Trong hai ngày 13 và 14/4, Đoàn công tác liên ngành của TP Đà Nẵng đã có buổi thăm và làm việc học tập kinh nghiệm tại một số nhà máy giết mổ gia súc hiện đại và quy mô trên địa bàn TP.HCM.
Trong chuyến thăm và học tâm kinh nghiệm, Lãnh đạo Sở Công thương, Chi Cục Nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đà Nẵng đã đến tham quan là việc tại Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp Lộc An tại đường Võ Văn Bích, ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM. Đoàn công tác ghi nhận thực tế dây chuyền giết mổ công nghiệp được nhập khẩu từ châu Âu theo tiêu chuẩn quốc tế. Về thiết kế, thiết bị, máy móc dây chuyền của ngành giết mổ và được giám sát, vận hành bởi các kỹ sư giàu kinh nghiệm. Được phía nhà máy này chia sẻ kinh nghiệm trồng cây xanh bờ bao và các hệ thống xử lý nước thải sau sản xuất…
Đại diện Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp Lộc An cho biết, đây là một trong số 5 nhà máy giết mổ gia súc tập trung theo dây chuyền công nghiệp. Công suất thiết kế hệ thống 4 dây chuyền lên đến 2.000-3.200 con/ngày. Hiện công suất giết mổ hiện thực tế bình quân 900 - 1.500 con/ngày. Phía đại diện nhà máy Lộc An cũng chia sẻ những thông tin tổng quan chung, kinh nghiệm triển khai nhà máy, công tác vận hành thực tế…
Đoàn công tác Đà Nẵng cũng đến tham quan Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn, TP.HCM với hệ thống dây chuyền tầm trung, nhập từ Trung Quốc. Các công đoạn sản xuất được vận hành bằng cơ giới hóa và có tính tự động cao, nhằm đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, còn có hệ thống thông tin quản lý toàn diện giúp thuận tiện cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm Đà Nẵng (Công ty quản lý Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Nẵng) nơi đảm nhận hơn 80-85% nhu cầu giết mổ gia súc, gia cầm của TP Đà Nẵng. Công ty này phải thường xuyên hoạt động trong điều kiện quá tải, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, nhu cầu giết mổ tăng gấp 2 lần so với thiết kế dẫn đến tình trạng chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước tốc độ nhu cầu phát triển đô thị, việc di dời nhà máy hiện hữu cũng mang tính cấp bách. Chủ trương di dời này cũng đã được Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng thống nhất.
Thời gian qua phía công ty cũng tích cực tham mưu đề án, để sớm bước vào giai đoạn triển khai xây dựng nhà máy mới. Tất nhiên, việc hiện thực hóa một nhà máy mới cần thời gian, tài chính và qua nhiều thủ tục đấu thầu, Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm Đà Nẵng cũng kỳ vọng được tiếp tục tham gia đóng góp công sức để xây dựng nhà máy, nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương và phục vụ hiệu quả việc chỉnh trang đô thị.
Đến thời điểm này công ty đã và đang khảo sát, học tập các mô hình trung tâm chế biến gia súc gia cầm hiệu quả tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai…, đồng thời chuẩn bị đầu tư xây mới cơ sở tại Đà Nẵng áp dụng công nghệ cao, hiện đại theo xu thế kinh tế xanh, sạch nên mong sớm được di dời để triển khai dự án. "Công ty đã trình Sở Công thương TP. Đà Nẵng xin chủ trương đầu tư dự án Chế biến gia súc, gia cầm tập trung tại Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang với vốn đầu tư gần 225 tỉ đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường", ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.
Theo Sở Công thương TP.Đà Nẵng, hiện đã tìm được địa điểm di dời lò mổ Đà Sơn lên khu vực xã Hòa Nhơn. Sở đã hoàn thiện hồ sơ, đề án trình UBND TP. Đà Nẵng; sau khi được phê duyệt sẽ triển khai giải phóng, san lấp mặt bằng, cũng như các công tác làm đường sá, hạ tầng kết nối để nhà đầu tư triển khai dự án. /.