Cấm xe vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Giải pháp cắt ngọn tỉa cành?

Liên tục các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc, đặc biệt là trên đoạn La Sơn - Túy Loan khiến cho các nhà quản lý 'vò đầu bứt tóc'.

 

Đường cao tốc xuyên Việt thực sự là niềm mong mỏi của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, liên tục các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc, đặc biệt là trên đoạn La Sơn - Túy Loan đã khiến cho các nhà quản lý “vò đầu bứt tóc”.

Kiểu quy định “quản không được thì cấm”?

Trước tình trạng tai nạn giao thông liên tục trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đã ra quy định cấm xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm, xe đầu kéo, xe tải từ 6 trục trở lên vào cao tốc từ ngày 4/4 nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Thực tế ghi nhận vào sáng 10/4, đoạn cao tốc sau gần 1 tuần thực thi quy định cấm xe lớn thì đường đã thông thoáng hơn, lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến đường này giảm rõ rệt.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (ảnh chụp sáng 10/4/2024).

Tuy nhiên, quy định này không chỉ gây phản ứng đối với cộng đồng doanh nghiệp vận tải (trực tiếp là đội ngũ tài xế) mà còn với cả chính quyền các địa phương. Như VOV.VN đã đưa tin, cho đến thời điểm này, 2 địa phương có cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi ngang qua địa phận là Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã lên tiếng phản đối việc Cục Đường bộ quy định cấm xe vào cao tốc.

Trong văn bản gửi Cục Đường bộ, Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ nói là “không đồng ý” cùng với các lý do bất cập kèm theo. Còn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị không thực hiện việc cấm xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm và xe trọng tải lớn lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, qua địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điểm chung của những phản đối từ chính quyền 2 địa phương này là thực tế Quốc lộ 1A đã đầu tư và khai thác nhiều năm nên chất lượng mặt đường xuống cấp. Khu dân cư đông đúc, các trường học ven quốc lộ, khu công nghiệp, hàng ngày số lượng người dân và học sinh qua lại rất đông… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn, nhất là vào những giờ cao điểm, trời mưa, ban đêm.

Đáng chú ý, hiện tỉnh Quảng Trị chưa có tuyến đường tránh đi qua thành phố Đông Hà, dù Đông Hà là trung tâm hành chính của tỉnh. Vì thế, kể từ khi khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn, các nhà chức trách thống kê số vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1A đi qua tỉnh Quảng Trị đã giảm sâu.

Trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện rất vắng xe cộ qua lại.

Tương tự, con số thống kê ở Thừa Thiên - Huế thì trước khi có cao tốc, số vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A chiếm tỷ lệ cao, số người chết hàng năm chiếm 48% - 50% tổng số người chết do tai nạn giao thông toàn tỉnh. Sau khi cao tốc đưa vào khai thác sử dụng, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A giảm rất nhiều, đến nay số người chết hàng năm khoảng 18% - 20%.

Từ thực tiễn nói trên, nhiều người dân cũng như cán bộ chính quyền tại hai địa phương có tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua đều nhận định, đây là quy định vội vàng và không có cơ sở, thiếu luận cứ khoa học. Còn dưới con mắt dư luận, đây là kiểu quy định tồn tại bởi tư duy “quản không được thì cấm”.

Và giải pháp “cắt ngọn tỉa cành”?

Hiện nay chỉ còn một số dự án đường cao tốc qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận chưa thể kết nối vào sự liền mạch đường cao tốc xuyên Việt.

Có điều, vẫn không ít các ý kiến băn khoăn về tầm nhìn quy hoạch và kỹ thuật thi công đường cao tốc. Bởi vì, gọi là cao tốc nhưng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhiều đoạn không có con lươn cứng ở giữa và không có lực lượng chức năng giám sát. Thành thử, cái vòng luẩn quẩn là ở chỗ, cao tốc 2 làn xe nên không thể thiết kế dải phân cách cứng ở giữa, vì nếu có dải phân cách thì mỗi bên một làn, xe không thể vượt được. Nhưng, nếu không có dải phân cách thì nguy cơ tai nạn rất cao do xe chạy đối đầu.

Một nút giao trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Hơn nữa, đường cao tốc là lựa chọn cho hành trình dài hiệu quả nhất nên, cũng cần có thêm hạ tầng hỗ trợ là trạm dừng nghỉ. Trong khi đó, phần lớn thiết kế hiện nay đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp. Điều này bất tiện cho công tác sửa chữa, cứu hộ xe khi gặp sự cố, đó là chưa kể vấn đề vệ sinh môi trường liên quan.

Một số tài xế thường chạy xe trên tuyến cao tốc này cho rằng, đường cao tốc, không có nơi vệ sinh cá nhân thì ắt gây ô nhiễm môi trường và những bất tiện về sửa chữa, cứu hộ. Nếu tuyến đường chỉ thiết kế 2 làn xe và hạn chế tốc độ dưới 80km/h, thì không nên gọi là đường cao tốc.

Từ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc này cho thấy, ngoài yếu tố điều kiện hạ tầng thì nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp vẫn do ý thức của người tham gia giao thông chứ không hẳn do sự có mặt của các loại xe trọng tải lớn.

Những bất cập trên cao tốc là đáng lo ngại. Và giải pháp để giải quyết vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông, trước hết vẫn cần sớm bố trí nguồn kinh phí để nâng cấp tuyến đường này từ 2 làn xe lên 4 làn xe, bố trí đủ hạ tầng làn khẩn cấp, vạch kẻ, trạm dừng nghỉ... theo đúng chuẩn cao tốc. Bằng không, những quy định cấm nói trên chỉ mang tính chất “cắt ngọn tỉa cành”, nặng tư duy “quản không được thì cấm” sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận