Chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề ô nhiễm không khí
Đánh giá về việc triển khai các giải pháp giảm ô nhiễm không khí, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, ô nhiễm không khí tại Việt Nam được chú ý từ nhiều năm trở lại đây. Chất lượng không khí xung quanh, các nguồn ô nhiễm đã được đề cập trong báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường và cơ quan quản lý. Hệ thống pháp lý gồm luật, nghị định, thông tư, quy chuẩn bảo vệ môi trường không khí liên tục được hoàn chỉnh. Các kế hoạch hành động quốc gia nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí được ban hành.
“Hệ thống quan trắc không khí xung quanh, quan trắc nguồn thải được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí chẳng những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng cùng với sự tăng trưởng dân số, kinh tế và điều kiện thời tiết cực đoan. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Trước hết, tại một số bộ ngành, địa phương sự quan tâm và quyết tâm chính trị, độ quyết liệt đối với ô nhiễm không khí chưa cao. Qua một số sự việc tôi thấy, nếu có quyết tâm cao, coi đấy là việc phải làm thì khó mấy rồi cũng tìm được giải pháp hiệu quả. Hiện nay, một thực tế đáng buồn là ô nhiễm không khí chỉ được nhắc tới khi xảy ra, vào mùa hè thì không ai quan tâm”, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh: “Một vấn đề nữa là chúng ta vẫn còn hô hào, hay nói chung chung, quản lý chung chung, dàn đều với những cụm từ như tăng cường, quyết liệt, nâng cao, cương quyết. Mặc dù đã ban hành nhiều văn bản quy định, nhưng không cụ thể, thiếu các hướng dẫn kỹ thuật, vẫn nặng tiền kiểm thay vì hậu kiểm, làm cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhất là ở cấp địa phương không dễ thực hiện. Nguồn lực giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở nước ta rất hạn chế. Có thể ví dụ như ở Berlin (Đức), dù diện tích và dân số ít hơn Hà Nội nhiều nhưng có cơ quan quản lý chất lượng không khí riêng với đội ngũ cán bộ chuyên ngành khoảng 40 người. Trong khi, Hà Nội thường xuyên có những ngày ô nhiễm cao ở mức đỏ, tím, thậm chí nâu nhưng không có cơ quan quản lý không khí riêng, cán bộ chuyên ngành rất ít. Kinh phí cho quản lý không khí, cho hệ thống quan trắc không đáng bao nhiêu. Đây là bức tranh chung ở các địa phương và ở cấp trung ương”.
Các biện pháp để giảm ô nhiễm không khí còn rất chậm, không mấy hiệu quả
Theo TS Hoàng Dương Tùng, để cải thiện, nâng cao chất lượng không khí phải kiểm soát nguồn thải. Việc này không phải một sớm một chiều: “Tuy nhiên thực tế cho thấy trong những năm qua chúng ta làm ít quá... Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong khâu thu gom, tập kết, xử lý và nâng cao ý thức của từng người dân để góp phần giảm ô nhiễm không khí".
TS Hoàng Dương Tùng cho biết thêm, giải pháp giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc là buộc phải kiểm soát nguồn thải. Các cơ quan quản lý ngày càng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng.
“Tuy nhiên, cần cụ thể hoá hơn để các văn bản luật đi vào cuộc sống, từ đó làm cơ sở để những người được giao nhiệm vụ được hướng dẫn thực thi. Chúng ta cần cụ thể hoá các hướng dẫn của Luật BVMT, càng nhiều hướng dẫn thì càng có lợi cho dân, cho đơn vị sản xuất, cho nhà quản lý. Trước tiên, Bộ phải cụ thể hoá các vấn đề trong Bộ trước. Bảo vệ môi trường chúng ta có 1 Bộ Luật, 1 nghị định, 1 thông tư, tới đây là có một bộ hướng dẫn cụ thể, tập huấn cho các địa phương về vấn đề ô nhiễm không khí. Ngoài ra, công tác đào tạo cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không khí cần được chú trọng, vì hiện tại, đến cấp huyện vẫn chữa có cán bộ chuyên trách lĩnh vực này. Chúng ta đã triển khai một số biện pháp, có ban hành luật, các nghị định về kiểm soát nguồn thải, Quyết định 985a của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong đó đã đưa ra một số chương trình hành động. Tuy nhiên việc triển khai các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí còn rất chậm, không mấy hiệu quả”, TS Hoàng Dương Tùng nêu quan điểm.
TS Hoàng Dương Tùng nêu ví dụ: “Việc kiểm soát khí thải xe máy, mặc dù Thủ tướng cũng đã có quyết định từ mấy năm trước nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện được. Thanh tra xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại, việc thực thi pháp luật không nghiêm. Hay đốt rơm rạ, rác đã nói nhiều nhưng không kiểm soát dù chuyện đó đang diễn ra hàng ngày. Các làng nghề tua tủa xả ống khói, mọi người nhìn thấy cả nhưng tại sao nó vẫn cứ ngang nhiên? Tình trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp quyết liệt”.
TS Hoàng Dương Tùng đề xuất, tới đây, cần phải kiểm soát chặt chẽ khí thải của 25 nhà máy nhiệt điện chạy than hiện nay và các nhà máy nhiệt điện trong tương lai; của khoảng 60 nhà máy xi măng và cũng khoảng đấy nhà máy sản xuất thép.
Tiến hành ngay việc kiểm soát khí thải xe máy, trước hết tại các đô thị lớn. Từng bước tăng cường phương tiện giao thông công cộng. Giải quyết ngay với các làng nghề tái chế giấy, kim loại, nhựa; Cương quyết với chuyện đốt rác, không che chắn tại các công trình xây dựng… Mỗi việc một chút, từng bước, mới hy vọng dần dần giải quyết được vấn đề.
“Giải quyết ô nhiễm không khí không thể là câu chuyện một sớm, một chiều. Đây là công việc có tính lâu dài. Đừng có nghĩ là năm nay ô nhiễm, năm sau có thể giảm ngay được. Nhưng cũng vẫn phải làm bởi có đi thì mới có đến. Nếu chúng ta không có động thái thực sự thì sẽ rất gay. Các cơ quan nhà nước cần phải đưa ra các biện pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Phải tích hợp nhiều giải pháp khác nhau, mỗi giải pháp sẽ giảm thiểu một chút. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Mỗi việc một chút, từng bước, mới hy vọng dần dần giải quyết được vấn đề”, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Việt Nam đã có hệ thống quan trắc tự động kết hợp với quan trắc định kỳ lấy mẫu và phân tích ở phòng thí nghiệm từ những năm 1990. Điều này cho thấy chúng ta ý thức việc quan trắc không khí để có số liệu và đánh giá chất lượng không khí từ rất sớm. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, hệ thống quan trắc không khí vẫn chưa phát triển được theo những gì mong muốn. Hiện nay, cả nước mới có 7 trạm quan trắc quốc gia. Nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh… đầu tư lắp đặt trạm quan trắc nhưng các số liệu chưa được chia sẻ.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thúc đẩy phát triển xây dựng mạng lưới quan trắc nhiều hơn để có thể chia sẻ số liệu đến người dân được nhiều hơn”, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh thêm.
Theo VOV.VN