Giai đoạn cần 'chấn chỉnh', chưa đến mức 'chấn hưng' Phật giáo

Thượng toạ Thích Nhật Từ cho rằng đây là giai đoạn cần "chấn chỉnh" chứ chưa đến mức "chấn hưng" Phật giáo.

 

Phó Viện trưởng Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Thượng toạ Thích Nhật Từ cho rằng đây là giai đoạn cần "chấn chỉnh" chứ chưa đến mức "chấn hưng" Phật giáo.

Liên quan đến nghi vấn chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) truyền bá vong báo oán gây xôn xao dư luận, ngày 26/3, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ kiêm Phó viện Trưởng Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã có buổi trả lời phỏng vấn VTC News.

Kính bạch Thượng toạ, nhân sự việc “oan gia trái chủ” vừa xảy ra ở chùa Ba Vàng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây, cộng với biến tướng của những tập tục dâng sao giải hạn ở nhiều chùa khác trong cả nước khiến dư luận bất bình, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thượng toạ có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Giảm tín ngưỡng Phật giáo trong nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bởi sự việc lần này chắc chắn xảy ra, nó tác động tâm lý thành những dây chuyền hoài nghi, gây ra những tiêu cực, tàn phá về nhiều phương diện khác nhau. Tôi rất đau xót về vấn đề này.

Chỉ còn hơn 40 ngày nữa Đại hội Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam, nếu như Giáo hội đã nỗ lực hết mình, chính phủ Việt Nam đã ủng hộ hết mình để góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam về phương diện ngoại giao tôn giáo, ngoại giao học thuật, ngoại giao du lịch... thì tác động tiêu cực từ hoạt động thỉnh oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng vốn là mê tín, trái Phật pháp là sự ảnh hưởng nặng nề.

Khi Giáo hội có tiếng nói chân chính, có kết luận được công khai thì tôi mong quần chúng nhân dân, đặc biệt là các nạn nhân và gia đình nạn nhân ở chùa Ba Vàng có thể rộng lượng bỏ qua, vì đây không phải do Phật giáo tạo ra, đây chỉ là một cá nhân làm mang danh Phật giáo. Tôi mong các Phật tử không vì thế mà mất niềm tin vào chân lý Phật, đạo đức Phật.

Thượng toạ Thích Nhật Từ cho rằng giai đoạn này không gọi là chấn hưng phật giáo mà là chấn chỉnh. Nhiều người cho rằng, sự việc ở chùa Ba Vàng chỉ là phần nổi, hiện còn rất nhiều “chùa Ba Vàng” ở khắp nơi trong cả nước đang lợi dụng lòng tin của các tín đồ để trục lợi...

Tôi hoàn toàn không tin điều đó. Phật giáo Việt Nam có 3 vùng miền: Bắc - Trung - Nam, tạm phân như thế cho dễ hình dung về dòng chảy của Phật giáo trong lịch sử của dân tộc.

Ở miền Bắc từ năm 1942 và ở Bắc Trung Bộ từ năm 1956 thì Phật giáo bị suy vong. Riêng ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An khoảng 850 ngôi chùa bị mất trong cuộc cách mạng văn hoá, nhiều chùa ở miền Bắc trở thành hợp tác xã và không còn là nơi sinh hoạt hợp pháp nữa.

Chính vì điều này, nạn mê tín dị đoan có gốc rễ từ dân gian và từ tôn giáo của Trung Hoa qua chủ trương của tam giáo đồng nguyên đã xâm thực văn hoá Việt Nam, và những tình trạng đau lòng đã xảy ra.

Từ Quảng Trị cho đến mũi Cà Mau thì trước 1975 nó thuộc về chính thể Việt Nam Cộng hoà, các dòng Phật giáo chưa từng bị dừng nghỉ như ở miền Bắc. Cho nên, các hình thái mê tín dị đoan như đã được báo chí mô tả ở một vài ngôi chùa tiêu biểu ở miền Bắc vừa qua, không nên vì vậy mà đánh đồng nó là toàn thể hơn 18.000 ngôi chùa.

Cũng giống như việc truyền bá tà pháp “thỉnh oan gia trái chủ” của thầy Trúc Thái Minh và bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng chỉ là hai cá nhân, không thể đánh đồng với 56.000 tăng ni trên toàn quốc được.

Vì vậy không nên đánh đồng vì nó chỉ xảy ra ở một vài ngôi chùa, đừng giống như cảnh sát hình sự đi đâu cũng thấy tội phạm. Đừng vì một hai ngôi chùa rồi chúng ta lại ám ảnh là 18.660 ngôi chùa trên toàn quốc đều như thế thì nó chưa phù hợp.

Có nhiều ý kiến nói rằng, vai trò của Giáo hội khá mờ nhạt trước việc ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong giới tăng ni?

Tôi không nghĩ vậy, bởi trong trường hợp của chùa Ba Vàng vào ngày 20/3/2019, khi báo Lao động đăng tải clip điều tra tại chùa thì lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ngay lập tức khẳng định đó là tà pháp và yêu cầu phải kiểm tra, kiểm điểm, nghiêm cấm các hình thức sai trái tiếp tục xảy ra.

Như vậy có nghĩa là Giáo hội đã nhập cuộc rất nhanh chóng và kịp thời, tiếng nói của Giáo hội đã rất dứt khoát. Và hôm nay (26/3), Hội đồng trị sự trung ương đang có một phiên họp về vấn đề này, bởi vấn đề này không chỉ liên luỵ đến Phật giáo mà còn liên quan đến vấn đề pháp luật.

Clip điều tra của báo Lao động cho thấy có dấu hiệu lợi dụng vào mê tín dị đoan do chính ngôi chùa đó tạo ra để trục lợi dưới hình thức rất khéo léo và tinh vi, và nó liên quan đến luật pháp.

Đây cũng là lý do vì sao lãnh đạo cao nhất của Hội Phật giáo Việt Nam phải chờ đến 26/3 mới tổ chức họp, bởi ngày 26 các cơ quan sẽ gửi báo cáo về cho Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, và gửi về cho Hội Phật giáo để tập hợp tất cả những kết luận của cơ quan kiểm tra thì Giáo hội sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Điều đó cho thấy, trong trường hợp này Giáo hội làm rất dứt khoát, không bao che, và đó cũng thể hiện vai trò của Giáo hội trong việc này không hề mờ nhạt.

Nguyên nhân của sự “thoái hóa” này bắt nguồn từ đâu, thưa Thượng toạ?

Nguyên nhân thứ nhất là về nhận thức, tôi thấy có sự giới hạn về kiến thức Phật học rõ ràng. Thầy Thái Minh và bà Phạm Thị Yến chủ trương, nghĩ rằng mình là thánh, cùng với việc thiếu nền tảng kiến thức Phật pháp đã tạo nên sự hiểu sai, truyền bá sai và gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Nếu để ý, khi những người rối loạn đa nhân cách có điều kiện đóng vai là thần linh thì câu nói đầu tiên tại sao không thấy đòi nước hay đòi hoa, trái cây mà toàn chỉ đòi tiền bạc? Thậm chí là tiền triệu, vài chục, vài trăm triệu, rồi nếu không có tiền thì cho trả góp hoặc trả vào ngân hàng. Tôi nghĩ rằng đây là các ma sống quỷ sống chứ không có ma thật nào lại đi làm như thế.

Thứ hai là thiếu sự tôn trọng Phật pháp, nếu bản thân thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết thì phải cầu thị, Giáo hội đã ra công văn nói sai nhưng bản thân vẫn không chịu cầu thị thì tôi nghĩ đây không chỉ là thiếu hiểu biết, mà là cố tình tạo ra những điều đó. Cố tình ở mức độ nào thì phải để cơ quan luật pháp nhập cuộc điều tra,.

Thứ ba là chúng ta vẫn chưa có cách thức giải quyết các vấn nạn dứt điểm, nhất là khủng hoảng truyền thông đối với đạo Phật. Đến bây giờ vẫn còn một số các Phật tử cực đoan, khi xảy ra một điều gì đó là ngay lập tức phủ định, bao che, sợ thừa nhận thì Phật giáo bị đánh sập. Nhưng họ không hề biết, chính thái độ bao che đó chúng ta đã trở nên vô cảm và gây tiếng xấu cho Giáo hội.

Và nguyên nhân thứ tư là xuất phát từ lòng tham. Câu hỏi được đặt ra là tại sao khi "vong lên" không yêu cầu thứ gì khác mà chỉ luôn đòi tiền, từ đầu đến cuối chỉ toàn là tiền, hoặc quy đổi công quả bằng tiền.

Nếu để ý, khi những người rối loạn đa nhân cách có điều kiện đóng vai là thần linh thì câu nói đầu tiên tại sao không thấy đòi nước hay đòi hoa, trái cây mà toàn chỉ đòi tiền bạc? Thậm chí là tiền triệu, vài chục, vài trăm triệu, rồi nếu không có tiền thì cho trả góp hoặc trả vào ngân hàng.

Tôi nghĩ rằng đây là các ma sống quỷ sống chứ không có ma thật nào lại đi làm như thế.

Cái đó là cái mà ngay cả về phương diện là những người đồng đạo, chúng tôi không thể nào chấp nhận được. Vì thật ra, lợi ích ở ngôi chùa Ba Vàng đó, lợi ích cho thấy trụ trì Thái Minh và bà Phạm Thị Yến đó rất nhỏ so với hàng tỷ thứ bị tàn phá đối với Phật giáo.

Trong khi Phật giáo không tạo ra khủng hoảng này mà phải bị vạ lây, tôi mong những người đã tạo ra khủng hoảng đó hãy nhìn lại bằng lương tâm chân chính của mình để sớm gác lại vụ này, đừng bảo thủ nguỵ biện khi báo chí đã đưa ra bằng chứng thật.

Vì thế mà nhiều ý kiến cho rằng có nên có một cuộc Chấn hưng Phật giáo. Theo Thượng toạ, đã đến lúc phải "chấn hưng" chưa ạ?

Thông thường, Chấn hưng Phật giáo cần thiết phải được diễn ra khi đất nước mà Phật giáo đang có mặt rơi vào pháp nạn lớn, khi rơi vào pháp nạn lớn thì không thể không chấn hưng.

Giống như trong thời kỳ Pháp thuộc Phật giáo bị chà đạp, hoặc trong giai đoạn năm 1963 chính thể Ngô Đình Diệm muốn xoá sổ Phật giáo khỏi bản đồ văn hoá chính trị và đời sống tinh thần của người Việt Nam. Lúc này việc chấn hưng để tạo ra sức mạnh nội tại của Phật giáo, nhằm giúp cho Phật giáo tiếp tục tồn tại là rất cần thiết.

Hiện Giáo hội đã có một mô hình hành chính tương đối tốt với hai cấp lãnh đạo, lãnh đạo trung ương và lãnh đạo tỉnh thành, tính thống nhất đạt ở mức độ khá cao so với các giai đoạn lịch sử. Đã có một hệ thống giáo dục Phật giáo vững chắc, tính thống nhất từ ở trung ương xuống địa phương khá tốt, hoạt động của Phật giáo cho dân tộc đáng được ghi nhận và được nhận nhiều sự tán dương.

Vì thế, giai đoạn này không phải là giai đoạn suy vong của Phật giáo, nên tôi cho rằng vấn đề chính là chúng ta cần phải chấn chỉnh chứ không phải chấn hưng.

 Theo Thượng toạ, việc chấn chỉnh Phật giáo nên bắt đầu từ đâu?

Tôi nghĩ, việc chấn chỉnh Phật giáo phải bắt đầu tự việc giáo dục Phật học cho các vị tu sĩ. Nên áp dụng chương trình giáo dục Phật học bắt buộc đối với các tu sĩ ở mọi miền, ở tất cả các độ tuổi. Chương trình giáo dục Phật học hiện nay, ở miền Nam để có được bằng trung cấp Phật học thì tu sĩ phải học 2 năm sơ cấp phật học, 4 năm trung cấp là thành 6 năm.

Tôi nghĩ, chương trình Phật học trong thời gian 6 năm thì kiến thức sẽ vững vàng, sẽ không bị mù quáng, nhầm lẫn để đi truyền bá mê tín, để những chuyện mê tín phi lý xảy ra trong chùa của mình được. Nên theo tôi, phải áp dụng giáo dục bắt buộc.

Phải tăng cường cơ chế quản lý hành chính của Giáo hội, khi có bất cứ sự việc gì xảy ra không phù hợp với triết lý của đạo Phật cũng như Hiến chuơng giáo hội Phật giáo Việt Nam thì các ban ngành của Giáo hội phải có thẩm quyền để giải quyết đúng với chủ trương của đạo Phật.

Các cá nhân tăng ni, phật tử, dù đóng vai trò ở trung ương của Giáo hội, nếu khi đến địa phương làm việc mà vi phạm sai trái thì địa phương vẫn có thể chế tài. Phải tăng cường các biện pháp chế tài dựa vào giáo lý Phật giáo và tôn trọng tất cả các luật hiện hành tại nơi mình đang hành đạo.

Ngoài việc tổ chức chia sẻ chân lý Phật pháp, các vị tu sĩ phải đóng vai trò là nhà tư vấn tâm linh, tâm linh ở đây là đời sống tinh thần chứ không phải là ma quái như dân gian ở miền Bắc đã nghĩ. Tư vấn tâm linh có thể giúp cho mọi người vượt qua được các chứng bệnh trầm cảm, nghiện ma tuý, nghiện rượu bia, nghiện thuốc lá và nhiều các tệ nạn xã hội khác.

Ví dụ, trong trường hợp thỉnh "oan gia trái chủ", Giáo hội cần phải nhập cuộc, không chỉ bằng văn bản mà phải đến tận nơi, lắng nghe phía chùa Ba Vàng trình bày, sau đó trưng dẫn tất cả những điều Phật dạy để chứng minh lý thuyết đó là sai trái. Nếu như chùa Ba Vàng không tuân thủ thì phải chế tài.

Phải tiêu huỷ, xoá bỏ tất các các ấn phẩm dưới hình thức sách in, tờ rơi, băng đĩa. Các trang mạng xã hội của chùa Ba Vàng, của thầy Thái Minh và bà Phạm Thị Yến phải được xoá bỏ hết, và Giáo hội phải kiểm tra vấn đề đó. Nếu như những người tại chùa Ba Vàng không thực hiện thì phải có biện pháp chế tài nặng hơn.

Những giải pháp cụ thể, cần làm ngay trước mắt để thực hiện việc chấn chỉnh này là gì, thưa Thượng toạ?

Trước mắt, phải làm thế nào để có thêm nhiều ngôi chùa trên toàn quốc ở tại các tỉnh thành mà trước đây chúng ta đã bị mất đi. Những nơi đó họ không còn nhà sư, trụ trì, không có chùa thì các tập tục mê tín trong dân gian mà tôi thường xem nó giống như là các dây chùm gửi bám lên thân cội bồ đề của đạo Phật.

Nó đã làm cho quần chúng không còn biết đâu là con đường tỉnh thức của đạo Phật và đâu là những cái ảnh hưởng của tập tục trong dân gian. Đồng thời phải làm thế nào để cho Phật giáo nhập thế năng động hơn về phương diện giáo dục - văn hoá - xã hội và nhiều lĩnh vực hoạt động khác.

Phải có kế hoạch để cho tất cả 18.660 ngôi chùa và 56.000 tăng ni trên toàn quốc vào các ngày cuối tuần phải có những bài thiết giảng về chân lý và đạo đức, để giúp cho quần chúng Phật tử trên toàn quốc không còn mê tín, không bị lôi cuốn, ảnh hưởng những tập tục vốn không phù hợp với đạo Phật.

Sự việc ở chùa Ba Vàng khiến dư luận phẫn nộ. Các vị sư trụ trì phải là những người đi đầu về lĩnh vức này, tức là gương mẫu trong việc truyền bá chính đạo và làm cho các dây chùm gửi vốn không phải là cây bồ đề thì không có cơ hội tiếp tục được tồn tại.

Ngoài việc tổ chức chia sẻ chân lý Phật pháp, các vị tu sĩ phải đóng vai trò là nhà tư vấn tâm linh, tâm linh ở đây là đời sống tinh thần chứ không phải là ma quái như dân gian ở miền Bắc đã nghĩ. Tư vấn tâm linh có thể giúp cho mọi người vượt qua được các chứng bệnh trầm cảm, nghiện ma tuý, nghiện rượu bia, nghiện thuốc lá và nhiều các tệ nạn xã hội khác.

Đồng thời nên tổ chức các khoá tu cho các thành phần xã hội bao gồm như giới doanh nhân, giới trí thức giới trẻ, người lớn tuổi… phải làm sao cho mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi có cơ hội được tiếp xúc với chân lý Phật bằng tiếng mẹ đẻ. Khi mà hiểu được rồi thì không còn mê tín nữa.

Điều đáng lưu ý nhất, đó là tất cả tu sĩ, tăng ni Phật giáo nếu chưa trải qua lớp Phật học tối thiểu là trung bình như quy định của hiến chương, bắc buộc họ phải học ít nhất đến lớp 12, nếu không phải chế tài lại. Bởi nếu tu sĩ không được đào luyện Phật pháp, trau dồi minh triết thì việc họ truyền bá mê tín là chuyện bình thường.

Tôi được biết thầy trụ trì Thái Minh (chùa Ba Vàng) chưa trải qua các trường lớp Phật học bài bản, nên việc thầy ngộ nhận (có thể là cố tình) nó có khả năng xảy ra, còn bà Phạm Thị Yến chưa từng học một khoá học nào, xuất thân là một người thợ may. Vì vậy, việc hai người này lệch lạc về Phật pháp, truyền dạy không đúng Phật giáo là điều dễ hiểu.

- Theo thượng toạ, vai trò của Giáo hội và các cơ quan quản lý nhà Nhà nước trong việc chấn chỉnh này như thế nào?

Về vai trò quản trị hành chính của Giáo hội. Chúng ta có hiến chương là văn phản pháp uy cao nhất, có nội quy của 13 ban ngành trung ương, 12 nội quy của ban ngành cấp tỉnh thành... các điều trong hiến chương và quy chế rất đầy đủ, vấn đề là chúng ta đang thiếu bộ phận giám sát để không cho phép các hình thức mê tín được diễn ra.

Khi phát hiện ra hoạt động nào đó không phù hợp với chân lý Phật và chủ trương của Giáo hội thì chúng ta phải chế tài nghiêm túc chứ không thể theo kiểu "đánh trống bỏ dùi". Nếu làm không triệt để, nhiều đối tượng sẽ lợi dụng để "thổi" tên tuổi của mình lên.

Nếu cả nước cùng tôn trọng, áp dụng các quy định của giáo hội thì những điều đáng tiếc sẽ không xảy ra, và Giáo hội luôn phải sử dụng các biện pháp khắt khe.

Về phía luật pháp nhà nước, đạo Phật chủ trương qua bài kinh Chuyển luân Thánh vương (Kỹ năng và nghệ thuật làm vua), nghĩa là để cho đất nước phát triển thì vua (các nguyên thủ quốc gia) phải làm được 3 việc: Luật pháp là tối thượng, hỗ trợ đất nước bằng luật pháp dựa trên đạo đức, soi sáng nhận thức của người dân bằng chân lý không mê tín dị đoan.

Nếu như tất cả các cơ sở Phật giáo, tăng ni Phật tử làm đúng giáo luật, luật pháp nhà nước thì nhà nước không phải bận tâm, hay lo ngại có những điều không hay xảy ra.

Bởi hiện giờ chúng ta đã có luật tôn giáo và tín ngưỡng. Nếu chùa nào hoặc cá nhân nào làm sai thì không nên ngoại lệ, bởi ngoài tư cách là tu sĩ thì còn có tư cách cao hơn là công dân của đất nước, nên khi làm sai sẽ có pháp luật xử lý.

Theo Tuệ Lâm/ VTC.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận