Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Thay đổi cách học, thi Ngoại ngữ thế nào?

Một trong những điểm mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là môn Ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc.

 

Một trong những điểm mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là môn Ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc. Đề thi Ngoại ngữ sẽ thay đổi thế nào cũng là nội dung được học sinh và giáo viên quan tâm.  

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng của chương trình GDPT 2006, đây cũng là dấu mốc khép lại một giai đoạn giáo dục, chính thức bước sang hoàn toàn một giai đoạn mới với những thay đổi và kỳ vọng mới. Năm 2025 sẽ là đợt thi đầu tiên của lứa học sinh theo chương trình giáo dục mới 2018. Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 kết thúc, ngoài việc chờ đợi kết quả của kỳ thi, nhiều giáo viên và học sinh cũng đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau.

Một trong những điểm mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là môn Ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc. Đề thi Ngoại ngữ sẽ thay đổi thế nào cũng là nội dung được học sinh và giáo viên quan tâm.  

Từ năm 2025, môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa)Thầy giáo Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên Tiếng Anh tại Hà Nội đánh giá, đề thi tốt nghiệp THPT 2024 có độ phân hóa khá tốt, đặc biệt độ phủ về mặt từ vựng trong bài rất đa dạng, xuyên suốt trong toàn bộ chương trình lớp 12, đồng thời có những chủ đề bài đọc hiểu gắn liền với thực tế của học sinh. Đây cũng là tín hiệu tích cực, để chờ đợi sự đổi mới từ năm 2025.

Bộ GD-ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, theo thầy Nguyễn Trung Nguyên, đề thi đang tiệm cận với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Do đó, học sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 cần thay đổi cách học ngay từ giờ, đề thi minh họa yêu cầu thí sinh cần mở rộng kiến thức, không chỉ học trong chương trình sách giáo khoa, mà cần tự tìm tòi, nghiên cứu, đặc biệt làm quen dần với các chương trình quốc tế.

“Dựa vào đề thi minh họa có thể thấy việc đổi mới dạng bài trong đề thi năm 2025 phần nào hướng tới mục tiêu người học sử dụng tiếng Anh trong cả học tập và giao tiếp, phát triển toàn diện 4 kỹ năng. Đề minh họa môn Ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT đã công bố có thể thấy có 3 dạng bài mới.

Về kiến thức, ngoài dạng bài điền từ vào đoạn văn truyền thống, đề minh họa năm 2025 còn có thêm bài điền từ vào dạng văn bản có tính thực tiễn như thông báo, quảng cáo. Số lượng câu hỏi cũng tăng lên. Về mặt kỹ năng, đề minh họa năm 2025 chú trọng nhiều về năng lực viết các văn bản.

Trong các đề từ năm 2024 trở về trước, thí sinh được yêu cầu viết câu gián tiếp qua các dạng bài chọn câu có nghĩa tương đương hay kết hợp câu. Còn ở đề thi năm 2025, thí sinh được đánh giá qua hai dạng mới là sắp xếp câu thành đoạn và điền câu/vế câu vào văn bản. Dạng thứ ba yêu cầu điền câu hoặc vế câu vào văn bản. Với dạng này, thí sinh cần thể hiện năng lực nhận diện tính thống nhất và kết nối trong văn bản để tạo nên mạch ý hoàn chỉnh”, thầy Nguyên nhận định.

Khi không còn là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp, thầy Nguyên cũng cho rằng, những thí sinh lựa chọn môn Ngoại ngữ cũng thường là những em yêu thích môn học này hoặc có định hướng sử dụng môn này để xét tuyển đại học.

Những năm gần đây, các trường đại học phổ biến phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ tiếng Anh. Tuy nhiên, thầy Nguyên cho rằng, học sinh không nên bó hẹp trong việc lựa chọn chứng chỉ IELTS, thay vào đó, thí sinh có thể lựa chọn các chứng chỉ khác phù hợp như  TOEIC hay chứng chỉ VSTEP theo khung năng lực 6 bậc của Bộ GD-ĐT.

Cô Nguyễn Việt Hoa, giáo viên Ngoại ngữ Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho rằng, theo đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố, cả giáo viên và học sinh sẽ cần định hướng lại cách học, làm quen với cách thi mới.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, việc xây dựng cấu trúc và định dạng đề thi để công bố cho giáo viên và học sinh nhằm phục vụ công tác dạy và học, tiến tới đảm bảo thi đạt chất lượng. “Những công tác về tổ chức thi Bộ sẽ sớm chỉ đạo, ban hành quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đến quý 4 năm 2024 sẽ công bố quy chế này.

Từ năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, mà trở thành một trong những môn thi tự chọn “bình đẳng” với các môn học khác. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của môn này chắc chắn sẽ không giảm sút, bởi việc có ngoại ngữ, có các chứng chỉ tiếng anh cũng sẽ giúp các em học sinh rộng đường hơn khi bước vào cánh cửa đại học" - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

N.T/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận