phương, chứ chưa nói gì xuất nhập cảnh.

Trong khi đó, phiền toái và áp lực bắt đầu xuất hiện. Phụ huynh buộc phải bỏ việc giờ hành chính để đưa con ra trụ sở làm căn cước theo lịch hẹn, mà không biết khi nào mới tới lượt và bao giờ mới xong, với cách tổ chức thiếu khoa học. Họ cũng không hiểu vì sao phải cấp tập như vậy, khi bản thân và con cái chưa có nhu cầu. Cầm một tờ giấy khai sinh, một tấm thẻ bảo hiểm y tế hay một chiếc thẻ căn cước khi đi bệnh viện, đi nhập học, đi máy bay nội địa, về cơ bản, không khác gì nhau.

Những đứa trẻ thì không hiểu vì sao phải ra trụ sở công an, dài cổ đợi chờ, để xem người lớn túm tụm hỏi han trong bồn chồn, bực bội. Khá hơn thì được đưa ra theo ca kíp, lịch hẹn với nhà trường, nhưng bị huy động đến trường đột xuất ngay trong kỳ nghỉ hè, vì một việc không phải nhu cầu của chúng, đã là chuyện không vui.

Chưa bàn về cách làm, song mục tiêu để triển khai cấp tập việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi là gì, đến nay chưa được minh bạch, và cũng chưa có lý do nào thuyết phục để phải cấp tập như vậy.

Nếu là vì mục tiêu quản lý, thì việc triển khai cũng chỉ thuận lợi trên cơ sở đồng thuận và hợp tác tự nguyện của người dân, để không gây phiền toái, và không làm ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khác của công dân được pháp luật bảo hộ.

Còn nếu mục tiêu là vì lợi ích của công dân theo đúng tinh thần của Luật Căn cước, thì phải để dân lựa chọn. “Công dân” - đối tượng được nhắc đến trong điều 19 Luật này, được hiểu là người được cấp căn cước, tức là trẻ em.

Cha mẹ, người giám hộ hay người lớn khác buộc trẻ em làm việc gì đó liên quan đến các em mà chưa hỏi ý kiến của trẻ, đã là trái với Luật Trẻ em.

Buộc trẻ em phải đi một việc mà chúng không có hoặc chưa có nhu cầu, (dù sự bắt buộc này chỉ là ngầm hiểu qua cách triển khai chứ không hiển thị trên giấy), trong khi Luật không hề bắt buộc, thì lại càng vô lý.

Ai vội, cứ vội. Nhưng đừng bắt trẻ con phải “có nhu cầu”.

Nhóm PV/vovgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận