Giảm giờ làm và 'bài toán' năng suất lao động

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 xuống 44, tiến tới 40 giờ.

 

Lần thứ hai trong nửa năm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 xuống 44, tiến tới 40 giờ. Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với khu vực, trong khi số giờ làm việc thuộc nhóm cao.

Liệu đề xuất này có phù hợp? Làm thế nào để vừa đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút đầu tư, vừa giúp người lao động (NLĐ) có thêm thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động?

Giảm giờ làm việc là mong muốn hoàn toàn chính đáng của người lao động và phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, lộ trình và cách thức triển khai thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. (Ảnh minh họa: Internet)

Hoàng Mai Thư, nhân viên văn phòng tại Đống Đa (Hà Nội), dành khá nhiều thời gian cho hoạt động thể chất sau giờ làm việc, với quan điểm: phải vui khỏe thì công việc mới chất lượng. Vì vậy, Thư rất ủng hộ đề xuất giảm giờ làm việc trong tuần:

"Khung thời gian đấy khá là hợp lý, khi mình có nhiều quỹ thời gian cho bản thân hơn thì nó cũng sẽ cân bằng cuộc sống, tập thể dục hoặc học nhảy sau giờ làm chẳng hạn. Em có đọc một bài báo, không nhớ là ở nước nào đấy, người ta đang đề xuất làm 50% lên văn phòng, 50% có thể làm tự do, chứ không phải lúc nào cũng lên văn phòng. Thay đổi môi trường làm việc có thể tăng hiệu suất công việc lên tốt hơn".

Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn NLĐ hưởng lương theo thời gian ủng hộ. Nhưng với người ăn lương theo sản phẩm, họ mong muốn được tăng lương hơn là giảm giờ làm:

"Nếu giảm giờ làm mà không ảnh hưởng mức thu nhập của mọi người thì tốt. Làm ở những khu công nghiệp này thì người ta chỉ trông mong vào giờ làm thêm để có thêm thu nhập".

"Một tuần mình được làm thêm 3 - 4 ngày là 12 tiếng. Như bọn mình được tầm 10 triệu đồng, mà mức sống ở Hà Nội thế này là không đủ, tiền ăn, tiền nhà, tiền sinh hoạt, con cái,… thực sự rất là tốn. Phân bổ như thế nào cho hợp lý chứ không phải giảm giờ làm".

Theo TS. Nguyễn Thị Liên, Trưởng bộ môn Quản trị nhân lực doanh nghiệp, Trường đại học Thương mại, đề xuất giảm giờ làm việc theo lộ trình là phù hợp cơ sở khoa học, thực tiễn và xu thế chung của thế giới. Các nghiên cứu đã chứng minh giảm giờ làm giúp NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, có thêm thời gian cho gia đình, tham gia các hoạt động xã hội, đem lại lợi ích về an sinh, xã hội. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi NLĐ có thể toàn tâm toàn ý với công việc, giảm sai sót, hiệu quả lao động tăng lên.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Liên cho rằng, giảm giờ làm cần thực hiện theo lộ trình để cơ quan quản lý có thể điều chỉnh trước phản ứng thực tế của doanh nghiệp và NLĐ. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác truyền thông đến mọi đối tượng về mục tiêu, lợi ích của việc giảm giờ làm, giảm giờ làm không đồng nghĩa giảm thu nhập, tránh hiểu lầm dẫn đến không đồng thuận, giảm hiệu quả chính sách.

PGS. TS. Cao Văn Sâm, Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, chuyên gia cao cấp về đào tạo, việc làm cũng ủng hộ đề xuất giảm giờ làm việc để cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết 101 năm 2019 của Quốc hội. Tuy nhiên, giảm giờ làm là câu chuyện “muôn thuở” ở cả các quốc gia phát triển, vấn đề cơ bản nhất là đã đủ điều kiện thực hiện hay chưa, điều kiện về NSLĐ và khả năng đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho NLĐ.

"Thứ nhất, chúng ta phải nghiên cứu một cách căn cơ, có cơ sở khoa học và thực tiễn để có lộ trình phù hợp giữa giảm giờ làm và tăng năng suất lao động. Có nhất thiết áp dụng đồng loạt không, hay cần thời gian thí điểm ở những đơn vị đã có đủ điều kiện? Thứ hai, cơ quan chức năng phải có nghiên cứu, khảo sát, giữ được nguyên tắc giảm giờ làm nhưng không giảm thu nhập của NLĐ, và không ảnh hưởng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, cần khuyến khích NLĐ nâng cao kỹ năng, góp phần nâng cao NSLĐ".

Nhìn nhận từ góc độ của doanh nghiệp, bà Nancy Ngô Thị Bích Quyên, Phó chủ tịch BNI Việt Nam, chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực cho rằng, dù những quy định tốt hơn cho NLĐ là cần thiết nhưng cần xem xét đa chiều, tính toán tác động với phía doanh nghiệp:

"Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có NSLĐ không cao, trong khi giá tiền công, tiền lương của chúng ta thời gian gần đây không còn là thấp nữa. Tâm lý chung của giới trẻ hiện nay là làm việc thử trong một vài lĩnh vực rồi tìm cơ hội khác, hoặc nghĩ rằng mình xứng đáng có một cơ hội tốt hơn. Chủ doanh nghiệp thực sự cần NLĐ có NSLĐ tốt, đôi khi thời gian không phải vấn đề. Phải cân nhắc lợi ích giữa hai bên là chủ sử dụng lao động và NLĐ, làm thế nào để hài hòa, làm sao để doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí, cạnh tranh với thị trường về mặt giá cả".

Để giải quyết “bài toán” vừa đảm bảo sự cạnh tranh, thu hút đầu tư của quốc gia, vừa giúp NLĐ đảm bảo thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, TS. Nguyễn Thị Liên cho rằng “chìa khóa” là tăng NSLĐ.

"Doanh nghiệp phải áp dụng khoa học - công nghệ để tự động hóa, để quy trình làm việc được cải thiện, môi trường làm việc tốt. Doanh nghiệp cũng cần đào tạo nhân lực thích nghi với công việc mới, có nhiều sáng tạo hơn, tạo ra nhiều sản phẩm tiên tiến hơn.

Còn NLĐ sẽ phải ý thức rằng họ phải luôn luôn học hỏi để hoàn thiện bản thân, thích ứng với môi trường luôn thay đổi như hiện nay. Từ phía nhà nước, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách để kích thích sự sáng tạo, đổi mới; tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp thụ hưởng những chương trình về đổi mới, sáng tạo. Nhà nước cũng cần tăng mức lương tối thiểu để NLĐ đủ sống, để họ yên tâm làm việc và cống hiến".

Thu nhập của người dân ngày một tăng cao, mong mỏi được giảm giờ làm việc, tăng thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi và vui chơi của người lao động (NLĐ) là hoàn toàn chính đáng và phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới. Giảm giờ làm là việc chắc chắn phải thực hiện trong tương lai, nhưng thời điểm nào, lộ trình và cách thức triển khai ra sao thì cần cân nhắc kỹ lưỡng./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận