Kinh nghiệm làm PPP nhìn từ cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Từ 2 dự án đoạn tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ GTVT đã có nhiều kinh nghiệm quý về thu hút đầu tư dự án PPP giao thông.

 

Sau khi hai đoạn tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo chính thức thông xe, việc đi lại của người dân đã được thuận tiện hơn so với lưu thông trên QL1. Cũng từ 2 dự án này, Bộ GTVT đã có nhiều kinh nghiệm quý về thu hút đầu tư dự án PPP giao thông.

Hoàn thành gần 130km cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP

Tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49km đi qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đã thông xe khoảng 30km từ đầu tuyến đến nút giao với Quốc lộ 46B đoạn qua huyện Hưng Nguyên, Nghệ An dịp 30/4. Đoạn còn lại 19km có nền đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài tuyến 79km, với tổng mức đầu tư là 8.925 tỷ đồng; Cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải; Nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả.

Dự án có chiều dài 49,3km, đi qua hai tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km) được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.067 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án tiếp nối dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu tại nút giao Quốc lộ 7 và điểm cuối tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc nút giao Quốc lộ 8 nối cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi.

Tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 làm chủ đầu tư.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận là 2 dự án PPP mới được thông xe.

Còn một dự án PPP khác là cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận do Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Công ty Đầu tư xây dựng 194 đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng với chiều dài 78,5km, điểm đầu tại Km54+00 kết nối với tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, điểm cuối tại Km134+00 kết nối với tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Dự án được khởi công ngày 30/9/2021, tổ chức khánh thành công trình vào chiều 28/4/2024, vượt kế hoạch một tháng so với thời gian dự kiến.

Sau khi có thêm 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác dịp 30/4 (tổng chiều dài 129km), cả nước đã có 1.206km cao tốc trên trục Bắc - Nam.

Thủ tướng dự lễ khánh thành Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sau khi thông tuyến, thời gian từ Hà Nội về TP Vinh (Nghệ An) còn 3,5 giờ thay vì mất 5 giờ nếu đi QL1 như hiện nay. Còn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, quãng đường từ TP.HCM đến Nha Trang (Khánh Hoà) được rút ngắn còn gần 5 giờ đi xe ô tô thay vì phải mất 8 giờ đi theo QL1.

Bài học cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý khi thực hiện dự án PPP

Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo là hai đoạn tuyến cuối cùng thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thông xe, đưa vào sử dụng. Thực tiễn triển khai các dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã rút ra được nhiều bài học về thu hút đầu tư dự án PPP.

Thủ tướng tặng quà cho các công nhân thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Theo diện Ban QLDA 85, dự án PPP muốn thực hiện hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng là phải thẩm định kỹ lưỡng, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực. Quyết định tiến độ của dự án là vốn. Vì thế, cần chọn được nhà đầu tư "mạnh về gạo, bạo về tiền".

Như dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, bên cạnh tiềm lực sẵn có, nhà đầu tư đã chủ động đề xuất, huy động các nguồn vốn hợp pháp, duy trì ổn định dòng tiền cho công trường hoạt động xuyên suốt.

Theo ông Nguyễn Viết Huy - Cục phó Cục đường cao tốc Việt Nam, dự án PPP giao thông muốn hiệu quả cả về tiến độ và chất lượng, các nhà đầu tư phải có sự đồng điệu và "chia lửa".

Ngày 20/4, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng) tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

“Tiếp đó, tài chính là vấn đề cốt lõi của dự án đầu tư theo phương thức PPP. Nếu nhà đầu tư không có thế mạnh về tài chính, quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể các phát sinh”, ông Huy nói.

Để thu hút nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trong thời gian tới, ông Huy nhìn nhận, những tuyến giao thông đầu tư tới đây đều dự báo là lưu lượng xe lưu thông không nhiều như các tuyến cao tốc Bắc – Nam, do đó, để thu hút nhà đầu tư, Nhà nước, Chính phủ cần tăng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước, không phải là 50/50 nữa, mà phải tăng thêm. Ví dụ như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng mới được khởi công gần đây là Nhà nước 70, vốn doanh nghiệp 30 %. Khi có vốn mồi đủ mạnh, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia vào nhiều dự án hơn.

Thực tế khi so sánh 2 tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49km với tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng và tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km với tổng mức đầu tư 7.985 tỷ đồng, nhiều người không khỏi “giật mình” về sự chênh lệnh suất đầu tư.

Thông xe cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt ngày 24/4.

Cụ thể, hai tuyến cao tốc này đều cùng được đầu tư xây dựng 4 làn xe, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km, tổng mức đầu tư là 11.157 tỷ đồng, suất đầu tư là 226 tỷ đồng/km, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách là 451 tỷ đồng, tương đương 12%;

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km với tổng mức đầu tư 7.985 tỷ đồng, suất đầu tư là 102 tỷ đồng/km, tiết kiệm ngân sách 892 tỷ đồng, tương đương 18%.

Bên cạnh đó, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với chiều dài gần gấp đôi cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, tính từ thời điểm ký hợp đồng dự án, ký hợp đồng tín dụng đến khi hoàn thành là 1.003 ngày, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là 1.081 ngày. Trong khi cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã thông xe toàn tuyến, còn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vẫn còn gần 19km đang thi công chưa thể về đích.

Về nguyên nhân có sự chênh lệch lớn giữa 2 đoạn tuyến cao tốc này, đại diện Cục đường cao tốc Việt Nam cho biết, do cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua địa bàn có nhiều dân cư, mức đền bù lớn. Mặt khác, đoạn tuyến cao tốc này do phải xử lý nền đất yến nhiều, có nhiều cầu, hầm hơn nên mức đầu tư tăng cao hơn so với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được lắp đặt hệ thống quản lý giám sát giao thông thông minh ITS.

Ở góc nhìn khác, PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) phân tích: Với các dự án xây dựng, nhất là dự án giao thông, công tác tổ chức thi công khoa học, hợp lý sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định đến tiến độ của dự án.

Áp dụng công nghệ quản trị hiện đại cùng dàn máy móc thi công tiên tiến sẽ đẩy nhanh tốc độ thi công và kiểm soát tốt chất lượng công trình. Biện pháp thi công sẽ quyết định đến tiến độ.

“Với các dự án hạ tầng giao thông, nhất là dự án PPP, việc rút ngắn thời gian thi công, quản lý chất lượng công trình tuân thủ nguyên tắc “làm tốt ngay từ đầu” không chỉ góp phần làm giảm giá thành suất đầu tư cho mỗi km đường xuống, giảm cho ngân sách Nhà nước mà còn mang lại hiệu quả đầu tư do dự án được đưa vào khai thác sớm và chất lượng công trình được kiểm soát sẽ giảm chí phí bảo hành, bảo trì. Vì vậy, đối với các dự án PPP, đảm bảo thành công không chỉ cần chọn được Nhà đầu tư có năng lực, đặc biệt năng lực tài chính nhưng Nhà đầu tư cần phải chọn được nhà thầu có năng lực tổ chức thi công với đầy đủ các máy móc cơ giới hiện đại”, ông Chủng nói.

Toàn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, với tốc độ tối đa cho phép là 90km/h.

Để có thêm nhiều nhà đầu tư PPP giao thông, ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất là bình đẳng và đồng hành.

Quá trình triển khai, cơ quan có thẩm quyền cần phân công đầu mối phối hợp cụ thể, song hành cùng doanh nghiệp dự án đẩy nhanh thủ tục các hạng mục điều chỉnh, phát sinh (nếu có). Các hạng mục điều chỉnh thay đổi so với hợp đồng ký kết cũng cần sớm xác định rõ đâu là trách nhiệm của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trong đầu tư dự án PPP, Nhà nước cần giao quyền nhiều hơn cho các nhà đầu tư, từ khâu nghiên cứu dự án, thiết kế, thi công. Nói cách khác, Nhà nước chỉ ra đầu bài dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật sau đó nghiệm thu theo quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật. Giải pháp thi công thế nào, ứng dụng công nghệ ra sao sẽ do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chủ động.

Lấy năng lực, kinh nghiệm thi công để bỏ giá thắng thầu:

Đại diện liên danh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khẳng định, khi xem xét hồ sơ mời thầu dự án này, đơn vị của ông đã quyết định dứt khoát là giảm giá thành dự án xuống, bù lại là lấy lợi thế năng lực thi công, máy móc hiện đại bù vào giá thành, như vậy mới thắng được các nhà thầu khác.

“Tất cả mọi người đều thấy, chúng tôi cam kết bằng uy tín và chất lượng. Không phải nhận thầu thấp mà chất lượng không đảm bảo, tiến độ chậm. Ở dự án này chúng tôi đã hoàn thành trước tiến độ 1 tháng. Còn chất lượng thì đã được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng) tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo ngày 24/4.

“Tại cuộc họp, tổ chuyên gia và các thành viên Hội đồng nhận định, công tác nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư cơ bản phù hợp theo quy định, đáp ứng yêu cầu thiết kế và đã hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan. Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cơ bản đủ điều kiện để Hội đồng chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện theo quy định để đưa công trình vào khai thác, sử dụng”, đại diện nhà thầu cho biết./.

Theo VOV.VN

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận