Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115/2024/BGTVT đường bộ cao tốc. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2024.
Theo đó, đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150m trở lên; cầu có trụ cao từ 50m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).
Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; trạm dừng nghỉ; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; trạm kiểm tra tải trọng xe; hàng rào bảo vệ.
Về tốc độ thiết kế của đường bộ cao tốc, quy chuẩn mới quy định: Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp như sau: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100km/h; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60km/h.
Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng đoạn này phải dài từ 15km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 2km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.
Về số làn xe chạy, quy chuẩn mới yêu cầu, số làn xe được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 2 làn xe cho mỗi chiều. Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,50m đối với đường cấp 80.
Đối với làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3,00m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,50m đối với đường cấp 80.
Liên quan đến dải giữa đường cao tốc, quy chuẩn quy định phải bố trí dải giữa (gồm dải phân cách giữa và dải an toàn ở hai bên của dải phân cách giữa) để phân chia hai chiều xe chạy đối với trường hợp mặt cắt ngang đường cao tốc được bố trí trên cùng một nền đường. Chiều rộng của dải an toàn tối thiểu là 0,75m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,50m đối với đường cấp 80. Dải phân cách giữa được thiết kế để bảo đảm an toàn.
Trường hợp 2 chiều xe chạy được bố trí trên 2 nền đường riêng biệt không có dải giữa, phía bên trái theo chiều xe chạy bố trí dải an toàn và lề đất. Dải an toàn có chiều rộng tối thiểu 1m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,75m đối với đường cấp 80.
Đối với quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường cao tốc, quy chuẩn mới nêu rõ: Việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc thực hiện quy định tại Nghị định số 32/2014 ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 25/2023 ngày 19/5/2023 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn.
Cũng trong khai thác đường cao tốc, tốc độ khai thác cho phép trên đường bộ cao tốc được xác định trên cơ sở tốc độ thiết kế của tuyến đường, hiện trạng kỹ thuật của đường bộ cao tốc, điều kiện thời tiết, khí hậu, lưu lượng, chủng loại phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ cao tốc.
Tốc độ tối đa cho phép trên đường bộ cao tốc không vượt quá 120km/h. Tốc độ tối đa cho phép và tốc độ thiết kế không được chênh nhau quá 20km/h; tốc độ tối đa cho phép của 2 đoạn tuyến liên tiếp không được chênh nhau quá 20km/h.
Về quy định chuyển tiếp, Thông tư 06/2024 của Bộ GTVT quy định: Các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với các tuyến đường cao tốc có tốc độ thiết kế từ 80km/h trở xuống đang khai thác trước ngày Thông tư này có hiệu lực, khi đầu tư nâng cấp, mở rộng thì cho phép áp dụng các yếu tố kỹ thuật cho dự án đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực.
Phi Long/VOV.VN