Đột phá nào để Việt Nam thoát khỏi 'bẫy' thu nhập trung bình?

Một mục tiêu được Đại hội XIII của Đảng đặt ra là nước ta có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam phải vượt qua "bẫy" thu nhập trung bình.

 

Một mục tiêu được Đại hội XIII của Đảng đặt ra là nước ta có thu nhập cao vào năm 2045. Đạt được mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam phải vượt qua "bẫy" thu nhập trung bình, song đây là một thách thức lớn.

Sáng nay (21/3), tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Việt Nam: 40 năm đổi mới và tầm nhìn 2045".

Trong khuôn khổ hội thảo, tại phiên thảo luận về "Vượt bẫy thu nhập trung bình và hướng tới phát triển bền vững", TS Nguyễn Thắng - Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, một mục tiêu được Đại hội XIII của Đảng đặt ra là nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đạt được mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình, song đây là một thách thức lớn.

Dẫn theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, TS Nguyễn Thắng cho biết, từ năm 1960 đến năm 2022, chỉ có 23 nền kinh tế trong tổng số 101 quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 1960 đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Một trong những lý do quan trọng được các chuyên gia chỉ ra là các quốc gia có thu nhập trung bình bị kẹt ở giữa một bên là các quốc gia nghèo có mức lương thấp và các quốc gia giàu có công nghệ.

Toàn cảnh hội thảo.

Nhìn lại quá trình 40 năm đổi mới của Việt Nam, TS Nguyễn Thắng nhận định, những năm qua, tăng trưởng, xuất khẩu, thu hút FDI của Việt Nam có những điểm vượt trội so với các nước có cùng trình độ phát triển. Quá trình giảm nghèo ấn tượng, bất bình đẳng được kiềm chế ở mức tương đồng với các nước có cùng trình độ phát triển.

Để hướng tới mục tiêu là quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, TS Nguyễn Thắng nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội như có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc kinh tế, là điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Lợi thế địa kinh tế, khả năng kết nối trong nước và quốc tế đang cải thiện nhanh chóng. Bên cạnh đó ổn định chính trị, xã hội cũng là một lợi thế lớn.

Tại Việt Nam hiện nay, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, vừa là kết quả vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Nhiều người dân có thể hưởng lợi từ kinh tế dựa vào tri thức nhờ nền tảng giáo dục tốt. Ngân hàng Thế giới công bố chỉ số vốn con người vào tháng 10/2018, Việt Nam xếp thứ 48/157 quốc gia. Về giáo dục, Việt Nam xếp thứ 27 về kết quả học tập hài hòa, thậm chí cao hơn mức trung bình của khu vực.

Về góc độ tăng trưởng xanh tại Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm lớn và ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới, có những tiến bộ nhanh chóng liên quan đến tăng trưởng xanh như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, để đạt được mục tiêu là quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo chuyên gia đến từ Vietcombank, trước hết, Việt Nam cần tăng tốc khi bước lên những nấc thang phát triển cao hơn.

"Theo Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu gia nhập nhóm các nước có thu nhập cao vào năm 2045, năng suất lao động của Việt Nam sẽ phải đạt 6,6% trong giai đoạn 2018-2045 trong khi chúng ta chỉ đạt 4,85% trong giai đoạn 1991-2018. Đây là nhiệm vụ khó khăn do thông thường khi quy mô nền kinh tế tăng lên thì tốc độ tăng năng suất lao động thường giảm sút theo nguyên tắc leo núi là càng lên cao thì tốc độ càng chậm lại.

Thách thức thứ 2 đến từ việc cần đảm bảo an sinh xã hội cho những người không tham gia bảo hiểm xã hội.

Thứ 3, xét về tăng trưởng bền vững, thì nhu cầu tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn. Bên cạnh đó, thời kỳ lãi suất siêu rẻ đã kết thúc, chi phí vốn cao cũng được xem là rào cản lớn, đặc biệt đối với các nước đang phát triển", TS Nguyễn Thắng nhận định.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, trong thời gian tới cần có thêm những khuôn khổ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

Về tăng trưởng nhanh, cần sớm ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hội nhập, ưu tiên thương mại và FDI chất lượng, tái cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ, tri thức, tăng khả năng cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp. Phát triển hệ sinh thái cho công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ngoài ra cũng cần tính toán việc có cần chính sách công nghiệp không, nếu có thì thiết kế và thực thi như thế nào? Làm thế nào để tham gia và tận dụng được làn sóng AI đang tăng tốc ở trên thế giới.

Về tăng trưởng bền vững, cần ban hành và thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn môi trường phù hợp với Việt Nam trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh do gây ra ô nhiễm cũng như các tác động tiêu cực khác đến môi trường. Thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn, khuyến khích việc phát triển năng lượng tái tạo, các dự án công nghệ xanh.

Về tăng trưởng bao trùm, cần thúc đẩy bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bằng việc phổ cập giáo dục, hướng tới phổ cập ở cấp trung học phổ thông. Đẩy nhanh quá trình cải cách hệ thống an sinh xã hội từ hệ thống hiện hành sang chế độ tọa thu tọa chi. Làm chậm lại tiến tới đảo ngược quá trình già hóa dân số bằng các giải pháp phù hợp. Hoàn thiện hệ thống thuế thu nhập một cách phù hợp để kiềm chế bất bình đẳng thu nhập; kiềm chế bất bình đẳng về tài sản với một lộ trình áp dụng thuế tài sản, thuế thừa kế… trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Thiết kế và thực thi hiệu quả các chương trình hỗ trợ một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm người khuyết tật cũng như một số nhóm yếu thế khác tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển...

Còn theo TS. Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng và Quản lý chương trình, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Đạt mục tiêu thu nhập cao là hoài bão mà nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện. Để đạt được mục tiêu này, mức tăng trưởng GDP đến năm 2045 phải đạt 6%/năm. Những năm qua, mức tăng trưởng GDP vào khoảng 5,5%, tức nền kinh tế cần làm tốt hơn nữa”.

TS. Andrea Coppola nhận định, để trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn trước những biến động không ngừng của nền kinh tế thế giới, sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, biến đối khí hậu… Trong nước cũng đang có những khó khăn nhất định khi còn thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, quá trình sản xuất vẫn đang tập trung ở những ngành phát thải lớn. Để đạt được mục tiêu, cần nâng cấp sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng như hiện đại hóa về thể chế.

“Để tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần nâng cao kỹ năng cho người lao động, tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Hiện nay các doanh nghiệp FDI có năng suất cao hơn 5 lần so với các doanh nghiệp trong nước. Vậy bài toán đặt ra là cần có giải pháp chuyển giao kỹ năng, năng lực từ FDI sang các doanh nghiệp nội địa. Cần làm sao để sự phát triển của ngành dịch vụ có thể hỗ trợ cho kinh tế, đặc biệt là dịch vụ số phục vụ cho chế tạo, hạn chế những tác động đến biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng cần tăng cường hơn nữa hội nhập quốc tế, xóa bỏ những rào cản về thương mại, không chỉ mở rộng khả năng xuất khẩu mà còn cần đa dạng rổ hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt cần chuyển từ các ngành phát thải cacbon sang giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tính toán mức kinh phí cho biến đổi khí hậu. Xanh hóa là yếu tố rất quan trọng tác động đến năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Một nền kinh tế xanh cũng là điểm quan trọng để thu hút đầu tư và tạo việc làm.

Về mặt thể chế, tôi cho rằng, Việt Nam cần hiện đại hóa, các chính sách có tính toàn diện, giúp hành động nhanh hơn trước những biến động không ngừng…”, TS Andrea Coppola nhấn mạnh./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận