Quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ là khó khả thi vì kỳ nghỉ thường các em không sinh hoạt tại trường.
Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định sinh viên không làm thêm quá 20h/tuần trong thời gian đang học và các trường nghề, cao đẳng, đại học có nhiệm vụ quản lý thời gian làm thêm của sinh viên.
Ngay sau khi dự thảo luật được công bố, nhiều chuyên gia đã có những bình luận trái chiều về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.
TS Đỗ Viết Tuân, Trưởng khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (HV Quản lý giáo dục) ủng hộ việc sinh viên đi làm thêm để tăng thu nhập và có thêm kiến thức, kỹ năng sống. Bên cạnh đó, đưa việc làm thêm của sinh viên vào Luật Việc làm cũng sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em khi tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, thầy Tuân cho rằng một số điểm cần lưu ý khi đưa ra quy định này.
Theo TS Đỗ Viết Tuân, hiện nay có nhiều sinh viên đi làm thêm những công việc phù hợp, đúng với chuyên ngành được đào tạo. Với nhóm này cần khuyến khích các em đi làm thêm, vừa giúp sinh viên nâng cao hiểu biết, kiến thức thực tiễn, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, bên cạnh đó lại có thêm một khoản thu nhập trang trải các chi phí hàng tháng.
Song bên cạnh đó cũng có không ít sinh viên đi làm thêm vì mục tiêu chính là kiếm thêm thu nhập. Có nhiều trường hợp các em bị cuốn vào việc kiếm tiền dẫn đến chậm tiến độ ra trường, thậm chí bỏ học.
“Có nhiều em làm thêm và cảm thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng nên thấy việc học không cần thiết. Nhiều trường hợp các em bị cuốn vào việc làm thêm, kiếm tiền trước mắt mà bỏ bê việc học, chậm tiến độ ra trường, thậm chí bỏ học. Tuy nhiên những công việc đó chỉ mang lại thu nhập nhất thời, không có tính bền vững hay cơ hội phát triển lâu dài”, thầy Tuân cho biết.
Về việc quy định mức “trần” giờ làm thêm của sinh viên và yêu cầu các trường quản lý việc sinh viên không làm thêm vượt số giờ quy định, TS Tuân cho rằng không khả thi: “Các em hoàn toàn có thể có những thông tin không chân thật để có thể làm thêm giờ nhiều hơn. Nếu sinh viên đã muốn nhà trường không thể quản lý nổi mà chỉ có thể khuyến khích các em làm thêm ở mức độ phù hợp với từng lĩnh vực. Khi sinh viên đi làm thêm nên cố gắng tìm những công việc phù hợp với các ngành nghề đang được đào tạo hoặc sát với định hướng việc làm trong tương lai, như vậy các em vẫn đảm bảo được việc học. Khi này cũng không cần có quy định khống chế giờ đi làm thêm của nhóm sinh viên này.
Bên cạnh đó, cũng không khyến khích các em sa đà vào việc làm thêm chỉ phục vụ mục đích tăng thu nhập, không liên quan đến định hướng nghề nghiệp lâu dài, ảnh hưởng đến kết quả học tập”.
Còn theo TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội), việc quy định giờ làm thêm cho sinh viên nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, tạo thời gian để sinh viên phấn đấu, rèn luyện. Tuy nhiên làm thêm cũng là quá trình để sinh viên phát triển kỹ năng, có thêm trải nghiệm, rèn luyện thể lực… và quan trọng hơn là giúp các em có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống, học tập.
“Việc quy định sinh viên làm thêm không vượt quá 20 giờ/tuần trong thời gian đang học và không quá 48h trong thời gian được nghỉ là hợp lý để các em được trải nghiệm, có thêm thu nhập và vẫn đảm bảo việc học”, TS Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, quan trọng hơn cả cần quy định rõ việc trả lương cho sinh viên khi làm thêm giờ thế nào cho phù hợp với khả năng cống hiến lao động và năng lực của các em. Đặc biệt cần quản lý thế nào để các cơ sở sử dụng lao động không trả lương cho sinh viên thấp hơn mức lương tối vùng đã quy định, thể hiện sự bình đẳng trong thị trường lao động.
Góp ý về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Công thương cho rằng cần cân nhắc tính khả thi của nội dung trên. Bộ Công Thương nhận định, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian không khả thi. Bởi các cơ sở giáo dục này chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị chứ không đủ nhân lực quản lý việc làm thêm của nhóm đối tượng này.
Còn theo Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ là khó khả thi vì kỳ nghỉ thường các em không sinh hoạt tại trường.
Để khả thi khi thực hiện quy định pháp luật trong thực tiễn, theo Bộ này, điều khoản trên nên được chỉnh sửa như sau: "Học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học phải có xác nhận của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ phải có trách nhiệm thông báo với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp ban hành quy chế quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học và kỳ nghỉ".
Theo VOV.VN