Sau một năm các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, người dân vẫn liên tục phải nhận các tin nhắn, cuộc gọi tư vấn đủ thể loại dịch vụ, trong đó có những cuộc là từ số điện thoại cố định.
Tháng 3/2023, các nhà mạng đồng loạt triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao, nhằm hạn chế tình trạng SIM rác, gây phiền nhiễu cho người dân. Ngày 1/4, khoảng 1,5 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin và bị khóa một chiều. Ngày 15/4, khoảng 1,15 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều. Đến 15/5, các doanh nghiệp đã thu hồi về kho số hơn 985.000 SIM. Đây được coi là những nỗ lực để giảm thiểu SIM rác, SIM bị sử dụng cho mục đích xấu.
Tháng 9/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, các nhà mạng trên toàn quốc đã cam kết ngừng bán SIM di động tại đại lý, điểm bán. Động thái này phản ánh nỗ lực của Bộ TT&TT cùng các nhà mạng nhằm hạn chế tình trạng SIM không chính chủ tràn lan trên thị trường.
Thế nhưng, bất chấp những giải pháp cả từ phía cơ quan chức năng và nhà mạng đưa ra, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn gây phiền nhiễu cho người dân bất kể ngày đêm.
Chào mời bất kể ngày đêm
Chị Lã Thúy Hà, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, cứ tưởng sau đợt rà soát, đăng ký SIM chính chủ, người dùng điện thoại di động sẽ được yên thân. Thực tế, chị vẫn phải ngán ngẩm khi thường xuyên nhận các cuộc gọi chào mời dịch vụ bất kể ngày đêm.
“Các tin nhắn với cuộc gọi rác có giảm bớt một khoảng thời gian sau khi nhà mạng triển khai việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Sau đó lại tiếp tục các cuộc gọi rác chào mời dịch vụ từ du lịch, thẩm mỹ, giáo dục đến đầu tư tài chính… Họ gọi bất kể trong giờ hành chính hay ngoài giờ, ngày nghỉ, ngày lễ cũng không tha. Thật sự mệt mỏi!”, chị Hà than thở.
Anh Nguyễn Nam Khánh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi giới thiệu dự án bất động sản, tài chính đến mức không buồn trả lời…
“Mệt mỏi có, bức xúc cũng có nhưng các cuộc gọi rác như là chuyện thường ngày rồi. Không nghe số lạ thì sợ lỡ khách hàng. Nghe thì phát chán ngắt máy luôn, khỏi trả lời mất công. Trong danh sách chặn số của tôi có lẽ lên đến cả trăm số điện thoại, nhưng nhiều khi số gọi đến là từ máy cố định nữa, chặn cũng không xuể”, anh Khánh bày tỏ.
Đại diện một nhà mạng di động thừa nhận, người dùng vẫn bị cuộc gọi rác làm phiền vì việc chuẩn hóa thuê bao chưa giải quyết hoàn toàn nạn tin nhắn rác. Nhiều SIM rác được kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác và chuẩn, khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn có thể dùng bình thường. Ngay cả khi siết chặt quản lý SIM chính chủ, cuộc gọi rác vẫn hoành hành vì theo quy định mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 SIM trên một nhà mạng viễn thông. Với 5 nhà mạng, một người có thể đăng ký 15 đầu số. Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách hàng qua điện thoại với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để “dội bom” người dùng. Chưa kể SIM rác đã “chuẩn hóa” vẫn có thể mua bán khá dễ dàng ngoài thị trường.
Đình chỉ nhà mạng phát triển thuê bao mới nếu vi phạm quản lý thông tin
Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thừa nhận, hiện nay 172 triệu thuê bao tại Việt Nam đã được chuẩn hóa thông tin. Tuy nhiên hiện tại vẫn phát sinh các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Thời gian qua, cuộc gọi “rác”, tin nhắn “rác” mạo danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp gọi điện, nhắn tin cho người dân để đe dọa, dụ dỗ với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây bức xúc trong nhân dân vẫn diễn ra phổ biến.
“Chúng tôi đang hướng đến việc làm thuê bao chính chủ. Việc làm thuê bao chính chủ này cũng cần có hành lang pháp lý. Với việc phát triển thuê bao mới, Cục Viễn thông đã kiến nghị với Bộ TT&TT và được các nhà mạng đồng thuận là dừng phát triển thuê bao ở một số đại lý. Do đó số lượng thuê bao vào mạng sẽ ít đi khoảng 30%”, ông Nguyễn Phong Nhã cho hay.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho biết, cục đang kiến nghị xây dựng một số chính sách cho phép các thuê bao này được đăng ký trực tuyến mở ra cơ hội cho các nhà mạng phát triển các thuê bao mới nhưng cũng đảm bảo thông tin chính xác và tiến tới thuê bao chính chủ.
Ngoài ra, Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác.
Bộ TT&TT cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung hình thức xử phạt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 1 tháng đến 12 tháng nếu thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao.
Theo đánh giá, đây là hình thức xử phạt nặng, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp viễn thông.
Để ngăn chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM, quy định trách nhiệm đối với thuê bao đăng ký sở hữu hơn 3 SIM;
Quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác, nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.
Phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước, góp phần xác định thuê bao chính chủ.
Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo các nhà mạng khóa 2 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh, tuyên truyền để ngăn chặn các hình thức lừa đảo mới./.
Theo VOV.VN