Nguyên nhân nào khiến các lò hơi phát nổ?

Theo chuyên gia, những nồi hơi được vận hành hay sửa chữa phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định rất khắt khe.

 

Liên quan vụ nổ lò hơi ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn gỗ Bình Minh, tỉnh Đồng Nai khiến 6 người chết, chiều 1/5, Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo nhanh về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng này.

Theo đó, vụ nổ xảy ra tại khu vực nồi hơi, xưởng bán thành phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn gỗ Bình Minh. Công ty hoạt động trong lĩnh vực gia công, chế biến đồ gỗ.

Hiện trường vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai.Doanh nghiệp có khoảng 200 lao động, thời điểm xảy ra vụ tai nạn lao động có 42 công nhân đang làm việc. Công ty lắp đặt một nồi hơi dạng ống nước, công suất sinh hơi 1.000kg/giờ ở bên ngoài, cạnh vách tôn xưởng bán thành phẩm.

Trong quá trình sử dụng, công ty phát hiện có trục trặc về mặt kỹ thuật. Doanh nghiệp này đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến để bảo dưỡng, sửa chữa vào ngày 30/4.

Tuy nhiên, đến sáng 1/5, cán bộ kỹ thuật của công ty vào kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ, gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng.

GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, việc vận hành nồi hơi được quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ LĐ-TB-XH về Ban hành danh mục các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Theo quy định, thiết bị này phải kiểm định 1 lần/năm, người lao động vận hành nồi hơi thuộc nhóm 3, phải huấn luyện rất kỹ càng về an toàn vệ sinh lao động 5 ngày/năm. Tức những nồi hơi này được vận hành hay sửa chữa phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định rất khắt khe.

GS.TS Lê Vân Trình cho biết, trong các vụ việc nguyên nhân nổ nồi hơi do quá áp lực. Tuy nhiên, thông thường, nồi hơi sẽ có đồng hồ hiển thị về áp suất và có van an toàn. Với hoạt động chế biến gỗ, nồi hơi thuộc dạng bình thường, 1-10 tấn hơi/giờ, áp lực 8kg/cm2. Nếu vượt quá chỉ số này, nồi sẽ phải xả bớt hơi bằng van an toàn hoặc ngừng cấp lửa cho nồi hơi.

Chuyên gia cho rằng, nồi hơi phát nổ khi đồng hồ đo áp lực bị hỏng hoặc van an toàn bị hỏng hay có vết nứt nhỏ ở nồi hơi. Với vụ việc ở Đồng Nai, nồi hơi đang trong quá trình chạy thử, sửa chữa, theo GS.TS Lê Vân Trình, họ đang đốt để kiểm tra nồi hơi thì xảy ra vụ việc thương tâm, nguyên nhân có thể rơi vào những lý do trên, song cụ thể cần cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận.

Khoản 4.2 Điều 4 QCVN: 01- 2008/BLĐTBXH có quy định về sửa chữa nồi hơi, bình chịu áp lực như sau:

Người sở hữu nồi hơi, bình chịu áp lực phải căn cứ vào tình trạng sử dụng an toàn của các thiết bị theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hoặc của người chế tạo để xây dựng kế hoạch kiểm tra, sửa chữa thiết bị nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng.

Người tiến hành công việc sửa chữa phải lập phương án, quy trình sửa chữa và các biện pháp an toàn kèm theo.

Khi sửa chữa các bộ phận chịu áp lực phải được tiến hành theo quy trình sửa chữa đã được lập cùng với các biện pháp an toàn.

Đối với các bình chịu áp lực bình làm việc với các môi chất độc phải tiến hành thu hồi, khử độc theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn. Nghiêm cấm xả môi chất độc ra môi trường. Các bình làm việc với các môi chất có thể gây cháy nổ phải tiến hành làm sạch, đuổi khí theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn và phải kiểm tra đạt nồng độ an toàn trước khi sửa chữa.

Khi sửa chữa chỉ được thay thế vật liệu, chi tiết chịu áp lực bằng vật liệu, chi tiết có tính chất và chất lượng tương đương.

Khi sửa chữa các bộ phận bên trong của nồi hơi, bình chịu áp lực phải tuân thủ các quy định về an toàn điện hạ áp; đèn điện dùng để chiếu sáng có điện áp không quá 12V.

Cấm dùng đèn dầu hoả và các đèn khác có chất dễ bốc cháy.

4.2.7. Mọi công việc lắp đặt, sửa chữa có liên quan đến hàn các chi tiết chịu áp lực phải do thợ hàn có giấy chứng nhận hàn áp lực (được quy định tại Điều 8.3  của Quy chuẩn này) thực hiện. Số lượng mối hàn, phương pháp và mức độ kiểm tra thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành

4.2.8. Khi hoàn thành việc sửa chữa, người sửa chữa nồi hơi, bình chịu áp lực phải ghi rõ ngày tháng năm sửa chữa, lý do và kết quả sửa chữa vào lý lịch của thiết bị.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận