Căn cứ địa Phú Lộc vươn lên từ những hố bom sau giải phóng

Những năm đầu mới giải phóng, Phú Lộc (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) hầu như không có gì ngoài những hố bom, vỏ đạn, bom chưa nổ còn sót lại nằm rải rác...

 

Trong chiến tranh xã Phú Lộc, huyện Tam Bình là khu căn cứ cách mạng của tỉnh Vĩnh Long. Ấp 4, xã Phú Lộc là nơi đặt cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Vĩnh Long từ năm 1966 - 1975, là địa bàn hứng chịu nhiều tàn phá sau chiến tranh. Ngày nay xã Phú Lộc đã thực sự chuyển mình tiến tới xây dựng xã thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Phú Lộc là xã vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long, nằm cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng 25km về hướng nam. Đây là nơi đặt cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Vĩnh Long từ năm 1966 - 1975. Bên trong căn cứ được xây dựng và bố trí nhiều loại hầm khác nhau. Mỗi loại hầm có cách thức xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, mục đích sử dụng và yêu cầu chiến đấu. Tại đây, Tỉnh ủy đã lãnh đạo quân dân giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và Tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975.

Hòa bình trở lại, Tỉnh ủy Vĩnh Long cho khôi phục lại hiện trạng ban đầu nơi sinh sống, chiến đấu và làm việc của các vị lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Long. Khu này hiện nay được gọi là khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang toạ lạc tại Ấp 4 của xã Phú Lộc. Trung bình mỗi tháng có hàng ngàn lượt khách đến tham quan phần lớn là học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về truyền thống cách mạng của cha ông.

Ông Châu Văn Quới, Trưởng Ban quản lý khu di tích cho biết: "Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang rất được sự quan tâm của giám đốc sở Văn hóa tỉnh. Trực hành chính cũng có phân công lịch, bảo vệ trực 24/24 đảm bảo về an ninh trật tự cũng như công tác phòng cháy chữa cháy. Công tác sửa chữa nâng cấp cũng được Ban giám đốc bảo tàng thực hiện kịp thời khi có đề nghị Ban giám đốc khu di tích lịch sử Cái Ngang nhằm đảm bảo phục vụ công tác trưng bày cũng như công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ sau này được tốt hơn".

Trong những năm đầu mới giải phóng, Phú Lộc hầu như không có gì ngoài những hố bom, vỏ đạn, bom chưa nổ còn sót lại nằm rải rác khắp các ấp trong xã. Nhưng nhờ sự lãnh đạo của tập thể Đảng bộ xã qua các thời kỳ, xã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển hệ thống thủy nội đồng, đưa nước ngọt vào sản xuất. Đặc biệt gần đây nhất có các mô hình cải tạo vườn tạp, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, cánh đồng lớn đã giúp người dân sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Lâm, một nông dân tham gia mô hình cánh đồng lớn của xã cho biết: "Mô hình cánh đồng mẫu lớn gia đình cũng có tham gia, nói chung thì tham gia cánh đồng mẫu lớn có lợi cho địa phương, trong đó buôn bán cũng dễ dàng, đời sống cũng được khấm khá lên".

Khu di tích lịch sử Cái Ngang ở ấp 4 xã Phú Lộc, huyện Tam Bình.Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Đảng bộ xã chọn sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng đối với các cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực. Mạnh dạn đưa cây màu xuống ruộng thay thế dần diện tích lúa kém hiệu quả. Địa phương cũng thực hiện vùng chuyên canh và luân canh các loại màu chủ lực, nâng cao chất lượng gắn với thị trường góp phần tăng giá trị trên cùng diện tích đất canh tác, xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Hệ thống giao thông, thủy lợi đã được đầu tư đúng mức, đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh; cơ sở vật chất thiết chế văn hóa, trường học được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 98,5%. Nhờ triển khai đồng bộ các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới, nên Phú Lộc đã được công nhận là xã Nông thôn mới năm 2015.

Ông Trần Minh Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: "Phát triển kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, hiện nay có trồng xen một số loại cây ăn trái như trồng cam, bưởi. Nhìn chung đời sống của người dân được nâng lên khá cao. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 1/%, dân sử dụng điện đạt 99%, nước sạch cũng đạt 99%. Đối với hạ tầng giao thông các tuyến đường liên ấp đảm bảo trải đá nhựa thông suốt 2 mùa mưa nắng phục vụ tốt cho bà con".

Hầm bí mật nằm trong khu căn cứ cách mạng Cái Ngang.Hiện nay, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp để thực hiện Chương trình bảo đảm mục tiêu và hiệu quả cao. Không ngừng nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển nông thôn bền vững. Có kinh tế phát triển, hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, phù hợp môi trường sinh thái trong lành.

"Hiện nay Ban chỉ đạo đang kiện toàn, xác định từng loại phần việc. Phần việc nào của người dân, phần việc nào của Nhà nước , xác định cho nó cụ thể và vận động người dân để tích cực cùng chung tay nâng cao các tiêu chí, đặc biệt thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch của huyện đề ra", Chủ tịch UBND xã Phú Lộc khẳng định.

Hoà trong không khí thi đua sôi nổi của cả nước chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và dân xã Phú Lộc quyết tâm thi đua lao động, học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương có địa danh lịch sử ngày càng văn minh giàu đẹp; hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL
 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận