Hiện các địa phương ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau... đang “khốn đốn” tìm nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân cũng như cứu nguy cho các vườn cây có giá trị kinh tế cao.
Tại Cà Mau, tình hình hạn, mặn đang diễn biến phức tạp; nắng nóng gay gắt và kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ở các địa phương như huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, nhiều hộ dân đã phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc mua nước với giá cao từ các ghe với giá lên đến hơn 40.000 đồng/m3 để sử dụng.
Những ngày này, nhiều tuyến kênh, rạch ở Cà Mau cạn khô vì nắng hạn gay gắt, việc sử dụng các phương tiện thủy đi lại hết sức khó khăn; nước phục vụ cho sinh hoạt lại càng khó. Ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình có trên 1.800 hộ dân nhưng đã có đến gần 1/3 số hộ thiếu nước sinh hoạt để sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, rất nhiều hộ không thể khoan giếng nước ngầm được do nước bị phèn và mặn. Đa số phải dựa vào nguồn nước mưa trữ lại để xài dần và mua nước ngọt với giá cao.
“Hồi Tết kêu người ta vào để đổi nước mà họ có chịu vào đâu, đường vào khó quá. Còn thấy chỗ kia đổi nước giá 45.000 đồng/m3 thấy mắc quá nhưng ổng cũng không vô vì đường này chỉ có mỗi 1 người đi đổi nước. Không có nước để dùng. Rồi đi xin nước dùng nhưng xách về cực quá, cũng may là đứa em này chịu đổi nước cho mình xài từ sau Tết tới giờ. Một lu là 40.000 đồng vì chạy vào đây là qua cầu, kênh cạn quá, ghe lại to. Tôi đổi hôm trước 2 phi nước và 2 cái lu là 180.000 đồng. Mỗi lần là 180.000 đồng vậy đó”, bà Trương Thị Giàu, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch than thở.
Cà Mau là tỉnh có 3 bên giáp biển, phía Bắc giáp Bạc Liêu, Kiên Giang. Đây là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung, hạn hán khốc liệt như các năm qua và năm nay càng ảnh hưởng rất lớn với Cà Mau như: thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún, khó khăn trong vận chuyển hàng hoá. Vụ lúa vừa rồi, sau thu hoạch, khi các dòng kênh đã cạn, lưu thông thuỷ không được, giá lúa của bà con giảm 1-2 nghìn đồng/kg do chi phí vận chuyển tăng lên.
Ông Đỗ Minh Điền, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết, tại vùng Nam Cà Mau, khi hạn hán kéo dài thì độ mặn tăng cao trên các dòng kênh, làm giảm năng suất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt như nuôi tôm. Tính đến 25/3 vừa qua, sụt lún ở Cà Mau xảy ra tại 131 tuyến kênh, 569 điểm bị sụt lún đường giao thông, chiều dài sụt lún gần 15 km.
Ông Điền cho biết, UBND tỉnh đã quyết định chi 10 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách TW cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng; đồng thời triển khai quyết liệt để hỗ trợ bà con vùng thiếu nước với khoảng 13.900 hộ dân.
“Cà Mau có đưa ra giải pháp trước mắt là tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh, khi thấp đến mức báo động thì báo với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý. Đồng thời, thực hiện giảm trọng tải xe ở tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống còn 5 tấn; triển khai một số giải pháp cấp nước sinh hoạt, đầu tư công trình mới, mở rộng tuyến ống kéo dài công trình cấp nước, hỗ trợ dụng cụ trữ nước”, ông Đỗ Minh Điền cho biết thêm.
Về lâu dài, Cà Mau cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, trong đó đề xuất trung ương hỗ trợ khoảng 197 tỷ đồng thực hiện 5 ô thuỷ lợi để trữ nước trong mùa khô; hỗ trợ kinh phí từ dự án nước sạch nông thôn khoảng 241 tỷ đồng. Ngoài ra, Cà Mau là địa phương chưa được hưởng lợi ích từ dự án Cái Lớn, Cái Bé nên tỉnh đề xuất hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn, Cái Bé để hy vọng nguồn nước về được Cà Mau để giảm bớt khó khăn cho bà con.
Không chỉ Cà Mau mà hiện nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, nhất là khu vực ven biển như Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng... cũng đang bị hạn, mặn bủa vây, chắt chiu từng dòng nước ngọt để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam phân tích, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt nhưng lại đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Nguyên nhân là do hạn hán, mặn xâm nhập và phèn. Mặn xâm nhập ngày càng diễn ra gay gắt, lan rộng và kéo dài, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Trước diễn biến thực tế hạn mặn hiện nay, ông Trần Anh Tuấn đặt vấn đề việc xác định độ mặn và thời gian mặn xâm nhập là một vấn đề nan giải để đảm bảo nước cung cấp về cho các nhà máy không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hiện rất cần kết hợp nước cho nông nghiệp, cây trái. Ví dụ như cây sầu riêng trồng 4-5 năm cho trái, nhưng chỉ cần 1 tuần bị nước mặn, mặn 1g/lít là cây chết, nên có vùng phải mua nước ngọt với giá 70.000 – 80.000 đồng/m3 để tưới cho cây... Do vậy, nguồn nước cung cấp cho các nhà máy sinh hoạt cần kết hợp cho sản xuất.
“Bây giờ El Nino và biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Thời gian mặn không còn là một hai tuần nữa mà năm nay cao điểm là tháng 3, tháng 4 bị mặn. Vì thế nên chăng chúng ta có những giải pháp kết hợp giữa các khu vực. Kết hợp như đào hồ cũng là một vấn đề, nhưng ở đây cũng có vấn đề là đất ĐBSCL có nơi bị nhiễm mặn, phèn. Vì thế phải tính toán để chất lượng nguồn nước vừa đảm bảo cho nông nghiệp và nước cho sinh hoạt. Các phương án về dẫn nước đi các nơi cũng là vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, dùng cho nông nghiệp có thể được, nhưng dùng cho sinh hoạt cũng là vấn đề. Vì chỉ khoảng 250 mg/l vượt qua là nấu canh khỏi bỏ muối”, ông Trần Anh Tuấn nêu ý kiến.
Trước diễn biến hạn hán và mặn xâm nhập các tháng còn lại của mùa khô 2024 vẫn còn khá gay gắt và phức tạp, đợt triều tháng 2 âm lịch vừa qua đã đẩy mặn vào sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh ĐBSCL đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh nam sông Hậu. Điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất lúa vụ mới.
Trước những tác động bất lợi của hạn mặn, biến đổi khí hậu gây ra, vấn đề đặt ra cho vùng ĐBSCL trong hiện tại là cần tập trung theo dõi, dự báo để có giải pháp phối hợp ứng phó với hạn, mặn; đồng thời các tỉnh thành chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trong toàn khu vực.
Cùng với các giải pháp trong ngắn hạn thì đối với vùng ĐBSCL trong dài hạn, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập, thiếu nước sẽ trở nên gay gắt hơn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và các đập thủy điện ở thượng nguồn. Chính vì thế, ngoài chuyển đổi sản xuất để thích ứng với hạn, mặn, còn phải có giải pháp công trình dài hơi chủ động, ưu tiên tích trữ, dẫn nước ngọt phục vụ sinh hoạt người dân.
Thanh Tùng – Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL