Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.
"Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp", ông Đức cho biết.
TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm, chứng chỉ này cũng được cấp ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Nếu coi nhà giáo là một nghề thì cũng cần có chứng chỉ, nghề nhà giáo rất cao quý, đặc biệt hơn, nhưng không có nghĩa chúng ta đứng ngoài vòng pháp luật. Việt Nam chưa bao giờ cấp chứng chỉ cho nhà giáo bởi đất nước trải qua thời kỳ dài chiến tranh, điều kiện kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Để có đội ngũ giáo viên cho bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục toàn đất nước đã rất khó khăn, thời kỳ đó chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT, thậm chí học hết lớp 9 đã có thể đi dạy. Nhưng đó là thời kỳ lịch sử.
Hiện nay bối cảnh đất nước đã khác, xã hội hiện đại, chúng ta đang phấn đấu vươn lên trở thành đất nước phát triển, thì giáo dục cũng phải vượt lên”, TS Nguyễn Văn Hòa nhận định.
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, đào tạo đại học trong mấy chục năm gần đây có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa sát thực tế.
Ở cương vị là lãnh đạo một hệ thống trường phổ thông, nhà tuyển dụng, TS Nguyễn Văn Hòa cho biết, sinh viên sau khi tốt nghiệp sư phạm nếu không được đào tạo riêng về mặt nghiệp vụ thì khó có thể đứng lớp dạy học sinh: “Trường chúng tôi khi tuyển các em vừa ra trường đều phải mất 1 năm để đào tạo thêm, nhà trường trả lương để các em dự giờ, học nghiệp vụ. Thế nhưng sau 1 năm cũng chỉ có khoảng 70% làm được việc, 30% còn lại vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Nếu không được đào tạo lại, đào tạo thêm, khi dạy giáo viên không có nghiệp vụ, năng lực sự phạm, học sinh rất thiệt thòi”.
Từ thực tế này, TS Nguyễn Văn Hòa cho rằng, đã đến lúc sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm phải được bồi dưỡng nghiệp vụ lại để cấp chứng chỉ hành nghề.
“Một người giáo viên có thể làm thầy của 30.000 người nếu dạy trong 30 năm làm nghề. Nếu người thầy đó không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ thì sẽ làm hại cho cả một thế hệ”, TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, nếu cấp chứng chỉ hành nghề theo thời hạn 5 năm 1 lần, giáo viên sẽ buộc phải tự bồi dưỡng, tự học, tự làm. Việc học trong 4 năm để đi làm cả đời không còn phù hợp trong bối cảnh xã hội, khoa học phát triển, thay đổi không ngừng như hiện nay.
Theo đó, giáo viên có thể đi học thêm, cũng có thể tự học, miễn là có các đợt kiểm tra để cấp lại chứng chỉ, tránh tình trạng bao năm làm nghề năng lực vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đây cũng là giải pháp để phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo.
Về việc cấp chứng chỉ, TS Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT phải là cơ quan đứng ra kiểm tra và cấp chứng chỉ, không thể giao cho các trung tâm, càng không thể để các trường đại học tự lồng ghép chương trình, tự cấp, tránh tình trạng “vừa đánh trống, vừa thổi còi”. Việc cấp chứng chỉ cần tập trung vào nâng cao năng lực, nghiệp vụ dạy học, hay chính là kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên – điều mà các trường sư phạm đang cố gắng nhưng vẫn chưa làm được khi chương trình dạy còn nặng kiến thức, thời gian thực tập ngắn.
“Việc cấp chứng chỉ hành nghề giúp các thầy cô thay đổi, các trường đại học thay đổi, xã hội cũng thêm tin tưởng và yên tâm về những người làm công tác giáo dục. Và hơn hết, học sinh là người được hưởng lợi nhiều nhất”, TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi, vì sao cần có chứng chỉ hành nghề cho giáo viên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, dạy học trước đây, vào những năm 60 được quan niệm là một hoạt động mà ai cũng có thể làm được miễn là có trình độ văn hóa nhất định, mang nặng tính nghiệp dư. Chỉ đến năm 1966, sau khi UNESCO công bố khuyến nghị về nhà giáo, mới có một mệnh đề rất quan trọng là dạy học là một nghề.
“Đối với thế giới, khái niệm một lĩnh vực nào đó là một nghề thì đó là bước chuyển rất quan trọng cho một khái niệm nào đó. Để một việc làm trở thành một nghề trên thế giới thì phải được đào tạo có trình độ đại học, phải có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp, phải có chứng chỉ hành nghề và có tổ chức nghề nghiệp. Khi công bố, dạy học là một nghề thì đương nhiên đẩy vị thế của việc dạy học lên và buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, muốn dạy học, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề. Điều này khẳng định, nghề giáo không phải là một hoạt động nghiệp dư nữa mà là một hoạt động chuyên nghiệp”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh.
Nguyễn Trang/VOV.VN