Theo thống kê, số vụ việc bạo hành tại bệnh viện xảy ra trong năm 2017-2018 nhiều hơn so với các năm trước đây. Cụ thể, năm 2017 xảy ra 13 vụ, nhiều hơn so với tổng số 12 vụ xảy ra trong cả 3 năm 2014, 2015, 2016; và so với tổng số 10 vụ trong cả 3 năm 2011, 2012, 2013.
Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% số vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
Trước thực tế phức tạp như vậy, trong dự thảo về Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện và an toàn cho người hành nghề.
Theo đó, ngành y tế sẽ tập huấn cho thầy thuốc và nhân viên y tế về tinh thần và thái độ phục vụ, ứng xử và các biện pháp phòng ngừa, xử lý nguy cơ gây mất an ninh bệnh viện và an toàn cho người hành nghề; thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ gây mất an ninh bệnh viện và an toàn cho người hành nghề tại các địa điểm dễ xảy ra xung đột giữa người hành nghề với người bệnh và người nhà người bệnh; Không cho phép người nhà người bệnh vào khu vực thực hiện kỹ thuật chuyên môn của khoa cấp cứu, trừ trường hợp có yêu cầu của bác sĩ trực tiếp điều trị cho người bệnh.
Đặc biệt, Bộ Y tế kiến nghị: Lực lượng an ninh bệnh viện được phép sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và phải được đào tạo về kỹ năng nhận diện các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và biện pháp xử lý tình huống.
Đồng thời được ký hợp đồng bảo vệ với cơ quan công an trên địa bàn. Ngoài ra Bộ Y tế cũng đưa ra giải pháp xử lý người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tinh thần của thầy thuốc, nhân viên y tế hoặc gây mất an ninh bệnh viện: Buộc phải xin lỗi công khai và tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.
Trước đề xuất này của Bộ Y tế, LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, Thành viên Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng việc bố trí lực lượng an ninh được trang bị công cụ hỗ trợ trong các bệnh viện là điều cần thiết. Và lực lượng này nên được thuê từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo vệ, đáp ứng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đây cũng là giải pháp mà rất nhiều nước áp dụng để bảo đảm an ninh. “Thêm biên chế thì không nên, mà tôi thấy nên chuyên môn hóa, thuê những lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp sẽ tốt hơn cho bệnh viện. Và việc cấp phép sử dụng, quản lý những công cụ hỗ trợ thì trong Luật cũng đã có quy định rất rõ” - Luật sư Hậu nêu ý kiến.
LS Nguyễn Văn Hậu cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh những xung đột, mâu thuẫn có thể nảy sinh giữa y, bác sỹ với người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân, thì việc có lực lượng an ninh chuyên nghiệp được trang bị công cụ hỗ trợ là điều cần thiết để bảo đảm an ninh bệnh viện. Trong các bệnh viện hiện nay đều có lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ hiện nay hầu như không phải là lực lượng tinh nhuệ.
Do đó cần phải củng cố lực lượng bảo vệ trong các bệnh viện, đủ tinh thông, đủ sức khỏe với công cụ phù hợp có sức mạnh ngăn chặn, khống chế, xử lý tình huống bước đầu, đi cùng với quy trình ứng phó, quản lý nghiêm ngặt để đề phòng rủi ro.
Từ ngày 24/1/2019, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý và giải quyết ban đầu các vụ việc liên quan đến ANTT báo đến số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của công an địa phương.
Tuy nhiên, để ngăn chặn từ đầu, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế đóng vai trò rất quan trọng. Trước một số vụ việc hành hung y bác sĩ xảy ra đầu năm 2018, bác sỹ Trần Vũ Quang, khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nêu ý kiến: “Tất nhiên có những yếu tố khách quan như sự quá tải của bệnh viện thì người nhà bệnh nhân cũng phải thông cảm cho bệnh viện, bác sĩ. Song là người bác sĩ, chúng ta phải biết việc nào nên xử lý trước và việc nào xử lý sau cho hợp lý. Sự việc xảy ra là bài học cho chính những bác sĩ trẻ, làm sao cho mình hoàn thiện hơn kỹ năng giao tiếp, tế nhị, khéo léo…qua đó hoàn thiện chính mình”.
Theo Phương Thảo/vovgiaothong.vn