Bắt kịp dòng chảy trong kỷ nguyên số, những người làm báo phát thanh không chỉ đổi mới nội dung, đa dạng phương thức tương tác với thính giả mà còn ứng dụng ngày càng mạnh mẽ hơn các nền tảng số, giúp từng chương trình có thể “tìm đến” và đáp ứng nhu cầu “nhanh, tiện lợi, hấp dẫn” mà công chúng đang đòi hỏi.
Từ 10 giờ đến 11 giờ những ngày cuối tuần là khung giờ quen thuộc của chương trình phát thanh "Chuyện cùng bác sĩ" do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh sản xuất. Việc trò chuyện cùng chuyên gia, giải đáp thắc mắc các vấn đề về sức khỏe tuy không còn mới nhưng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, bởi ngoài phát sóng trực tiếp trên tần số FM 97,8 Mhz, chương trình còn được phát trực tiếp (livestream) trên trang mạng xã hội Chuyện cùng bác sĩ.
Bác sĩ Phạm Quang Huy, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, khách mời của chương trình chia sẻ: "Với việc thăm khám trực tiếp, chúng tôi chỉ có thể tư vấn và điều trị cho một số ít bệnh nhân, nhưng thông qua việc tham gia chương trình phát thanh trực tiếp chuyện cùng bác sĩ, những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, về các loại bệnh có thể lan tỏa đến rất nhiều người".
Lợi thế của mạng xã hội giúp chương trình chủ động tiếp cận với công chúng khi khán, thính giả "lướt" facebook hàng ngày, đồng thời cũng lan toả nhanh chóng hơn qua việc thích, chia sẻ (like, share). Các kiến thức y khoa thiết thực là một phần hấp dẫn, nhưng phần quan trọng hơn thu hút công chúng là việc họ được nghe - xem - hỏi đáp trực tiếp với người dẫn chương trình và khách mời qua bình luận, giải đáp các câu đố để nhận phần quà, thay vì hình thức gọi điện hay gửi email truyền thống. Nhờ đó, hơn 6 năm qua với khoảng 600 chương trình livestream, chuyện cùng bác sĩ đều nhận được hàng nghìn lượt bình luận, like, share và tới cả vạn lượt xem từ công chúng khắp nơi, không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tiếp nối thành công của chuyện cùng bác sĩ, năm 2022, những người làm phát thanh ở Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh tiếp tục sản xuất chương trình Music+. Cũng là kết hợp livestream trên fanpage, tuy nhiên chương trình có cách thức tương tác sáng tạo hơn khi các khách mời sẽ hát và biểu diễn nhạc cụ trực tiếp, từ các giọng ca Nghệ sĩ Vùng mỏ nổi danh đến các bạn trẻ không chuyên đam mê âm nhạc, các em thiếu nhi 9-10 tuổi. BTV Nguyễn Hữu Khánh, đạo diễn, MC của Music+ cho biết, nhờ việc không ngừng đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị cho phát thanh, gần 80 chương trình đã thực hiện luôn có chất lượng tốt nhất khi đến với khán thính giả.
Qua nhận phản hồi trực tiếp, từng đạo diễn, MC có thể điều chỉnh nội dung ngay lập tức trên sóng: "Khách mời chính là linh hồn của chương trình với giọng hát nội lực, đặc biệt. Họ hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn các chủ đề, về tình yêu, về cuộc sống. Khi lên sóng họ hát và trao đổi với MC hết sức tự nhiên, tương tác gần gũi và cuốn hút, do đó tôi nghĩ đó là điều thu hút với khán thính giả khi theo dõi chương trình".
Ứng dụng công nghệ thông tin, phát thanh Quảng Ninh duy trì các chương trình, chuyên mục theo mô hình “Tòa soạn hội tụ” tích hợp truyền thông đa phương tiện, đặc biệt từ sau khi thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh qua hợp nhất các cơ quan báo chí cấp tỉnh năm 2019. Nhờ đó, việc tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí đa loại hình, trong đó có phát thanh ngày càng tinh gọn, hiệu quả hơn.
Nhà báo Nguyễn Thu Giang, Trưởng phòng Biên tập Phát thanh, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Các BTV, PV ngoài kỹ năng cơ bản thì luôn cập nhật các xu thế mới, phát huy tính tự chủ độc lập để dành con người, nguồn lực để thực hiện chuyên môn sâu hơn, có thời gian để chăm chút hơn cho tác phẩm của mình. Chúng tôi đang có lộ trình xây dựng các chương trình tăng tính tương tác, gần gũi, thực tế hơn trên các nền tảng số".
Hiện nay Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã đưa 2 kênh phát thanh Thời sự chính trị tổng hợp (QNR1) và Văn hóa - Du lịch - Đối ngoại (QNR2) từ analog truyền thống lên các nền tảng số của đơn vị như báo điện tử Quảng Ninh, ứng dụng Quảng Ninh Media trên thiết bị di động thông minh, đồng thời tận dụng các nền tảng số khác để livestream, sản xuất podcast… Tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2022, chương trình Phát thanh trực tiếp của đơn vị cũng đạt giải Ứng dụng nền tảng số.
Nhà báo Nguyễn Thị Thiện, Phó Tổng Biên tập, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện công chúng có thể tiếp cận các chương trình phát thanh của đơn vị mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị, từ radio đến máy tính, điện thoại di động, đa dạng cả nội dung và hình thức thể hiện. Với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực tại địa phương, phát thanh Quảng Ninh càng cần đổi mới hơn nữa để thích ứng với thời đại số hiện nay.
"Công nghệ đang hỗ trợ rất nhiều cho việc tác nghiệp, sản xuất phát thanh. Chúng tôi đang quan tâm đến các chương trình dạng podcast, hay ứng dụng AI - tuy nhiên đây cũng là câu chuyện đòi hỏi sự đầu tư cũng như những bước đi cẩn trọng trong quá trình ứng dụng để phục vụ thính giả. Quan trọng là tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, bởi chúng tôi quan niệm rằng, nền tảng nào thì yếu tố nội dung vẫn là quan trọng nhất", nhà báo Nguyễn Thị Thiện nói.
Người làm báo phát thanh từng nói vui rằng, mình chỉ “nổi tiếng” chứ không “nổi hình”. Nhưng giờ đây, với các nền tảng số đa dạng, họ không chỉ cần đầu tư vào hình ảnh mà còn cần nâng cấp cả các kỹ năng số, đổi mới tư duy tổ chức sản xuất đa nền tảng, tạo ra các sản phẩm báo chí có tính chất số hóa nhiều hơn. Qua đó, những người làm báo nói ở địa phương không chỉ phục vụ công chúng của mình hiệu quả hơn, mà còn góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa bàn./.
Theo VOV.VN