Trong khuôn khổ hoạt động của Hội báo toàn quốc năm 2024, chiều nay (15/3), diễn ra phiên thảo luận 1 với chủ đề “Nâng cao tính đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”.
Báo đảng phải chấp nhận cuộc chơi mới
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới Nguyễn Minh Đức cho biết, làm báo đảng rất khó, phải tuân thủ theo các quy tắc nhất định. Báo đảng địa phương có lợi thế là tiếp cận được nguồn thông tin chính thống. Tuy nhiên, có bất lợi là không được câu view, các thông tin đưa lên phải kiểm chứng, chính xác... nên không thể đưa tin nhanh. Người làm báo đảng thường khó thay đổi tư duy trong khi yêu cầu của độc giả ngày càng cao, thông tin trên báo, nhất là báo giấy phải mới bởi “bạn đọc dị ứng khi đọc thông tin đã xem ngày hôm trước”.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, nguyên tắc báo đảng phải giữ nhưng phải đổi mới từ kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, tư duy phải đổi mới không nên chỉ nặng về báo in mà phải tư duy buổi sáng làm điện tử, trưa làm báo in, chiều làm video, postcast, tối lại trở thành người trên mạng xã hội để cập nhật thông tin.
"Phải làm báo theo luật chơi của mạng xã hội. Ví dụ viết báo in có nguyên tắc nhưng điện tử theo trend, theo chuẩn SEO. Và phải chấp nhận cuộc chơi mới là phóng viên báo đảng cũng phải chấm nhuận bút là tính view. Cái này khó với người làm báo đảng nhưng nếu chúng ta không chấp nhận thì không phát triển lên được", ông Đức nói.
Làm tốt tính định hướng sẽ làm tăng tính hấp dẫn của báo chí
Trong khi đó, nhà báo Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng cho rằng, tính định hướng cần được nhìn nhận ở hai góc độ. Đó là phải luôn luôn đứng trên quan điểm của Đảng để nhìn nhận, phản ánh và giải quyết vấn đề mà báo chí đề cập, bởi dù là bài viết của một cá nhân nhưng khi báo chí đăng, có nghĩa là đã đồng tình ủng hộ quan điểm người viết, trừ những bài đăng trong mục trao đổi ý kiến, đưa những ý kiến trái chiều để rộng đường dư luận.
Thứ hai là trước một vấn đề vụ việc cụ thể đang có ý kiến khác nhau thì báo chí cần nêu chính kiến của mình, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan với lý lẽ xác đáng để giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất… Từ đó góp phần định hướng tư tưởng và ổn định dư luận; đây là vấn đề khó, cần sự nhanh nhạy và có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị.
Theo nhà báo Ngô Minh Tuấn, cần đặt tính định hướng trong mối quan hệ hữu cơ với tính hấp dẫn mới tăng được hiệu quả định hướng. Tính định hướng không làm cho báo chí giảm tính hấp dẫn mà trái lại nếu làm tốt việc định hướng sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của báo chí. Bởi nếu báo hay tạp chí mà gặp đâu viết đó, chạy theo thị hiếu tầm thường không chỉ bị cơ quan chủ quản tuýt còi mà còn bị bạn đọc chân chính tẩy chay. Tuy nhiên, cũng cần phải tránh lối viết báo cáo hóa, hướng dẫn hóa, không sai quan điểm nhưng viết xơ cứng.
Nhà báo Ngô Minh Tuấn khẳng định, báo chí phải nâng cao hơn nữa tính tiên phong, tính chiến đấu trên lĩnh vực tư tưởng: "Báo chí chỉ thật sự có sức hấp dẫn, có tác dụng tốt với đời sống xã hội khi có tính chiến đấu cao, dám thẳng thắn đấu tranh, phê phán kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, chỉ ra hạn chế yếu kém. Nếu báo chí chỉ ca ngợi một chiều sẽ ngày càng ít bạn đọc; vì thế hiệu quả tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống sẽ càng hạn chế, như thế tính định hướng sẽ giảm sút".
Sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính sách
Còn nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ cho biết, trong truyền thông chính sách, cơ quan đã sử dụng rất tốt mạng xã hội. Ngoài fapage TTCP đang có 4,4 triệu người theo dõi, Cổng TTĐT Chính phủ còn tham gia Zalo, Youtube, Twitter và cả mạng Lotus của Việt Nam.
Vào thời điểm này, những thông điệp quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngay lập tức Cổng TTĐT Chính phủ có thể tiếp cận được khoảng 15-17 triệu người dùng mạng xã hội.
Trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19, fanpage TTCP hoạt động cực kỳ hiệu quả để truyền tải thông tin. Khi có những thông điệp, chỉ đạo về phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì ngay lập tức Cổng TTĐT Chính phủ có thể truyền tải được đến 80% người dùng facebook ở Việt Nam…
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm dẫn chứng, thời gian qua, nhiều status về phòng chống dịch hay đề nghị Google khôi phục lại hình ảnh quốc kỳ Việt Nam ở Trường Sa, vận động thanh niên không kết hôn muộn thì cũng tạo trend và được rất nhiều người theo dõi… Fanpage của Cổng TTCP còn là nơi tiếp nhận các thông tin phản hồi của người dân, doanh nghiệp kiến nghị lên Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành. Việc này rất cần thiết để đo đếm, dự đoán sớm những sự cố, những vấn đề nóng để tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ. Qua đó xử lý được những vấn đề, có thể tránh được khủng hoảng truyền thông.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm cho biết, qua thống kê, trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, 80% người dân ở lứa tuổi từ 17 – 45 tìm đọc các chính sách liên quan đến cơm áo gạo tiền, liên quan đến việc làm, học hành và chính sách đối với cuộc sống của họ.
"Tôi thấy là chúng ta làm báo chính thống làm báo tử tế, chúng ta vẫn có cơ hội để phát triển từ các nền tảng, chứ không phải cứ phải câu view giật tit thì mới hay, mới nhiều người xem được", ông Sâm nêu ý kiến.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề như tình trạng “đồng phục thông tin” khi nhiều bản tin về các chính sách thì đều na ná nhau. Các đại biểu cho rằng, mỗi cơ quan báo chí cần phải chủ động đi sâu, tìm hiểu vấn đề, có những cách xử lý, chuyển tải tinh thần theo đúng tôn chỉ mục đích của mình và vẫn đảm bảo tính đảng, tính định hướng. Đặc biệt, cần chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động báo chí…
Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, mỗi cá nhân đều chịu sự tác động của các luồng thông tin khác nhau. Do đó làm sao để thông tin đến nhanh nhất, đúng nhất với người đọc là rất quan trọng. Ông Phong dẫn chứng trong đợt phòng chống dịch thì các luồng thông tin khác nhau rất nhiều. Và độc giả thường sẽ vào báo Sài Gòn Giải Phóng và các báo chính thống để kiểm chứng… Do đó báo chí cần làm tốt.
Các diễn giả cũng cho rằng, hiện nay bạn đọc rất thông minh, biết chọn lọc các thông tin và kiểm chứng. Do đó cần phải đảm bảo đưa đúng, đưa tin nhanh để bạn đọc tự lựa chọn. Qua đó sự định hướng của mình sẽ lan tỏa hơn, góp phần đẩy lùi các thông tin xấu độc.
Có mặt tại phiên thảo luận, nhà báo lão thành Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, chủ đề của phiên thảo luận và hết sức thiết thực và cần phải phân tích, làm rõ.
Theo nhà báo Hồng Vinh, chúng ta cần phải làm rõ nội hàm tính đảng, tính định hướng trong báo chí, phải biến cái phức tạp thành đơn giản bởi nếu hiểu “tính đảng chỉ có đảng lãnh đạo là nghĩ rất hẹp”. Do đó, ông Nguyễn Hồng Vinh đề nghị chúng ta cần phải tổng hợp các ý kiến và có khuyến nghị cụ thể để các nhà báo trẻ hiểu đúng các nội hàm và giải quyết vấn đề.
Theo VOV.VN