Theo báo cáo mới nhất của Bộ GD-ĐT về công tác tuyển sinh đại học, xét theo lĩnh vực tuyển sinh, trong 2 năm gần nhất 2023, 2022, khối ngành kinh doanh và quản lý đều đứng đầu danh sách về tỷ lệ thí sinh nhập học với 23,57% (2023) và 24,54% (2022), tiếp đó là khối ngành về máy tính và công nghệ thông tin 11,27% (2023) và 11,79% (2022).
Nhóm ngành kỹ thuật được cho là cần thiết với sự phát triển của mỗi quốc gia, thì chỉ chiếm 4,97% năm 2023 và 4,86% năm 2022.
Đáng chú ý, nhóm ngành về khoa học tự nhiên đứng gần cuối bảng khi chỉ có 0,5% học sinh lựa chọn theo học năm 2023 và 0,40% năm 2022. Tương tự, nhóm ngành về nông lâm nghiệp và thủy sản cũng chỉ có 0,86% thí sinh lựa chọn trong 2 năm gần đây.
Đứng cuối bảng là nhóm ngành về Toán và thống kê, Thú Y, Dịch vụ xã hội khi chỉ có khoảng hơn 0,3%-0,5% thí sinh lựa chọn trong 2 năm qua.
Nhìn từ góc độ ngành học, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng cho rằng, khối ngành kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ tuyển sinh quá cao, do đó cần có những chính sách vĩ mô điều chỉnh thí sinh vào những ngành học cần thiết hơn cho sự phát triển kinh tế.
Chưa ra trường đã có việc nhưng thí sinh vẫn kém "mặn mà"
PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Quan hệ công chúng và doanh nghiệp Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho rằng, quá trình tư vấn tuyển sinh năm 2024 có nhiều dấu hiệu đáng mừng khi số lượng thí sinh quan tâm đến nhóm ngành kỹ thuật tăng cao hơn so với những năm trước. Tuy nhiên nếu xét trên bình diện chung với các ngành nghề khác, tỷ lệ các em lựa chọn khối ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản các năm vẫn còn hạn chế.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hà, thực tế có nhiều nhóm ngành kỹ thuật đang rất khan hiếm nhân lực, nhưng thí sinh vẫn không mấy “mặn mà”: “Như ngành Địa Vật lý, hiện nay không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều cần kỹ sư ngành này. Qua làm việc thực tế với một số doanh nghiệp tại Vũng Tàu, các đơn vị này cho biết đã có thời điểm họ trả lương cho kỹ sư ngành này lên đến 1.000 euro/1 ngày. Với những ngành đặc thù như Địa Vật lý, mỗi năm nhà trường có thể đào tạo từ 50-100 sinh viên/ngành, tuy nhiên số lượng sinh viên nhập học chỉ khoảng 40%.
Hay với ngành Tuyển khoáng tức làm công tác tuyển khoáng sản từ quặng, đặc biệt hiện nay với quy định không được bán quặng thô, thì nhu cầu kỹ sư công nghệ cao về ngành tuyển khoáng càng cần hơn bao giờ hết. Song những năm qua số lượng tuyển sinh ngành này tương đối thấp, chỉ khoảng 10/50 chỉ tiêu”, PGS.TS Nguyễn Việt Hà cho biết.
Thầy Hà cũng cho rằng, các trường đào tạo khối ngành kỹ thuật phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, số lượng, chất lượng đề ra đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo lượng lớn sinh viên, nhưng lại chỉ tuyển được 1 lượng rất ít thí sinh cũng đang tạo ra không ít khó khăn cho nhà trường.
Thừa giảng viên, thiếu sinh viên, thiếu cả nguồn nhân lực cung cấp cho doanh nghiệp, một số giảng viên các ngành kỹ thuật đặc thù đã lựa chọn chuyển hướng làm chuyên gia cho các doanh nghiệp.
Theo thầy Nguyễn Việt Hà, sở dĩ nhóm ngành kỹ thuật nói chung và một số ngành kỹ thuật đặc thù nói riêng kém thu hút thí sinh hơn nhóm kinh doanh, kinh tế, bởi việc học khó, vất vả hơn, yêu cầu các hoạt động thí nghiệm, thực hành nhiều hơn. Để theo đuổi những ngành này, các em không chỉ cần kiến thức, tư duy mà còn cần đam mê nghề nghiệp rất lớn.
“Để các em đam mê nghề nghiệp, cần quay trở lại vấn đề nhà nước cần tạo dựng ước mơ cho các em thế nào, cần đánh giá vị trí việc làm tốt hơn cho các ngành đặc thù. Thực tế tại một số quốc gia trên thế giới cũng đã từng gặp khó khăn khi tuyển sinh nhóm ngành kỹ thuật. Giải pháp họ đưa ra là đưa các chương trình về hướng nghiệp, vun đắp ước mơ cho trẻ về những ngành này ngay từ bậc tiểu học. Với nhóm ngành về kỹ thuật, cần cho sự phát triển của đất nước sẽ cần có sự định hướng ngay từ bậc tiểu học, THCS, THPT để các em có sự định hướng lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn”. PGS.TS Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.
Tương tự với nhóm ngành về nông nghiệp, Ths Nguyễn Trọng Tuynh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ công chúng và Hỗ trợ sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Nhu cầu của xã hội về nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp là rất lớn, nhưng nhiều thí sinh vẫn nhầm tưởng rằng học nông nghiệp là “chân lấm tay bùn”. Ngày nay, nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, có thể điều khiển trang trại ở Đà Lạt khi đang ở Hà Nội thông qua các ứng dụng hiện đại. Khi xã hội càng phát triển, thu nhập của người dân tăng cao, nhu cầu về sử dụng các sản phẩm sạch và an toàn lại càng lớn hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp nuôi trồng, sản xuất thực phẩm sạch có nhu cầu nhân lực kỹ sư nông nghiệp chất lượng cao rất lớn.
Thống kê việc làm của sinh viên sau 12 tháng ra trường có đến 97% sinh viên có việc làm, ở nhiều nhóm ngành khi các em chưa tốt nghiệp đã có doanh nghiệp đặt hàng. Với các nhóm ngành về thú y, mức lương sau khi ra trường của sinh viên giao động từ 15-20 triệu đồng/tháng, sau 2-3 năm làm việc, mức lương có thể tăng cao hơn”.
Ths Nguyễn Trọng Tuynh cho rằng, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, nhiều thí sinh chưa đánh giá đúng về các nhóm ngành dẫn đến sự e dè khi lựa chọn. Một số thí sinh vẫn còn mắc những sai lầm khi chọn ngành, nghề như chưa hiểu đúng được năng lực bản thân, chưa hiểu đúng về ngành nghề mà các trường đào tạo. Việc lựa chọn theo số đông cũng khiến sinh viên phải chịu áp lực cạnh tranh lớn khi ra trường.
Để lựa chọn ngành nghề phù hợp, thầy Nguyễn Trọng Tuynh khuyên thí sinh cần xác định đúng năng lực, sở thích bản thân, lựa chọn môi trường phù hợp. Bên cạnh đó để có những hiểu biết chính xác về các ngành học, các em có thể tham gia trải nghiệm trực tiếp, nghe tư vấn tuyển sinh trực tiếp từ các trường để biết bản thân có phù hợp hay không. Ngoài ra, khi lựa chọn trường cũng cần cân nhắc đến điều kiện kinh tế của gia đình và mức học phí các trường.
Nguyễn Trang/VOV.VN