Bộ GD-ĐT cho biết đã ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDDT về việc chấn chỉnh trình trạng lạm dụng hồ sơ trong nhà trường. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc Sở GD-ĐT, trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ GD-ĐT ban hành.
Giáo viên được phép chọn hình thức trình này, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Các cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường, giáo viên.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết ngành GD-ĐT đang nỗ lực từng bước cắt giảm những yêu cầu không cần thiết, gây tốn thời gian, công sức, để giáo viên tập trung cho công việc chuyên môn.
“Từ đầu năm tới nay, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn công tác, kiểm tra thực tế giáo dục ở cơ sở, trong đó có nội dung này. Các địa phương đều đánh giá việc cắt giảm hồ sơ sổ sách đáp ứng được mong đợi từ thực tế và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần giảm áp lực cho giáo viên”, ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát các cuộc thi dành cho giáo viên, trong đó có cuộc thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi. Bộ cùng với các chuyên gia và các giáo viên rà soát các quy định từ các cuộc thi để lựa chọn những yếu tố tích cực, những gì không phù hợp cần thay đổi.
"Bộ đã xây dựng xong dự thảo quy định giáo viên dạy giỏi, trong đó thay vì thi sẽ chuyển sang xét để công nhận thông qua các tiêu chí cốt lõi của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, gắn với thực tế giáo dục và hoạt động giảng dạy" – ông Minh cho biết.
Như vậy, Bộ sẽ tiến tới việc công nhận giáo viên dạy giỏi thông qua hậu kiểm, sự tiến bộ của học sinh về đạo đức, học tập, sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh, của đồng nghiệp và cộng đồng...
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết dự thảo này đã được xây dựng công phu, thông qua ý kiến của thực tiễn, địa phương và nhất là của chính đội ngũ giáo viên.
Trong thời gian tới Bộ GD-DDT sẽ công bố dự thảo lần 1 để xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.
Dự kiến năm học tới sẽ ban hành chính thức để triển khai trên thực tế, giúp lựa chọn những giáo viên xứng đáng nhất mà không khiến giáo viên áp lực bởi bệnh thành tích của cuộc thi. Giáo viên đăng ký tham gia xét công nhận giáo viên dạy giỏi sẽ là tự nguyện và không gắn kết quả giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi với thành tích của tập thể.
Theo Vov.vn