Thực tế hiện nay đòi hỏi cần có lời giải cho bài toán quy hoạch đô thị nhằm hạn chế và chấm dứt tình trạng “cứ mưa lớn là ngập lụt”; bởi “quy hoạch là “chìa khóa” giải quyết úng ngập”.
Có một nghịch lý đang diễn ra, đó là, đô thị càng phát triển thì mức độ ngập úng càng nghiêm trọng. Một đô thị đang là đô thị loại 3 - 4 nhưng một thời gian sau phát triển lên đô thị loại 2, thì "bỗng nhiên” tình trạng ngập úng cũng gia tăng; còn có những đô thị cũ trước đây không ngập thì nay lại xảy ra ngập úng; có đô thị trước chỉ ngập ở mức độ nhẹ thì nay ngập nặng hơn.
Ngập úng đô thị ngày càng có xu hướng gia tăng cả về mặt không gian lẫn thời gian và lo ngại về mức độ úng ngập đô thị ngày càng trở nên nghiêm trọng là có cơ sở, nếu không có những giải pháp phù hợp.
Để tìm lời giải cho vấn đề này, trước tiên cần xem xét mối liên quan giữa các đồ án quy hoạch với vấn đề thoát nước đô thị. Bởi bất cập trong các đồ án này đã được chỉ ra là phương án phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan chưa có sự thống nhất, đồng bộ với phương án thoát nước chống ngập úng, lụt đô thị.
Vì thế, yêu cầu trước tiên là cần nâng cao chất lượng tổ chức lập quy hoạch đô thị trong đó nội dung về cao độ nền và thoát nước cần được chú trọng bao gồm cả việc thực hiện quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt.
Theo đó, nội dung quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt, cần được chú trọng tới các nhóm yếu tố ảnh hưởng để xem xét, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đặc biệt, cần sớm triển khai đồ án Quy hoạch (chuyên ngành) cao độ nền và thoát nước mặt sau khi quy hoạch chung xây dựng thành phố được phê duyệt. Đây cũng là cơ sở để rà soát, đánh giá, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nhằm chống ngập úng đô thị.
Ngoài ra, các đồ án quy hoạch đô thị hiện nay được thực hiện dựa trên nhiều số liệu, tư liệu về điều kiện tự nhiên, những số liệu điều tra khảo sát thực địa, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, cần có thêm cơ sở dữ liệu chính xác, cập nhật; có các nghiên cứu khoa học nghiêm túc để rà soát lại theo điều kiện hiện tại và dự báo cho tương lai để đảm bảo chất lượng đồ án quy hoạch. Việc thẩm định quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cũng cần được chú trọng hơn với đội ngũ cán bộ thẩm định có năng lực, chuyên môn và trách nhiệm cao.
Tiếp theo là khâu tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch đã được phê duyệt. Ở giai đoạn này, cần xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng cao độ nền và thoát nước của đô thị cũng như quản lý, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện các dự án trong khu vực đô thị theo các giai đoạn quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo mục tiêu phát triển bền vững đô thị Việt Nam tầm nhìn đến năm 2045, số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị và đến năm 2030 là khoảng 1.000 - 1.200 đô thị.
Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay và sắp tới, nếu những “lỗi” trong quy hoạch như vừa nêu không được sửa kịp thời thì những hậu quả từ ngập úng đô thị đến đời sống và hạ tầng đô thị sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và gần như không thể khắc phục.
Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Nên ngay từ bây giờ, rất cần có một quy hoạch tổng thể hệ thống tiêu thoát nước khoa học, phù hợp với sự phát triển đô thị.
Hệ thống tiêu thoát nước phải gắn với tầm nhìn phát triển đô thị cùng những giải pháp cụ thể để giải quyết các bật cập hiện nay liên quan đến các đồ án quy hoạch đô thị.
Chỉ khi làm được điều đó thì chúng ta mới có những đô thị hiện đại, văn minh và không úng ngập.
Theo VOV.VN