Hàng trăm nhà xe đăng ký vào bến Giáp Bát, Nước Ngầm rồi 'biến mất'

Theo Sở GT-VT TP. Hà Nội, hiện có hàng trăm nhà xe đăng kí hoạt động vận tải khách tại các bến xe của TP nhưng lại không hoạt động trong bến xe.

 

Theo báo cáo mới nhất (tháng 4/2019) của Công ty quản lý bến xe Hà Nội gửi Sở GT-VT Hà Nội, trong vòng 2 tháng cao điểm (tháng 12/2018 và tháng 1/2019) tại Bến xe Giáp Bát, có 66 đơn vị đăng ký vận tải có số lượt chuyến hoạt động dưới 70% quy định. Nhiều nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động đủ thời gian quy định, thậm chí có tới hàng trăm nhà xe cả tháng không chạy chuyến nào.

Đáng chú ý, trong số này có 27 đơn vị vận tải “vắng mặt” hoàn toàn. Có thể kể đến như: Công ty cổ phần Khánh Tám đăng ký hoạt động hai đầu bến Giáp Bát - Mỹ Lộc, Giáp Bát - Nam Trực; Công ty TNHH Hải Thắng tuyến Giáp Bát - TP Ninh Bình; HTX vận tải ô tô TP Ninh Bình đăng ký 2 nốt xe đều chạy vào khung giờ “vàng” 13h05 và 15h35 tuyến Giáp Bát - Kim Sơn - Lai Thành; Công ty THNN Minh Dũng đăng ký chạy tuyến Giáp Bát - Kim Sơn với 4 khung giờ/ngày; Công ty Cổ phần du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường chạỵ tuyến Giáp Bát - Tam Điệp; HTX 27/7 tuyến Giáp Bát - Thái Nguyên; Công ty TNHH vận tải CIV tuyến Giáp Bát - Miền Đông...

Bến xe Giáp Bát có có 66 đơn vị đăng ký vận tải có số lượt chuyến hoạt động dưới 70% quy định

Ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác như: HTX dịch vụ du lịch Sài Gòn, Công ty TNHH Đại Phát; Công ty vận tải hành khách Cao Nguyên; Công ty TNHH Thuỳ Dương; Công ty CP Du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường... cũng mới chỉ đáp ứng từ 20 - 60% số lượt chuyến theo quy định.

Báo cáo cũng cho biết, tình trạng nhà xe “bỏ bến” còn diễn ra căng thẳng hơn ở bến xe Nước Ngầm. Thống kê cho thấy, cũng với thời gian như trên, tại bến xe Nước Ngầm có tới 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động. Điển hình như HTX dịch vụ vận tải ô tô Nam Danh chạy tuyến Nước Ngầm - Bến xe Đồng Hới có giờ xuất bến là 19h hàng ngày. Tuy nhiên, đơn vị này đã không hoạt động.

Tương tự, Công ty TNHH TM và VT Hoàng Sơn chạy tuyến Nước Ngầm - Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bỏ bến từ tháng 9/2018; Công ty Cổ phần quốc tế Mỹ Đình, Công ty TNHH TM DV VT Hoàng Yến, Công ty CP vận tải Nam Trực, HTX vận tải Thăng Long, HTX CPDV KD vận tải hành khách Nghệ An, HTX DVVT Bình Minh...cũng “bỏ bến” không hoạt động, thậm chí nhiều đơn vị còn không đăng ký hoạt động vận tải khách năm 2019.

Trong khi các hoạt động trong bến xe khá "đìu hiu" thì ngoài đường liên tiếp xuất hiện những chiếc xe tuyến Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình tạt đầu vào đón lõng khách tại tụ điểm bến cóc khu vực đường Trần Thủ độ gần bến xe Nước Ngầm.

Trong khi hoạt động trong bến đìu hiu thì tình trạng bắt khách dọc đường diễn ra rất sôi động.

Trước thực trạng hàng trăm nhà xe đăng ký “lốt” (slot) tại các bến xe của TP, sau đó bỏ ra ngoài “hát rong”, bắt khách dọc đường, Sở GT-VT TP. Hà Nội vừa yêu cầu Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội từ chối phục vụ một tháng với hơn 100 ô tô khách. Nguyên nhân là các nhà xe này đăng ký chạy tuyến cố định nhưng không thực hiện đủ 70% số chuyến đã được phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội (đơn vị quản lý bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm), về bản chất các xe khách này đã dừng hoạt động, không ra vào bến nhiều tháng nay nên việc từ chối phục vụ hay cắt lốt chỉ mang tính hình thức, văn bản.

"Trước đây, số chuyến lượt của các doanh nghiệp thường đạt 100%, chỉ trừ trường hợp xe hỏng hóc... Còn giờ nhà xe họ nêu đủ lý do như khách ít hơn hay xe hỏng để giảm số chuyến lượt ở bến. Khi nhà xe giảm số chuyến lượt, hành khách sụt giảm bến cũng bị ảnh hưởng”, ông Toàn khẳng định.

Ông Toàn lý giải thêm, "do có quá nhiều nhà xe cùng đăng ký một tuyến nên cung vượt quá cầu". Còn nguyên nhân khác nữa, từ khi xuất hiện các loại hình xe hợp đồng, công nghệ đưa đón khách tận nơi, hoạt động ở bến xe cũng ít sôi động hơn, nhiều nhà xe bỏ bến ra ngoài hoạt động.

Bên cạnh việc từ chối phục vụ hơn 100 xe, Sở GT-VT Hà Nội cũng đề nghị các Sở Giao thông các tỉnh, thành khác khác thu hồi phù hiệu với hàng trăm xe của nhiều đơn vị vận tải; chỉ đạo các bộ phận liên quan giám sát hành trình nhằm phát hiện các xe cố tình chạy sai, dừng đỗ, đón trả khách, bốc xếp hàng hoá không đúng quy định để thu hồi phù hiệu.

Nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển sang bến Nước Ngầm, hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng. Từ chỗ đầy khách, sau khi chuyển địa điểm mỗi xe xuất bến chỉ có 2-3 khách. Do vắng khách, nhiều xe hoạt động cầm chừng, hoặc bắt khách dọc đường gây mất trật tự an toàn giao thông.

Box: Đầu năm 2017, để tránh ùn tắc giao thông nội đô thành phố, tránh tình trạng xe khách chạy xuyên tâm, Hà Nội đã điều chuyển hàng chục nhà xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An...từ bến Mỹ Đình (đường vành đai 3 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) sang đón trả khách tại bến Nước Ngầm (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai), cách bến cũ gần 15km.

Nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển sang bến Nước Ngầm, hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng. Từ chỗ đầy khách, sau khi chuyển địa điểm mỗi xe xuất bến chỉ có 2-3 khách. Do vắng khách, nhiều xe hoạt động cầm chừng, hoặc bắt khách dọc đường gây mất trật tự an toàn giao thông.

Phi Long/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận