Phân chia lại vùng lương tối thiểu: Có ảnh hưởng việc thu hút lao động?

Mới đây, Bộ LĐ- TB &XH đề xuất Chính phủ phân lại vùng tiền lương tối thiểu, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 

Điều này có ảnh hưởng đến việc thu hút lao động ở các địa phương. Những nơi không điều chỉnh vùng lương, liệu có bị mất đi sức hút?

Thu hút nguồn lao động

Tại tỉnh Bình Phước, mức lương tối thiểu vùng theo dự thảo Nghị định mới thì vẫn giữ nguyên. Cụ thể, vùng II có TP.Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú. Vùng III bao gồm các thị xã Phước Long, Bình Long và các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Phú Riềng. Vùng IV bao gồm các địa bàn còn lại là huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, Bù Đăng.

Trước đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã lấy ý kiến của các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn, liên minh hợp tác xã để góp ý, đề xuất việc tăng vùng cho Nghị định mới. Thế nhưng, chỉ có Liên đoàn lao động tỉnh đề xuất tăng vùng II lên vùng I đối với thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú.

Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, do không đủ điều kiện nên địa phương không đề xuất điều chỉnh vùng lương tối thiểu. Tuy nhiên, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị, doanh nghiệp để xem xét tăng vùng lương trong năm 2025.

Hiện, Bình Phước có khoảng 400.000 lao động trên toàn tỉnh. Bà Mai Hương cho hay, việc tăng vùng, tăng lương sẽ thu hút lao động đến Bình Phước, song, cũng sẽ gây áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc chi trả lương cho người lao động: “Từ vùng II lên vùng I thì số tiền lương sẽ chênh lệch tương đối nên doanh nghiệp sẽ cân đối lại khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Theo đó, thay vì họ tuyển 100 lao động thì doanh nghiệp sẽ thu gọn lại số lao động để đảm bảo hoạt động. Bởi mức lương tăng sẽ đồng nghĩa với chi phí tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp”.

Còn UBND tỉnh Long An cũng đã đề xuất, điều chỉnh vùng II lên vùng I với thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, vùng III lên vùng II với thị xã biên giới Kiến Tường.

TP.Tân An được xem là đô thị “cửa ngõ” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc giáp ranh với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, do vậy, điều kiện sinh hoạt, giá cả thị trường, mức sống khá tương đồng với các quận huyện (giáp ranh) của TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - thương binh và Xã hội tỉnh Long An, thời gian qua giá cả thị trường, điều kiện sinh hoạt tại TP.HCM áp dụng mức lương tối thiểu vùng I, trong khi đó các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc giáp ranh nơi có nhiều khu cụm công nghiệp quy mô lớn lại áp dụng vùng II. Sự chênh lệch này dẫn tới việc dịch chuyển, xáo trộn thị trường lao động tại Long An.

Ông Tánh cho biết, hiện Long An có trên 980.000 lao động, trong đó có 370.000 lao động làm việc trong các khu cụm công nghiệp. Từ nay đến cuối năm 2024, các doanh nghiệp của Long An đã có nhiều đơn hàng mới, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng gia tăng.

Bên cạnh đó với những chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ tại địa phương, việc đào tạo phát triển nguồn lao động đang được chú trọng.

Do vậy, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới sẽ góp phần rất lớn cho sự ổn định thị trường lao động trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đối với thị xã Kiến Tường, nơi có Khu kinh tế cửa khẩu và Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, giáp ranh tỉnh Svay Rieng của Campuchia, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng II sẽ thu hút người lao động, giúp họ gắn bó với doanh nghiệp, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ông Nguyễn Đại Tánh cho biết thêm: "Với quyền lợi của người lao động khi tăng mức lương tối thiểu vùng lên thì lương hàng tháng với người tham gia bảo hiểm xã hội cũng tăng theo. Về lâu dài, sau này khi người giải quyết các chế độ chính sách người lao động cũng sẽ được nhận cao hơn, phù hợp hơn với những chính sách hiện tại".

Doanh nghiệp thích nghi, giữ chân lao động

Tại TP.HCM, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động – Thương binh và xã hội cho biết, qua tổ chức lấy ý kiến các địa phương, doanh nghiệp, liên đoàn lao động…TP.HCM thống nhất giữ nguyên phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định Nghị định 38/2022 của Chính phủ.

Cụ thể, thành phố Thủ Đức và các quận, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc vùng I, riêng huyện Cần Giờ thuộc vùng II.

Ông Cường cho hay, lý do UBND huyện Cần Giờ vẫn đề xuất vùng II là vì giao thông đi lại ở đây vẫn khó khăn cách trở, xa trung tâm thành phố, dẫn đến các chi phí phát sinh trong đầu tư sản xuất.

Hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhiều đơn vị tìm cách để tránh những tác động khác. Do đó, việc giữ nguyên phân chia vùng như cũ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, tạo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động.

Giải thích cho thắc mắc: Các vùng lân cận tăng vùng lương tối thiểu sẽ thu hút lao động có làm giảm sức hút của TP.HCM?, ông Nguyễn Bảo Cường nhấn mạnh, việc xác định lương tối thiểu căn cứ vào tình hình phát triển sản xuất kinh doanh ở địa phương: “Mức lương trả cho người lao động căn cứ trên cơ sở công việc đó, năng suất và hiệu quả, cũng như một số yếu tố liên quan đến khả năng của doanh nghiệp và đầu vào cho sản xuất kinh doanh, căn cứ vào khăn năng, tay nghề, căn cứ vào nhiều yếu tố khác để xác định mức lương thỏa thuận của hai bên. Tại TP.HCM mức lương chi trả rất cao rồi để đảm bảo đời sống người lao động, đảm bảo thu hút và giữ chân họ”.

Lao động ngành thủy sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh Lưu Sơn).

Trong khu vực Đông Nam bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không đề xuất điều chỉnh vùng lương tối thiểu. Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Việc làm - Lao động -Tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh cho biết, các doanh nghiệp trả mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng buộc phải điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu vùng. Trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp giày da, may mặc, thuỷ sản… với khoảng 50.000 lao động sẽ bị tác động điều chỉnh.

Cũng theo ông Hùng, hiện tại, nhiều doanh nghiệp nhiều ngành như dầu khí, xây dựng …trên địa bàn đã trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng. Các đơn vị này không phải điều chỉnh theo tăng lương tối thiểu vùng, vì họ đều đã có những chính sách nâng lương, nâng bậc đáp ứng đời sống của người lao động…Do đó, chỉ còn một số ít doanh nghiệp trên địa bàn buộc phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khi đề xuất được thông qua.

Nhóm PV VOV -TPHCM
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận