Sau nhiều ngày UBKT TW làm việc với Bộ LĐTBXH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có kết luận tại Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 37 của Ủy ban, trong đó nêu rõ:
"Ban cán sự đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề; trong thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện.
Những vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn nhân lực xã hội; dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật."
Những hậu quả nặng nề gây lãng phí rất lớn tài sản Nhà nước, nguồn nhân lực xã hội,... cần được rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý nhà nước. Vậy những bài học nào cần được nhận diện trong sự việc kéo dài đến hai nhiệm kỳ vừa qua?
Bài học về buông lỏng quản lý nhà nước do thiếu cơ chế kiểm soát và giám sát hữu hiệu việc xây dựng và thực thi chính sách dạy nghề?
Dạy nghề là một nội dung thuộc hệ thống GDĐT, để thực hiện quản lý nhà nước, ngoài việc thực thi các quy định thì đòi hỏi lãnh đạo phải có kinh nghiệm quản lý giáo dục cũng như dạy học và hiểu biết về thị trường lao động. Sự không tường tận trong hiểu biết về dạy nghề rất phức tạp khiến cho quá trình xây dựng và chuẩn y chính sách sẽ gặp rủi ro cao. Việc giám sát hoạt động của Tổng cục GDNN cũng dường như lại thiếu một cơ quan giám sát hiệu quả.
Bài học về nhân sự
Việc để xảy ra vụ việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Bộ LĐTBXH và của Tổng cục GDNN cho thấy, việc quy hoạch và lựa chọn cán bộ lãnh đạo rất cần kinh nghiệm về quản lý giáo dục đào tạo, không để cho doanh nghiệp dẫn dụ. Trong câu chuyện này, dư luận không thể không nghi ngờ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước vì hiện tượng này không phải hiếm gặp thời gian qua.
Bài học thứ 3 về đổi mới thể chế trong xây dựng chính sách GDNN
Việc thiếu một cơ quan chuyên trách giám sát hoạt động của Tổng cục GDNN rất khó tránh sai phạm. Kinh nghiệm GDNN ở Thái Lan luôn có một Hội đồng GDNN gồm những chuyên gia có kinh nghiệm và đại diện các bên liên quan bên cạnh Tổng vụ GDNN thuộc Bộ Giáo dục. Hội đồng này giúp xây dựng chính sách, giám sát việc thực thi kế hoạch chiến lược GDNN, nên những sai sót sẽ sớm được điều chỉnh tương tự như hoạt động của Chính phủ sẽ luôn được giám sát bởi Quốc hội. Quy trình như hiện nay, để các Bộ ngành góp ý chính sách về GDNN đã cho thấy kém hiệu quả do không phù hợp với tính chuyên nghiệp cũng như chức năng của họ, thậm chí ngại va chạm với Bộ LĐTBXH nên có góp ý thường không sâu và có khi còn nhẹ nhàng. Bên cạnh đó phải phân cấp tối đa cho địa phương, lắng nghe phản ánh từ địa phương, và thúc đẩy tự chủ các cơ sở GDNN, hạn chế việc xin-cho ngân sách bao cấp cho GDNN, tránh vụ lợi từ những người có thẩm quyền.
Bài học cuối cùng là không được bỏ qua dư luận xã hội, đặc biệt là bỏ qua thông tin từ truyền thông đại chúng
Dư luận đã cảnh bảo nhiều lần về lãng phí rất lớn trong GDNN từ hơn một thập kỷ nay, nhưng những cảnh báo đều bị bỏ ngoài tai. Từ những dự án hơn 120 triệu USD đến nhiều dự án và chương trình đầu tư, dự án do nước ngoài tài trợ nhưng chương trình trước làm thì sau lại bỏ. Ví dụ như, các chương trình đào tạo dựa theo năng lực vay vốn của ADB, chương trình khung hàng trăm tỉ đồng bị xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2017, rồi “sáng kiến” nhập khẩu chương trình thông qua doanh nghiệp AIC là điều không quốc gia nào làm để đào tạo các nghề trọng điểm, nghề trọng điểm quốc tế một cách mù mờ không rõ tiêu chí xác định. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng yêu cầu Bộ LĐTBXH nhập khẩu chuyển giao chương trình nước ngoài không được thông qua doanh nghiệp mà phải để trường nghề tự làm...”... Động cơ của việc “vẽ” ra những dự án thông qua AIC để thực hiện kiểu như vậy là gì? Đây vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Tóm lại, khi nói đến GDNN thì Đảng và Nhà nước luôn dành cho sự quan tâm cao nhất vì tầm quan trọng của đào tạo nghề trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững đất nước, nhưng những vấn đề sai phạm của hàng loạt cán bộ lãnh đạo kế tiếp của Bộ LĐTBXH và của Tổng cục GDNN trong xây dựng và thực thi chính sách không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược phát triển quốc gia nói chung mà còn có nguy cơ gây tổn thất nguồn lực. Đây là bài học chung cho việc thiết kế thể chế, nhân sự, trách nhiệm giải trình và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương cũng như tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐT.
TS Hoàng Ngọc Vinh/VOV.VN