Ngày 1/2/2016, Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt ra quân xử lý người đi bộ vi phạm Luật Giao thông tại những nút giao thông trọng điểm nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, dường như quy định này đang bị “chìm” dần, số lượng trường hợp người đi bộ bị xử phạt rất ít và tình trạng người tràn lan đi bộ dưới lòng đường, sang đường không đúng nơi quy định vẫn rất phổ biến.
Lái xe Vũ Xuân Tuyến không tránh khỏi ngán ngẩm:"Người đi bộ ở các thành phố lớn ý thức chấp hành luật chưa cao, ảnh hưởng đến an toàn của bản thân họ và cộng đồng xung quanh. Có khi họ rất gần cầu đi bộ rồi, họ cũng không đi qua vì ngại trèo cao".
Thực tế cho thấy, đã có không ít vụ va chạm xảy ra do người đi bộ mải nghe điện thoại hay cố tình băng qua dải phân cách để qua đường, nhất là tại những tuyến đường giao thông đông đúc hay những tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ.
Thậm chí, đã có nạn nhân thiệt mạng vì đã đi bộ trên đường cao tốc vào ngày 14/1/2019 trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa qua. Sở dĩ có tình trạng này, theo nhiều ý kiến cho rằng mức xử lý vi phạm đối với hành vi đi bộ sai quy định hiện đang quá thấp. Theo họ, với mức phạt 60.000 - 80.000 đồng như hiện nay chưa đủ sức răn đe mà cần tăng nặng hơn.
Theo đại diện lực lượng CSGT, hiện nay công tác xử lý vi phạm đối với người đi bộ sai quy định gặp khó khăn do người đi bộ không mang theo giấy tờ, tiền để xử phạt tại chỗ. Trong khi đó, việc xác định nhân thân và thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với người đi bộ cũng còn nhiều bất cập.
Hiện nay, theo Điều 260 Luật Hình sự quy định: Người đi bộ sai luật gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên; hoặc làm chết người; hoặc gây thiệt hại từ 100.000 triệu đồng thì phạt tù đến 5 năm. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng khác, người đi bộ có thể phải chịu mức phạt cao nhất là 15 năm tù. Điều này có nghĩa, nếu như người đi bộ sai luật gây thương tích dưới 60% cũng chỉ bị phạt 60 - 80 nghìn đồng. Điều này vẫn còn những khoảng trống nhất định.
LS Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, so với những hành vi vi phạm khác được quy định trong Nghị định 46, mức phạt đối với người đi bộ sai quy định còn quá thấp, trong khi đó, hành vì này có thể gây nguy hiểm cho bản thân người đi bộ và những phương tiện khác. LS Trương Anh Tú đề xuất: "Với mức phạt dưới 100.000 và dưới 200.000 đối với đi bộ trên đường cao tốc là thiếu tính răn đe. Theo ý kiến của tôi, quá trình tổng kết đánh giá cũng có thể đưa ra một mức phạt mới phù hợp hơn đối với tình hình an toàn giao thông hiện nay. Theo ý kiến của tôi có thể đề xuất 300.000 sẽ phù hợp hơn".
Quy định xử phạt người đi bộ đã được quy định tại Nghị định 171 năm 2013 và tiếp tục được giữ nguyên tại Nghị định 46, ngoại trừ tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi đi bộ trên đường cao tốc.
Tuy nhiên sau 2 năm thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập, một số ý kiến cho rằng cần điều chỉnh mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của người đi bộ theo hướng tăng nặng, nhằm tăng tính răn đe, thay vì chỉ quy định cho có như hiện nay.
Từ năm 2014, Singapore chính thức thi hành luật xử lý người đi bộ vi phạm, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm khoảng 20 đô la Mỹ, tương đương 440 nghìn đồng và có thể tăng lên tới 1000 đô la Mỹ và ngồi tù 3 tháng.
Thành phố Tempe bang Arizona, Mỹ mức phạt đi sang đường sai quy định là 120 USD (khoảng 2,6 triệu). Còn tại Úc, nếu người đi bộ không đi vào vạch kẻ đường dành cho người đi bộ trong phạm vi 20 mét có thể bị phạt lên tới 70 USD (1,6 triệu).
|
Hải Hà/VOVgiaothong