Như VOVGT đã thông tin, sau một thời gian thí điểm bỏ bộ đèn đếm ngược tại nút giao Võ Chí Công - Xuân La, Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn (Tây Hồ, Hà Nội) để áp dụng hệ thống đèn giao thông thông minh, Hà Nội đã khôi phục lại bộ đèn đếm ngược tại những nút giao này.
Thường xuyên lưu thông trên trục đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), chị Bùi Thị Thu (ở Đông Anh, Hà Nội) khá bất ngờ khi đầu tháng 4 vừa qua Hà Nội đã bỏ hệ thống đèn đếm ngược tại các nút giao Võ Chí Công - Xuân La và Võ Chí Công- Nguyễn Hoàng Tôn.
Mỗi lần chờ đèn đỏ lên đến 80 giây, thậm chí chiều từ Xuân La đi Lạc Long Quân, đèn đỏ lên tới 120 giây, khiến chị Thu rất sốt ruột: "Bỏ đèn đếm ngược nó có một hạn chế là mình không đoán nhận được đèn đỏ nó sẽ đến phút nào thì chuyển sang màu xanh để thuận lợi cho tâm thế khởi động xe cho kịp tốc độ và người đang đi thì đến lúc nào phải dừng ngay. Việc báo trước rất tốt cho bản thân người lái xe".
Theo tìm hiểu của VOV Giao thông, trong tháng 4 vừa qua, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đã thí điểm bỏ bộ đèn đếm ngược tại 2 nút giao này để điều chỉnh đèn tín hiệu theo tình hình giao thông thực tế. Tuy vậy, cuối tháng 4 vừa qua, khi chưa thông báo kết quả thí điểm, Hà Nội đã khôi phục hệ thống đèn đếm ngược tại các nút giao này.
Trước đó, năm 2018, Hà Nội cũng từng thí điểm lắp đặt ứng dụng công nghệ mới, điều chỉnh pha đèn theo tình hình giao thông thực tế tại nút Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng - Mễ Trì… song cũng phải tạm dừng khi chưa có kết quả cụ thể.
Nhiều người tham gia giao thông cũng mong muốn tiếp tục duy trì đèn đếm ngược:
"Nó cũng hơi bất cập vì nếu đang từ xanh sang đỏ mà không có đèn giây thì nhiều lúc sẽ không phanh kịp".
"Lúc đang báo đỏ rồi nhoằng cái lại sang xanh hoặc từ xanh nhảy sang đỏ. Tôi đã phanh gấp mấy lần ở đây rồi, nhưng mà nay tôi thấy đèn tín hiệu đã đảm bảo, đi trên trục đường này tôi thấy cũng an toàn rồi".
Thạc sĩ Lê Văn Đạt, Trưởng phòng ATGT, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nhìn nhận, điều chỉnh đèn tín hiệu theo tình hình giao thông thực là một hình thức áp dụng trí tuệ nhân tạo vào tổ chức giao thông. Đó là tín hiệu đáng mừng, song hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì bộ đèn đếm ngược để người dân nắm bắt thông tin về trạng thái đèn giao thông một cách chủ động:
"Đèn đấy để cho người ta có thể lường trước được là có mấy giây nữa là hết đèn xanh và người ta ở một khoảng cách ước lượng không thể vượt lên được thì đáng ra người ta phải dừng lại chứ không phải cố đi. Cái đấy liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông. Chứ còn cung cấp thông tin như vậy rất tốt".
Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cũng đồng tình với việc đưa công nghệ mới vào tổ chức giao thông, hướng đến viên hiện đại hóa hệ thống đèn tín hiệu, song với việc bỏ đèn đếm ngược khi thí điểm điều chỉnh đèn tín hiệu theo giao thông thực tại nút giao Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn, Võ Chí Công - Xuân La lại không thật sự phù hợp.
Bởi, đa số người tham gia giao thông tại các đô thị là xe máy, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không biết thời gian chờ đèn tín hiệu là bao lâu dễ khiến người tham gia giao thông sốt ruột:
"Việc có bố trí đếm ngược hay không, liên quan đến tâm lý của người điều khiển giao thông thôi. Nếu chưa có thí điểm, nếu chưa lấy ý kiến, chưa nghiên cứu, khảo sát thì đó là cái cần cân nhắc. Thứ 2, cái này cũng không ảnh hưởng gì lớn đến vấn đề điều khiển giao thông thông minh cả, vì vậy, theo tôi bộ phận nghiên cứu, trước khi quyết định trình hoặc thực hiện, cần có nghiên cứu thấu đáo hơn", ông Doãn Minh Tâm cho biết.
TS Đào Huy Hoàng, Viện KHCN GTVT cũng đánh giá cao vai trò cung cấp thông tin của hệ thống đèn đếm ngược: "Quan điểm cho rằng có đèn đếm ngược tức là sát giây cuối, còn 2-3 giây thì người ta sẽ bứt phá, ra khỏi vạch chờ đèn, thực ra tư tưởng như vậy nó không đúng. Quan điểm đó chỉ dành cho một vài đối tượng người ta không tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ thôi".
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cũng phân tích, một bộ phận người tham gia giao thông có thể “ăn gian” khi xuất phát sớm hơn hoặc cố đi khi đèn đã chuyển sang vàng không nên được coi là lý do để bỏ bộ đèn đếm ngược:
"Đấy là những hành vi sai luật, nhiệm vụ của CSGT là xử lý những hành vi sai luật và nhiệm vụ trong công tác đào tạo, cấp bằng lái xe phải làm rõ điều đó để người tham gia giao thông biết và tuân thủ. Tất cả những hành vi sai đó khiến chúng ta đang biến một thứ tốt thành một thứ xấu, nên những hành vi đó phải được xử lý".
Thông minh dần đều
Việc điều chỉnh pha đèn theo tình hình giao thông thực là nhu cầu thiết yếu tại các nút giao, các trục giao thông có lưu lượng phương tiện đông đúc một chiều.
Tuy vậy, muốn thí điểm hệ thống đèn giao thông thông minh thì lộ trình phải phù hợp từng bước, công nghệ phải phù hợp điều kiện xã hội và con người, thông minh từ tất cả các bên, từ cả người tham gia giao thông, chứ không chỉ mình hệ thống đèn.
Cản trở lớn nhất để ứng dụng các công nghệ thông minh vào đèn tín hiệu giao thông cho đến thời điểm này, được xác định là thói quen, tập quán giao thông và đặc điểm phức tạp của một nền giao thông hỗn hợp.
Khi giao thông quá áp lực, khi việc di chuyển ở đô thị đang mất quá nhiều thời gian, việc tận dụng từng giây đèn xanh quý báu ở mỗi nút giao là tâm lý hết sức bình thường. Thực tế trong quá trình điều khiển giao thông, lực lượng chức năng cũng thường hướng dẫn lái xe di chuyển khẩn trương nhất có thể mỗi khi đèn chuyển xanh hoặc khi hướng khác đã ngớt xe, để tối ưu hóa khả năng lưu thoát, tránh dồn ứ kéo dài trước đèn tín hiệu.
Hành vi nôn nóng, cố dấn ga để vượt qua nút giao ở những giây đèn xanh cuối cùng, tất nhiên là tiềm ẩn rủi ro, nhưng đó là một phản ứng bình thường, một phản xạ có điều kiện của người tham gia giao thông, do ám ảnh phải chờ đợi quá lâu đã trở thành nỗi sợ.
Những hối thúc phía sau của cả đoàn người khiến họ phải canh từng giây đèn đỏ, bởi có muốn khởi hành chậm cũng không xong.
Ùn tắc giao thông ở đô thị sẽ còn là câu chuyện dài. Các kế hoạch tăng mức độ đáp ứng của vận tải công cộng lên 35 - 40% còn phải đợi mạng lưới đường sắt đô thị, mà đến nay mới chỉ có một tuyến đầu tiên. Và chừng nào áp lực đi lại vẫn cao, thì khi đó, việc kêu gọi người dân thong thả đi chậm dần khi gần đến ngã tư bất luận đang đèn xanh – như trong quy tắc của Luật Giao thông đường bộ - gần như là bất khả thi.
Quy tắc trên giống như mục tiêu hướng tới của cả hành trình, để đạt được một nền giao thông vừa trật tự quy củ, an toàn, lại vừa nhân văn. Nhưng trên từng chặng, các mục tiêu cụ thể cần phải khác nhau.
Trong điều kiện số đông vẫn đang phải cố gắng để thực hiện nghiêm ngắn việc chấp hành đúng tín hiệu của đèn giao thông, thì đặt ra yêu cầu người lái xe tự giác đến độ thấy cần phải chậm lại, vì mình và vì người khác, là một cái gì đó hơi xa, có phần đốt cháy giai đoạn.
Bởi thay đổi ý thức là cả một quá trình. Sự chấp hành đang còn ở trạng thái miễn cưỡng. Vẫn còn đó hành vi sẵn sàng đối phó khi vắng bóng lực lượng chức năng, thì kêu gọi tự giác ở mức độ cao là rất khó.
Câu chuyện về những trúc trắc trong quá trình ứng dụng công nghệ mới vào các cụm đèn tín hiệu giao thông, chỉ là một ví dụ cho thấy, còn nhiều thách thức đặt ra nếu muốn xây dựng một nền giao thông thông minh dựa trên công nghệ.
Công nghệ sẵn sàng hỗ trợ, nhưng với điều kiện, con người và môi trường đều đã sẵn sàng cho những phương thức thông minh.
Đèn muốn thông minh, con người cần hào hứng với lợi ích mang lại của công nghệ thông minh đó. Khi người thụ hưởng mới chỉ mong “được đi” và “đi được”, thì các mục tiêu gần nhất nên hướng đến việc làm thế nào để họ có thể đi lại trật tự hơn, không bị đan cài vào nhau giữa các pha đèn, hoặc giảm được thời gian chờ đợi.
Đèn muốn thông minh, thì cách lựa chọn và đưa công nghệ vào từng bước cũng cần đi kèm tính toán thông minh. Ở đó, những sức ì của tập quán, thói quen, những áp lực và quán tính của dòng di chuyển, nhịp độ của giao thông, và cả vận tốc trung bình của các khu vực thí điểm, phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng, để phương án thí điểm không biến thành một trở ngại.
Sự thí điểm để dọn đường cho công nghệ thông minh, nên đi kèm với các hoạt động truyền thông sâu rộng trước và trong suốt quá trình thí điểm, để người dân chủ động hợp tác. Các cam kết cần được đưa ra để người tham gia thí điểm thấy yên tâm, không bị rơi vào rủi ro pháp lý.
Sự thí điểm nếu chưa thành công, nên có phân tích đánh giá lý do, để không uổng phí, và tránh sự hiểu lầm, dẫn đến phản ứng bất lợi của người thụ hưởng đối với công nghệ thông minh.
Sự thông minh là giải pháp để giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Nhưng ở chiều ngược lại, với tư cách là một mục tiêu, sự thông minh nên là cái đích đặt ra khi việc đi lại đã đạt trình độ ngay ngắn, nề nếp và bớt căng thẳng.
Bởi, cũng như con người, nói về các ý tưởng thông minh là điều gì đó xa vời, nếu như đầu óc và cơ thể đều đang vật vã với đủ thứ gồng gánh và sức ép nặng nề./.
Theo VOV.VN