Chuyên gia: 'Bỏ đồng hồ đếm ngược trên đèn tín hiệu giao thông là phù hợp'

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 cho phép tất cả người điều khiển phương tiện được di chuyển qua đèn vàng.

 

TS Khương Kim Tạo: Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản… đều đã bỏ đồng hồ đếm giây vì cái được ít hơn hệ lụy. Bỏ đồng hồ đếm ngược, lái xe không cần quan tâm đến điều gì khác ngoài đèn tín hiệu giao thông “Đỏ - Xanh - Vàng”, từ đó có hành vi ứng xử cho phù hợp là an toàn

Cần nghiên cứu điều chỉnh thời gian đèn vàng cho phù hợp

Mới đây, TP.HCM đã thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu ở một số giao lộ lớn. Lý giải về việc này, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Võ Khánh Hưng, bộ đếm lùi giây tại các giao lộ giúp người đi đường nhận biết để có ứng xử khi gặp đèn giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, có tình trạng người dân tăng tốc vượt khi đèn xanh chỉ còn vài giây; hoặc cố vượt khi chưa hết đèn đỏ; người phía trước bị người phía sau nhấn còi nhắc nhở. "Việc hai bên đều tranh thủ vài giây là nguyên nhân dẫn đến va chạm giao thông. Từ thực tế này, Sở Giao thông Vận tải đã nghiên cứu bỏ bộ đếm giây và đã thí điểm ở 4 giao lộ", ông Võ Khánh Hưng thông tin.

TS. Khương Kim Tạo.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia cho rằng: “Việc bỏ đồng hồ đếm ngược trên đèn tín hiệu giao thông rất là đúng đắn và phù hợp. Việc làm của TP.HCM giúp có cái nhìn tổng thể để thấy áp dụng đồng hồ đếm ngược hiện nay có những mặt tích cực và tiêu cực gì để điều chỉnh cho phù hợp. Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản,… không còn sử dụng vì đồng hồ đếm giây mang lại cái được ít hơn hệ lụy. Nếu bỏ đồng hồ đếm ngược, lái xe không cần quan tâm đến điều gì khác ngoài đèn tín hiệu giao thông “Đỏ - Xanh - Vàng”, từ đó có hành vi ứng xử cho phù hợp là an toàn”.

Theo TS. Khương Kim Tạo, thời gian trên đèn vàng trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 đang quy định chưa rõ ràng nên nhiều người nhầm tưởng là cần phải xử phạt người điều khiển giao thông di chuyển qua đèn vàng. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 cho phép tất cả người điều khiển phương tiện được di chuyển qua đèn vàng.

“Không có chuyện xử phạt lái xe đi qua đèn vàng. Tiêu chuẩn giao thông quy định thời lượng của đèn vàng tùy thuộc vào tốc độ của phương tiện giao thông chạy đến nút giao và độ rộng của nút giao thông. Thông thường đèn vàng có thời gian từ 3-5 giây với những nút giao thông nhỏ và tốc độ quy định của phương tiện di chuyển đến nút thấp. Ngược lại những nút có khổ đường rộng, tốc độ cho phép cao hơn thì sẽ điều chỉnh thời gian của đèn vàng kéo dài cho phù hợp. Việc thiết kế này giúp lái xe trông thấy đèn vàng thì đủ thời gian, không gian để có thể dừng trước khi đèn đỏ bật lên. Vì vậy lái xe chỉ cần tuân thủ theo màu của đèn tín hiệu là đảm bảo an toàn. Mắt thường người lái xe nhìn con số trên đồng hồ đếm ngược sẽ chậm hơn so với đèn tín hiệu giao thông vì vậy các nước tiên tiến trên thế giới chỉ sử dụng đèn tín hiệu giao thông là vì thế. Ngoài ra, các cơ quan quản lý giao thông phải kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh thời lượng của đèn vàng phù hợp với tốc độ của phương tiện chạy đến và không gian giao thông tại các nút giao”, Tiến sĩ Khương Kim Tạo chia sẻ.

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông hiện nay làm chưa tốt, vẫn còn nhiều bất cập.

Đồng hồ đếm ngược giúp người dân không sốt ruột, chủ động thời gian chờ tín hiệu đèn là một ưu điểm. Nhược điểm được chuyên gia chỉ ra là người dân khi nhìn thấy 2 - 3 giây đèn đỏ đã đề nổ xe, di chuyển lấn vạch dừng trước thời điểm đèn xanh bật lên như vậy nguy cơ va chạm giao thông và vi phạm giao thông cũng từ đó tăng lên. Nếu như không bố trí đồng hồ đếm ngược, người lái xe vẫn quan sát đèn đỏ bình thường, khi đèn xanh bật người thì để nổ xe, thời gian này mất 1 - 2 giây, sau đó vào nút giao chậm 1 - 2 giây đó đảm bảo an toàn và trống hết hoàn toàn dòng xe đang di chuyển ra khỏi nút giao.

Một điểm nữa được chuyên gia đề cập đến là ở nước phát triển sử dụng đèn tín hiệu giao thông để hỗ trợ cho giao thông công cộng. Các phương tiện như xe buýt, tàu hỏa, xe cấp cứu,… được chạy theo chế độ ưu tiên. Ví dụ, xe buýt được gắn thiết bị báo cho bộ phận điều khiển đèn tín hiệu giao thông ở nút giao biết xe buýt sắp đến. Khi xe buýt tiến gần đến nút giao thông thì đèn tín hiệu sẽ ưu tiên màu xanh cho xe buýt. Tất cả hướng khác chuyển sang màu vàng và màu đỏ. “Nếu chúng ta dùng đồng hồ đếm ngược thì không áp dụng được chế độ đèn ưu tiên. Trước mắt, tại các nút giao thông chưa có chế độ cho xe ưu tiên thì có thể lắp đồng hồ đếm ngược để cho nhân dân có thể là yên tâm để chờ đợi. Nếu thành phố có ý định triển khai đèn tín hiệu ưu tiên cho các phương tiện đặc thù thì bỏ đồng hồ đếm ngược, nếu vẫn giữ sẽ không ứng dụng được công nghệ mới”, Tiến sĩ Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông hiện nay làm chưa tốt, vẫn còn nhiều bất cập

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị nêu quan điểm: "Thời gian đèn tín hiệu giao thông hiện nay ở một số nơi các cơ quan chuyên môn làm chưa tốt, vẫn còn nhiều bất cập. Không nên để thời gian đèn đỏ quá 1 phút, mà nhiều nhất nên để không quá 50 giây. Cần cắt khúc các dòng xe ra sẽ tốt hơn để một dòng xe hàng cây số kéo đến vấn đề ùn tắc càng nghiêm trọng. Những người điều hành đèn tín hiệu nghiên cứu kĩ, tham khảo mô hình các nước trên thế giới thực hiện như thế nào sao cho khoa học và hợp lý".

TS Nguyễn Xuân Thủy.

Đề cập về quan điểm bỏ đồng hồ đếm giờ ở các cột tín hiệu giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Đây là một sáng kiến, vì thực trạng vẫn có một số người điều khiển phương tiện quan sát thấy đèn tín hiệu còn lại ít giây nữa thì cố gắng vượt, gây ra những vụ va chạm, mất trật tự an toàn giao thông. Theo tôi chỉ nên bỏ đồng hồ đếm ngược ở đèn đỏ thì sẽ tốt hơn. Khi di chuyển qua đèn xanh vẫn biết được thời gian để di chuyển như thế nào, từ đó không có chuyện vượt hay tăng tốc vội vàng. Bỏ đồng hồ đếm ngược sẽ có tác dụng giúp người tham gia giao thông thiếu ý thức không vội vàng vô nguyên tắc, khả năng tai nạn giao thông sẽ giảm dần. Việc này sẽ không ảnh hưởng gì đến cái chung”, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, mấu chốt nhất vẫn là ý thức tuân thủ luật giao thông, nhận thức được là mình phải thực hiện đúng quy định: "Tuy nhiên, tâm lý của người tham gia giao thông rất quan trọng. Chính đồng hồ đếm ngược làm cho một số người chưa nhận thức đầy đủ hoặc ý thức kém vẫn có tâm lý còn vài giây nữa thì cứ vượt để tranh thủ thời gian. Người ta không muốn nhưng mà tâm lý, bản năng vẫn vượt. Cần nghiên cứu kỹ việc này, không phải hoàn toàn quyết định nhưng cũng có một bộ phận người dân có tâm lý cố tình vượt một số giây cuối không cần thiết gây ra va chạm giao thông. Đây cũng là dịp thí điểm để theo dõi kỹ, nếu tốt mới nhân lên chứ không nên áp dụng ngay".

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận