Cấm cho thuê nhà trọ kết hợp kinh doanh để ngăn hỏa hoạn: Chuyên gia nói gì?

  • 27/05/2024 02:30:00
  • VTC.News.vn
  • Xã hội
  • 0

Sau vụ hỏa hoạn tại Trung Kính (Hà Nội), đề xuất cấm cho thuê nhà trọ kết hợp kinh doanh, nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy, được người dân quan tâm.

 

Bình luận về đề xuất này, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) cho rằng thay vì cấm, nên thực hiện ngay các biện pháp như: Phân định vùng quản lý theo mức cảnh báo sớm rủi ro (an toàn, an toàn thấp, đặc biệt mất an toàn) dựa trên các tiêu chí mật độ cư dân của khu, chiều rộng của ngõ, liên kết các lối đi lại, khả năng thoát hiểm và đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

Đồng thời, hạn chế cho kinh doanh nhà ở cho thuê tại các quận trung tâm có mật độ dân số cao và những ngõ quá hẹp mà xe chữa cháy không thể vào được.

Bên cạnh đó, Nhà nước nên có quy định chuẩn về các nhà dân kết hợp kinh doanh cho thuê nhà ở theo các tiêu chí: Ngõ rộng thối thiểu bao nhiêu, xe chữa cháy vào được không (cỡ lớn, cỡ nhỏ…), xây cao tối đa bao nhiêu tầng, số căn tối đa, số lượng người ở tối đa, đáp ứng về chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy.

"Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát định kỳ và bất thường và xử phạt hành chính hay dừng giấy phép kinh doanh nếu vi phạm", ông Huy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đối với nhà ở kết hợp kinh doanh cho thuê trọ thì không nên cấm một cách cực đoan.

Bởi lẽ đây là nhu cầu bình thường của chủ sở hữu nhà. Vấn đề cần thiết ở đây là các cơ quan quản lý phải quản chặt, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy. Nếu đảm bảo mới cho phép kinh doanh.

Phân tích về vụ cháy kinh hoàng tại Trung Kính vừa qua, ông Châu cho hay, tầng 1 và sân của ngôi nhà bị cháy được dùng làm nơi sửa chữa xe đạp điện, chứa nhiều vật tư, linh kiện, phụ tùng của xe điện, dụng cụ sạc, nạp bình ắc quy...Đây là những vật liệu gây cháy nổ cao. Trong khi đó, Luật Nhà ở nghiêm cấm sử dụng chung cư cũng như nhà ở riêng lẻ vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ.

Hồi 00h46’ ngày 24/5/2024, xảy ra vụ cháy tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Vì vậy, việc cho thuê trọ kết hợp kinh doanh như vậy phải cấm theo quy định. "Vấn đề này cần xem xét công tác quản lý của địa phương", ông Châu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng cần kiểm tra, rà soát các chung cư mini, nhà trọ để yêu cầu tuân thủ các quy định về kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, phải có lối thoát nạn đảm bảo.

Nếu công trình nào không đảm bảo các điều kiện theo quy định thì kiên quyết cấm kinh doanh.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề hành Quốc hội sau vụ cháy tại Trung Kính khiến 14 người chết, đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, các cấp chính quyền cần phải mạnh tay hơn, rà soát lại toàn bộ khu nhà cho thuê, khoanh vùng các khu có nguy cơ cao, nếu không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy, phải mạnh tay xử lý.

Cũng theo ông An, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về dự Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi. Ông đề xuất, nếu cần thiết có thể thiết kế một mục riêng về phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở.

Riêng với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu An cho rằng phải có phương án, giải pháp phòng cháy và ngăn cháy. Cụ thể, phải cấm loại hình kinh doanh (nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy) kết hợp phòng trọ.

"Tôi cho rằng, đối với nhà ở mà kết hợp kinh doanh với cho thuê trọ là phải cấm. Rà soát đánh giá cho kỹ lưỡng, chúng ta chấp nhận mất 1 thời gian chuyển tiếp, chuyển đổi để người dân ổn định", ông An kiến nghị.

Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật, cho rằng do đặc thù Hà Nội, TP.HCM là nhà trong ngõ ngách rất nhiều nên không ít gia đình thường cho thuê nhà trọ, đặt kinh doanh, kể cả mặt hàng dễ cháy, nguy cơ cháy nổ.

Do vậy, trước hết các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ các nhà ở cho thuê trọ kết hợp với kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ. Nếu phát hiện nơi có nguy cơ cao cháy nổ, đe dọa tính mạng người dân ở đây và không có lối thoát hiểm phải có biện pháp yêu cầu cưỡng chế, thiết kế, xây dựng thêm các lối thoát hiểm, vật cản.

Về lâu dài, khi xem xét dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại kỳ họp thứ 7 này cũng nên nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn, quản lý loại hình này.

Trong đó, nên nghiên cứu cấm nhà ở cho thuê trọ đông người kết hợp với kinh doanh mà không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Đồng thời rà soát lại yêu cầu, tiêu chuẩn cho phép kinh doanh các mặt hàng dễ cháy ở khu đông dân cư như kinh doanh các loại xe đạp, xe máy điện, hóa chất, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao...

Từ đó, cần thiết có yêu cầu khắt khe hơn về phòng cháy chữa cháy trong những trường hợp này.

"Nói cách khác, với các nhà ở dạng này mà trong các ngõ hẹp, đường nhỏ, không thể thiết kế được hệ thống thoát hiểm, chữa cháy...thì cần xem xét cấm. Việc này để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, xã hội chứ không có nghĩa không quản được thì cấm", ông Hòa nêu ý kiến.

Châu Anh/vtcnews.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận